Qua gần 4 năm triển khai thực hiện, đến nay, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã được triển khai rộng khắp ở tất cả các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông trong tỉnh và từng bước đi vào chiều sâu.
Các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định) trong giờ học ngoại khoá chăm sóc, vệ sinh vườn trường. |
Để thực hiện có hiệu quả phong trào, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và ban đại diện cha mẹ học sinh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản chỉ đạo và triển khai thành phong trào thi đua rộng khắp. Các nhà trường đưa nội dung thi đua của phong trào vào nội quy và tập trung triển khai bằng nhiều hoạt động như: Đưa các trò chơi và các loại hình văn nghệ dân gian vào trường học; thành lập các CLB văn hoá văn nghệ, TDTT; tổ chức thi "Tìm hiểu về di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh của địa phương"..., đồng thời lồng ghép nội dung của phong trào với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo"... Kết quả nổi bật của phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xã hội hoá giáo dục. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, hầu hết các trường học đã xây dựng được khuôn viên khang trang, sạch, đẹp, an toàn cho thầy và trò. Không khí thân thiện ngày càng thể hiện rõ rệt trong mối quan hệ giữa các thành viên trong trường, giữa nhà trường với gia đình, cộng đồng và chính quyền địa phương. Năm 2011, toàn ngành đã có 785 trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh thoáng mát, sạch đẹp, chiếm 90,75% tổng số trường trong toàn tỉnh, cao hơn mức bình quân chung của cả nước gần 20%; 1.392 công trình vệ sinh được xây mới, nâng tổng số các công trình hợp vệ sinh trong trường học lên 95,99%. Thông qua phong trào, môi trường sư phạm của các trường học trong tỉnh đã tạo được diện mạo mới. Chủ trương thực hiện “ba đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ đồ dùng học tập cho học sinh được các địa phương thực hiện sáng tạo với nhiều hình thức phong phú. Hiện tại, 100% số trường, trung tâm giáo dục trong tỉnh đã bảo đảm không có học sinh bỏ học do thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu sách vở. Nhằm giúp các em có điều kiện tốt hơn để học tập và rèn luyện, các trường cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục về bảo vệ, xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp và an toàn. Đến nay, toàn ngành đã có 12.669 phòng học kiên cố và 1.793 phòng học bán kiên cố ở các cấp học. Bên cạnh đó, việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh cũng được ngành GD và ĐT đặc biệt quan tâm. Ở các nhà trường, giáo viên đều có ý thức đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện đúng chuẩn chương trình, nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm gây hứng thú, giảm bớt căng thẳng cho học sinh trong quá trình học tập, đồng thời giúp học sinh biết xây dựng ý thức tự giác học tập, ứng xử hòa đồng, thân thiện với bạn bè. Qua kiểm tra, đánh giá việc triển khai phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, 100% các trường học được kiểm tra có số lượng học sinh bỏ học giảm rõ rệt; tỷ lệ giáo viên được tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy ngày càng tăng; chất lượng giáo dục trí dục và đức dục của học sinh năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm học 2010-2011, ở khối THPT chỉ còn 13,1% số học sinh có học lực yếu, 0,91% học sinh có học lực kém. Ở khối THCS có 5,1% tổng số học sinh có học lực yếu và 0,44% học sinh có học lực kém.
Cùng với các hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong dạy và học, ngành GD và ĐT tỉnh cũng chú trọng tổ chức các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các hoạt động xã hội như tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, giữ gìn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương. Các trường học trong tỉnh đã nhận bảo vệ, tôn tạo 490 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 74 di tích lịch sử cấp quốc gia, 119 di tích cấp tỉnh và 299 nghĩa trang liệt sỹ, đền thờ, đài tưởng niệm và chăm sóc 68 gia đình thương binh, liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong các dịp khai giảng, các cơ sở giáo dục đều lồng ghép cả phần “lễ” trang trọng và phần “hội” vui tươi, thoải mái với các trò chơi dân gian, hát dân ca; tổ chức “lễ tri ân và trưởng thành” cho học sinh lớp 12 để tri ân cha mẹ, thầy cô giáo và rèn luyện đạo đức, ứng xử, kỹ năng chuẩn bị cho việc học tập, lao động rèn thân, lập nghiệp ở giai đoạn tiếp theo cho học sinh... Những hoạt động này đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, được phụ huynh học sinh, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và đông đảo thầy, cô giáo, học sinh hào hứng tham gia. Hằng năm, các cấp học đều tổ chức đại hội “Cháu ngoan Bác Hồ”, “Liên hoan đàn và hát dân ca”, “Liên hoan các trò chơi dân gian”, “Tiếng hát hoa phượng hồng”… thu hút nhiều học sinh và giáo viên tham gia. Hiện, mỗi trường trong tỉnh đều có 1 đội văn nghệ học sinh, 100% số trường đã đưa trò chơi dân gian vào trường học và tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể cho học sinh. Nhiều trường còn phát động giáo viên và học sinh sưu tầm các bài đồng dao, câu đố, trò chơi dân gian… để đưa vào giảng dạy, tổ chức các cuộc thi văn nghệ, TDTT, sáng tác thơ ca… Các trường như: THCS Nam Hồng, Tiểu học Nam Toàn… tổ chức tập huấn 11 trò chơi dân gian cho giáo viên, tổ chức thi các trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca trong giáo viên, học sinh...
Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, ngành GD và ĐT tỉnh ta đã tạo ra bước chuyển mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngành GD và ĐT tỉnh đã được Bộ GD và ĐT khen thưởng về thành tích dẫn đầu toàn quốc trong phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”./.
Bài và ảnh: Hồng Minh