Trong những ngày nghỉ lễ, nhiều người tìm đến nơi vui chơi, những khu du lịch bởi nhu cầu được nghỉ ngơi hoàn toàn chính đáng. Nhưng trong lúc ấy, hàng vạn công nhân vẫn lao động miệt mài trên công trường, trong các khu công nghiệp (KCN). Họ là những người đóng góp công sức cho sự phát triển, tăng trưởng kinh tế đất nước. Nhưng đời sống của họ hiện nay gặp nhiều khó khăn. Công tác chăm lo đời sống công nhân, góp phần giải quyết nhu cầu vật chất, tinh thần cho người lao động đang là vấn đề cần quan tâm của các cấp, các ngành.
“Chung sức chăm lo đời sống công nhân” của Nguyễn Tuấn, Đức Thuận đăng trên Thời Nay phản ánh vấn đề này ở 2 thành phố lớn: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Báo Nam Định giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhiều khó khăn đối với người lao động
Chúng tôi có mặt ở KCN Thăng Long Hà Nội vào hơn 12 giờ, bởi đó là lúc bắt đầu của phiên chợ hằng ngày. Thực phẩm ế thừa từ các chợ nội thành Hà Nội dồn về đây, giá rẻ để bán cho công nhân. Chị Nguyễn Thu Huyền, công nhân làm việc trong KCN Thăng Long bảo: “Chúng em lương thấp, nên chỉ đủ tiền mua các thực phẩm như thế này!”.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, sản xuất đình đốn, người công nhân lao động cầm chừng. Lương cơ bản tại KCN Thăng Long khoảng 2,2 triệu - 2,5 triệu đồng/tháng. Cty Enples trả lương cơ bản là 2,26 triệu đồng/tháng. Cty TNHH OHARA PLESTICS là 2,4 triệu đồng/tháng, Cty NISSEL là 2,45 triệu đồng/tháng… Tổng mức thu nhập của công nhân bao gồm tiền lương, tiền thưởng chuyên cần, hỗ trợ đi lại, nhà trọ… khoảng 2,8 triệu đồng/tháng. Người công nhân không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương. Trong khi họ phải đối mặt với sự tăng giá của đời sống và các nhu cầu khác.
Chị Trần Bích Ngà, công nhân KCN Thăng Long cho biết: Mặt bằng giá nhà trọ năm nay tăng từ 15-20% so với năm 2011. Giá nước sinh hoạt phải trả từ 10.000-12.000 đồng/m3, giá điện cũng trả từ mức 3.000-4.000 đồng/kW. Lý do của việc công nhân phải trả giá điện, nước cao là vì các Cty Điện lực và Cty Nước sạch Đông Anh tính giá điện, nước cho các hộ cho thuê nhà theo giá kinh doanh. Bà Mai Thị Bình, chủ cửa hàng bán hàng lương thực, thực phẩm cho công nhân ở thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội, cho chúng tôi xem cuốn sổ ghi nợ: gạo, mì tôm, bột canh, miến gạo… của công nhân dài dằng dặc. Bà Bình cho biết, thương công nhân xa nhà khó khăn nên bà cho mua chịu hàng hoá chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu của cuộc sống. Khi có lương họ đều trả đầy đủ. Nhưng bây giờ nhiều công nhân ghi nợ khi mua hàng, nên bà Bình cũng hạn chế dần.
Anh Phạm Hồng Thanh, công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết đã ba năm nay gia đình anh không biết gì đến việc đi du lịch, nghỉ mát. Cty có tổ chức đi nghỉ mát mùa hè cũng không dám đi vì có tham gia thì vẫn phải chi thêm một khoản tiền.
Khối công nhân diễu hành trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Tình trạng như vậy phổ biến nhiều nơi. Anh Nguyễn Đức Hiền (26 tuổi), công nhân Cty TNHH Futaba vừa quyết định sẽ rời Thành phố Hồ Chí Minh về quê ở Bến Tre lập nghiệp. Sau bốn năm làm việc ở Cty Futaba Việt Nam (Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận), mức lương của anh Hiền chỉ khoảng 3,8 triệu đồng/tháng, tăng ca bốn chủ nhật mới lên được năm triệu đồng. Mà đâu phải lúc nào cũng “được” tăng ca. Với thu nhập như thế, công nhân chỉ đủ trang trải cuộc sống tối thiểu. Anh Hiền cho biết: “Công nhân là những người có thu nhập thấp rồi mà phải chịu bao thiệt thòi như: tiền nước sinh hoạt phải đóng tới 25.000 đồng/m3, tiền điện 3.000 đồng/kW, cao hơn nhiều lần so với giá quy định. Trong khi đó, giá nhà trọ, rau quả thực phẩm thì tăng liên tục theo mức lương, theo giá xăng, giá điện”.
Không những khó khăn về cuộc sống thường nhật mà ngay cả các quyền lợi, chế độ bảo hiểm của người lao động cũng bị vi phạm. Một vấn đề bức xúc được công nhân phản ứng, đó là việc các chủ doanh nghiệp lạm dụng không đóng tiền BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động dẫn đến khi nghỉ việc, chuyển việc người lao động không nhận được sổ bảo hiểm.
Công đoàn nỗ lực chăm lo đời sống công nhân
Ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn các KCN và chế xuất Hà Nội, cho biết: Để bảo đảm đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho công nhân, UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức bán hàng bình ổn giá tại các KCN, KCX cho công nhân và người thu nhập thấp. Chương trình xây dựng nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long và KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội đã giải quyết được gần 10.000 chỗ ở cho công nhân. Các chương trình do công đoàn thành phố phối hợp với doanh nghiệp tổ chức giao lưu văn hoá, thể thao, chương trình nghệ thuật phục vụ cho công nhân. Chương trình tặng báo cho công nhân…
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương luôn đi đầu cả nước trong công tác chăm lo đời sống công nhân. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh, LĐLĐ thành phố đã phát động Tháng Công nhân lần thứ 4 năm 2012. Diễn ra trong suốt tháng 5-2012, “Tháng Công nhân” năm nay tập trung triển khai năm chương trình lớn là: “Gặp gỡ đối thoại”, “Giờ thứ 9”, “Cùng công nhân vượt khó”, “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Bàn tay vàng”. Đặc biệt là chương trình “Trái tim nghĩa tình” vận động cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim được phẫu thuật, chữa trị.
Theo thống kê của LĐLĐ Thành phố Hồ Chí Minh, để triển khai “Tháng Công nhân”, đã có hơn 3.600 công đoàn trên địa bàn thành phố đăng ký tổ chức chương trình “Gặp gỡ đối thoại” để công nhân lao động bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, kiến nghị với chính quyền và doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan trực tiếp đến công nhân, tạo điều kiện để công nhân lao động đề xuất, hiến kế nhằm góp phần giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Toàn thành phố cũng có hơn 5.100 công đoàn đăng ký tổ chức chương trình “Giờ thứ 9” với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục - thể thao. Đặc biệt, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cung Văn hoá lao động tổ chức chương trình “Giờ thứ 9” tại các KCX-KCN phục vụ cho 8.000 công nhân thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp đồng thời thể hiện khả năng hoạt động văn hoá, nghệ thuật của công nhân. Ngoài ra, có 44 công đoàn đăng ký thực hiện chương trình “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, nhằm biểu dương người sử dụng lao động của doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đã có những chính sách, việc làm thiết thực chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đồng hành
Ông Trần Văn Tựu, Giám đốc Cty SX-TM-DV Đồng Tâm ở đường Nguyễn Hữu Trí, Thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh cho biết: “Thời gian qua, dù tình hình sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đang “chững lại” nhưng Cty chúng tôi vẫn cố gắng giữ ổn định công ăn, việc làm cho hơn 200 công nhân sản xuất gạch. Cty cũng thực hiện nghiêm túc việc tăng lương theo định kỳ cho người lao động, tăng tiền ăn giữa ca từ 13.000 đồng lên 14.000 đồng/suất, tiền ăn cho người đi làm việc bên ngoài tăng từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/suất. Bên cạnh đó, Cty cũng hỗ trợ tiền xe bus cho công nhân 8.000 đồng/ngày, tiền xăng xe 8.000 đồng/ngày, phụ cấp trách nhiệm từ 100.000 đến 400.000 đồng/tháng”.
Từ đầu tháng 3-2012 đến nay, Hiệp hội các doanh nghiệp KCN Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ hỗ trợ công nhân (thuộc Ban quản lý các KCX-KCN Thành phố Hồ Chí Minh) và Cty CP Dược Hậu Giang tổ chức “Ngày hội chăm sóc sức khoẻ công nhân năm 2012”. Chương trình nhằm chăm lo đời sống văn hoá tinh thần và định hướng cho công nhân trong việc chăm sóc sức khoẻ bản thân, có đủ thể lực để lao động hiệu quả. Chương trình đã triển khai cho 13/14 KCX-KCN trên địa bàn thành phố. Tại mỗi KCX-KCN, đội ngũ y tế đã tiến hành khám, tư vấn sức khoẻ, phát thuốc cho khoảng 1.000 công nhân. Ngoài ra, chương trình văn nghệ, ca nhạc diễn ra song hành với hoạt động khám sức khoẻ tại các KCN-KCX cũng thu hút 2.000-3.000 công nhân mỗi tối. Trong chương trình này, ban tổ chức tặng mỗi KCX-KCN 20 tủ thuốc, mỗi tủ trị giá khoảng bốn triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện chương trình trên hai tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn tham gia học tập nâng cao tay nghề, đầu tháng 4 vừa qua, Quỹ hỗ trợ công nhân đã tổ chức trao vốn vay học tập cho 24 công nhân làm việc trong các KCX-KCN với số tiền 76 triệu đồng. Hiện nay, quỹ đang thu nhận, xét duyệt hồ sơ trao học bổng cho các công nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng có thành tích tốt trong học tập.
Để thực hiện thành công chương trình “Trái tim nghĩa tình”, LĐLĐ kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị doanh nghiệp ủng hộ kinh phí để thực hiện phẫu thuật, chữa trị cho các công nhân nghèo mắc bệnh tim. Đến nay, chương trình đã tập hợp được 209 trường hợp công nhân sản xuất trực tiếp và con của công nhân sản xuất trực tiếp có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tim cần phải phẫu thuật. Chương trình đã tiến hành phẫu thuật tim cho ba trường hợp là công nhân sản xuất trực tiếp và con công nhân sản xuất trực tiếp. Hoạt động thiết thực này thật sự thắp lên niềm hy vọng được sống, được tiếp tục làm việc của công nhân nghèo./.
Theo Báo Thời nay