Theo Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN và PTNT), từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, đến thịt bẩn, rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép,... làm dư luận hoang mang, lo ngại. Và cũng chỉ trong thời gian ngắn, có tới 90% số vụ tranh chấp thương mại trong xuất khẩu của nước ta với các nước có liên quan đến an toàn thực phẩm.
Trồng rau theo quy trình VietGAP ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Ảnh: Tất Thắc |
Thực trạng đáng báo động này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn nhằm giám sát, quản lý chất lượng, có thể dễ dàng truy xuất tận gốc sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ việc cung cấp vật tư nông nghiệp đến khâu làm đất, chăm sóc, bảo quản trong kho thu hoạch, vận chuyển thực phẩm và cuối cùng là giai đoạn chế biến, đóng gói một cách an toàn để chuyển đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên ở nước ta, quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi vẫn còn là vấn đề khá mới mẻ. Một số mô hình thí điểm về chuỗi thực phẩm an toàn có quy mô còn nhỏ, cho nên chưa tác động nhiều đến cộng đồng. Từ đó, nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng, và doanh nghiệp đối với chuỗi thực phẩm an toàn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua làm giảm sút lòng tin người tiêu dùng. Các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển chuỗi thực phẩm an toàn còn thiếu và chưa đồng bộ; nhất là chưa có cơ quan thống nhất trong cả nước về quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm. Tình trạng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và khả năng cung ứng số lượng lớn các sản phẩm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa có tính ổn định. Hơn nữa, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, kém hiệu quả; độ tin cậy của các phòng thí nghiệm phân tích, kiểm định chất lượng cũng như năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm còn thấp.
Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn "từ trang trại đến bàn ăn" là một giải pháp có tính đột phá và bền vững để quản lý tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, đồng thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để người dân tiếp cận được với các chuỗi thực phẩm an toàn, trước hết cần sự đổi mới trong tư duy các nhà quản lý, hoạch định chính sách với những giải pháp căn cơ, khoa học về đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực phân tích nguy cơ, kiểm tra an toàn thực phẩm, tổ chức sản xuất và cung ứng sản phẩm nông sản theo chuỗi. Mặt khác, thực hiện bền bỉ chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức mọi người dân, cộng đồng xã hội về chuỗi thực phẩm an toàn... Xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm với lộ trình phù hợp trên một hệ thống quản lý đủ mạnh, có hiệu lực, sẽ tạo sự tác động rõ rệt và toàn diện tới việc cải thiện an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe của chính mình và cho cả cộng đồng./.
Theo nhandan.com.vn