Xây dựng làng văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt, làm cho văn hóa thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống xã hội nông thôn, góp phần hình thành nếp sống văn hóa, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu; thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vụ Bản đã rất chú trọng đến công tác xây dựng làng văn hóa. Năm 1996, làng Trung Nghĩa (xã Liên Minh) là làng đầu tiên trên địa bàn tỉnh được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh. Từ đó đến nay, huyện Vụ Bản đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết chuyên đề về xây dựng làng văn hóa; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo, ban vận động xây dựng nếp sống văn hóa từ huyện tới cơ sở. Các ban chỉ đạo, ban vận động xây dựng nếp sống văn hoá được kiện toàn và đi vào hoạt động hiệu quả. Vụ Bản là đơn vị đầu tiên của tỉnh có hướng dẫn chuyên đề thực hiện việc xây dựng làng văn hóa với việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Đến nay, 100% xã, thị trấn và các làng (thôn, xóm) của Vụ Bản đã có ban chỉ đạo và ban vận động xây dựng đời sống văn hóa. Toàn huyện Vụ Bản đã có 170/223 làng (thôn, xóm) được công nhận làng văn hóa, đạt tỷ lệ 76%, trong đó, các xã Hiển Khánh, Liên Minh, Trung Thành, Đại Thắng, Kim Thái và Thị trấn Gôi là những đơn vị tiêu biểu có nhiều làng, thôn, xóm được công nhận làng văn hóa. Xã Liên Minh trở thành 1 trong 3 xã văn hóa đầu tiên của tỉnh. Hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều đã xây dựng được quy ước làng văn hóa. Gần 80% số hộ dân trên địa bàn toàn huyện đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đến nay, Vụ Bản đã trở thành một trong những huyện đi đầu toàn tỉnh trong việc triển khai phong trào xây dựng làng văn hóa với cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương. Việc xây dựng các quy ước làng văn hóa đều gắn với việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Từ khi phát động phong trào xây dựng làng văn hóa đến nay, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn huyện nói chung và ở các làng quê nói riêng đã có những chuyển biến mới. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, đã phát huy được mọi nguồn lực trong nhân dân, góp phần phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Trong nhiều năm qua, hệ thống đường giao thông nông thôn ở Vụ Bản đã được thực hiện theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" nên hầu hết đường làng ngõ xóm ở các làng văn hóa đều được “bê tông hóa” khang trang sạch đẹp. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng làng văn hóa đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong gia đình, trong cộng đồng thôn, xóm được bồi đắp, phát huy. An ninh trật tự được bảo đảm. Việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực...
Làng văn hoá An Duyên, xã Đại An (Vụ Bản). |
Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành trong toàn huyện đã nỗ lực trong việc thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nói chung, xây dựng làng văn hóa nói riêng, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò của các ban, ngành, đoàn thể trong việc phối hợp thực hiện và tạo nên thành công của phong trào, để đến nay, phong trào xây dựng làng văn hóa đã trở thành một hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong đời sống nhân dân ở Vụ Bản. Việc xây dựng làng văn hóa đã có tác động tích cực, mạnh mẽ tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. Ở các làng văn hóa đã xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi, góp phần giải quyết lao động việc làm cho một bộ phận lao động. Tình làng nghĩa xóm được củng cố và phát triển, góp phần ngăn chặn đáng kể những tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường và các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới theo hướng CNH-HĐH. Tại các làng, thôn đã được công nhận làng văn hóa, việc xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa phát triển mạnh, cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu hoạt động và hưởng thụ về văn hóa, văn nghệ, TDTT... của nhân dân được tăng cường. Cảnh quan vệ sinh môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn hóa làng, nhất là văn hóa truyền thống và nhiều thuần phong mỹ tục được khơi dậy và phát huy tác dụng.
Từ thực tiễn ở Vụ Bản cho thấy, để có được những kết quả trên cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội trong việc tham gia xây dựng làng văn hóa. Trên cơ sở nhiệm vụ chính trị của mình, các ngành đã chủ động tổ chức, phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền, các phong trào, như Hội Nông dân với phong trào "Xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình", Hội Phụ nữ với phong trào "Phụ nữ tích cực lao động, học tập sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ", Hội CCB với phong trào "Xây dựng gia đình CCB gương mẫu", Đoàn Thanh niên với phong trào "Gia đình không sinh con thứ 3"; "Tuổi trẻ tránh xa các tệ nạn xã hội"... Các phong trào trên đều hướng về cơ sở, với mục tiêu xây dựng làng văn hóa. Thông qua việc tổ chức thực hiện các phong trào đó, các làng, thôn, xóm tiếp cận với các tiêu chuẩn làng văn hóa một cách tự giác, đồng bộ, toàn diện, bền vững, đồng thời các ban, ngành, đoàn thể có lý do và điều kiện để khẳng định vai trò của mình trong kết quả xây dựng làng văn hóa của huyện. Hằng năm BCĐ phong trào TDĐKXDĐSVH của huyện tổ chức kiểm tra công nhận các làng đạt tiêu chuẩn làng văn hóa, phúc tra các làng đã được công nhận làng văn hóa... Các thành viên BCĐ được trang bị đầy đủ các văn bản cần thiết và biểu điểm, được tập huấn và thống nhất các nội dung, phương pháp kiểm tra, phúc tra. Các ngành thành viên có văn bản báo cáo sơ bộ tình hình lĩnh vực được phân công phụ trách để BCĐ có đánh giá tổng quan tình hình thực trạng nói chung. Sau khi hoàn tất việc kiểm tra phúc tra, BCĐ họp để xét duyệt từng đơn vị. Cách làm này đã nêu cao được tinh thần trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, góp phần tìm ra được những lý do, nguyên nhân của những mặt được, chưa được. Điều đó có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với việc chỉ đạo phong trào của huyện, của cơ sở. Như vậy, việc khai thác, phát huy tính chủ động tích cực, tính năng động và trách nhiệm cao của từng ban, ngành, đoàn thể; sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, tuyên truyền, vận động, kiểm tra đánh giá đề nghị công nhận làng văn hóa có ý nghĩa thiết thực. Về thực chất, đó chính là sự huy động cả hệ thống chính trị vào việc xây dựng làng văn hóa ở Vụ Bản.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng làng văn hoá, thời gian tới, huyện Vụ Bản tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong toàn huyện về mục tiêu, hiệu quả của phong trào. Nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các ngành, đoàn thể thành viên trong BCĐ phong trào từ huyện đến cơ sở. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng và phát triển phong trào gắn với việc nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng làng văn hoá./.
Bài và ảnh: Minh Thuận