Tại các cuộc hội thảo khoa học do Viện Văn hóa - Nghệ thuật phối hợp với Sở VH, TT và DL vừa tổ chức, các nhà khoa học đã khẳng định: “Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần là một lễ hội độc đáo chỉ có tại Nam Định, giàu ý nghĩa nhân văn, tiêu biểu cho sự phong phú, đa dạng của di sản văn hoá Việt Nam”. Trong văn bia “Trần miếu tự nam Quan âm kiều ký” do Trần Trọng Hoàng soạn năm Duy Tân thứ 8 (1914) hiện lưu giữ tại Chùa Phổ Minh có đoạn: “Kính xét, quý hương Tức Mặc tỉnh Nam Định phụng thờ miếu nhà Trần, theo lệ cũ cứ vào ngày 15 tháng Giêng cùng nhau cử hành đại lễ. Các quan địa phương phụng mệnh làm lễ tế rất là kính cẩn. Trước một ngày (14 tháng Giêng), ba thôn Tráng Kiện, Động Kính, Thượng Bái cùng nhau rước kiệu Thánh lên Trần miếu. Ba xã Lộc Quý, Hạ Lộc, Hậu Bồi rước kiệu đến chùa Phổ Minh làm lễ rước Đệ nhất Trúc Lâm Trần Nhân Tông về Trần miếu và tiến hành lễ tế. Ngày hôm sau lại rước trở về vị trí cũ”. Theo các vị cao niên địa phương, ban đầu Lễ Khai ấn được tổ chức trọng thể tại Trần miếu (đền Thượng). Từ khi Đền Cố Trạch được xây dựng ngay bên cạnh về phía đông của Trần miếu thì quả ấn được để trong chính cung của đền này. Chiếc ấn được dùng trong Lễ Khai ấn hằng năm trước đây là ấn có chữ “Trần triều Quốc bảo”, nhưng do chiến tranh đã bị thất lạc; sau đó, con cháu họ Trần và dân làng Tức Mặc mới khắc lại ấn “Trần miếu tự điển”. Từ đó, hằng năm địa phương tổ chức rước quả ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường. Vào giờ Tuất ngày 14 tháng Giêng, đoàn rước hòm ấn bắt đầu khởi hành, đi đầu là rước cờ thần, rồi đến đoàn rước phù giá bao gồm bát biểu, chấp kính do các nam thanh niên trang phục chỉnh tề, các thanh nữ đồng trinh mặc áo dài trắng bê các mâm hoa quả kính cẩn đi sau. Hòm ấn được để trang trọng trên kiệu. Đoàn tế nam do các cụ ông trong làng đảm nhiệm xếp hàng đôi theo đoàn rước. Từ Đền Cố Trạch, đoàn rước đi theo cổng chính, sau đó rẽ vào Đền Thiên Trường. Thay mặt dòng họ Trần ở làng Tức Mặc, ông chủ tế dâng một lá sớ lên các vua Trần. Buổi Lễ Khai ấn bắt đầu, người chủ trì dùng con dấu đóng lên tờ giấy đầu tiên, sau đó, các vị trong ban hành lễ đóng tiếp con dấu có chữ “Trần miếu tự điển” lên chính giữa tờ giấy vàng và lùi xuống phía dưới là đóng con dấu nhỏ có hai chữ “Trần miếu”. Kết thúc Lễ Khai ấn, các cụ tổ chức lễ tạ và phát ấn cho mọi người với tâm nguyện cầu xin một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Lễ Khai ấn đầu xuân tại Đền Trần là một phong tục cổ truyền được nhân dân địa phương gìn giữ. Hơn 10 năm trở lại đây, Lễ Khai ấn đầu xuân đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế với quy mô ngày càng lớn. Về Thành Nam dự Lễ Khai ấn đầu xuân, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần với những công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học tái hiện về một thời đại huy hoàng, oanh liệt “Võ công, văn trị” của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc.
Lễ Khai ấn. Ảnh: Xuân Thu |
Theo Đề án tổ chức lễ hội Đền Trần năm 2012 đã được Bộ VH, TT và DL, UBND tỉnh thông qua, thời gian tổ chức lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng (tức ngày 5 đến 7-2-2012). Các nghi thức chính vẫn thực hiện theo truyền thống, riêng việc phát ấn bắt đầu từ sáng 15 tháng Giêng. Vào 22h00 ngày 14 tháng Giêng, Ban tổ chức sẽ tiến hành nghi lễ rước ấn từ Đền Cố Trạch sang Đền Thiên Trường và làm Lễ Khai ấn theo nghi thức cổ truyền, đồng thời đóng 11 lá ấn dâng tại các đền: Thiên Trường, Cố Trạch, Trùng Hoa, Chùa Tháp, Văn chỉ Hiền Đàn, đình Tức Mặc, đình Kênh, đình Bái, đình Vĩnh Trường (phường Lộc Vượng) và lưu tại hòm ấn nhà đền. Từ 23h30’ trở đi, khách thập phương vào lễ đầu năm tại Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Đền Trùng Hoa. Bắt đầu từ 7h sáng ngày 15 tháng Giêng âm lịch tổ chức phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại ba nhà Giải vũ thuộc ba đền, phía trước nhà trưng bày Đền Trùng Hoa và một số điểm phát ấn tại khu vực vườn cây hai bên hồ nước phía trước cửa đền và sẽ kéo dài đến hết tháng Giêng. Năm 2012, chất liệu ấn thống nhất một loại bằng giấy, đảm bảo tiết kiệm và không ô nhiễm môi trường.
Đồng chí Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nam Định cho biết: Để chuẩn bị cho Lễ Khai ấn Nhâm Thìn 2012, Ban tổ chức đã phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông với số lượng gần 2.000 người tham gia. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị cho Lễ Khai ấn được tiến hành sớm, có phương án chi tiết hơn những năm trước, có sự tập dượt của các đơn vị, lực lượng tham gia. Ban Tổ chức có những đổi mới trong công tác phân luồng giao thông, trông coi phương tiện, tổ chức dịch vụ, vệ sinh môi trường, công tác an ninh, y tế, phòng cháy chữa cháy. Trong các ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng, trong khu vực bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần sẽ tổ chức các hoạt động văn hoá, nghệ thuật truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, hát chèo, chầu văn, thi kéo cờ, đấu võ, đấu vật... Cũng trong 3 ngày này, Công an thành phố sẽ thực hiện phân luồng giao thông đối với các phương tiện đi qua khu vực lễ hội. Lực lượng Công an, Ban CHQS thành phố và Đội quản lý trật tự đô thị sẽ phối hợp lập hàng rào bảo vệ đoàn rước kiệu, rước ấn, khu vực hành lễ và cửa vào, cửa ra nội cung Đền Thiên Trường. Ngoài huy động 3 xe cứu thương, lực lượng y tế sẽ được bố trí 4 lều bạt dựng trong và ngoài Đền Trần để có thể cấp cứu kịp thời khi cần thiết. Hai bãi xe (chứa khoảng 3.000 ô tô) thuộc Dự án xây dựng công viên Văn hoá Trần được đưa vào sử dụng góp phần giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông. UBND phường Lộc Vượng phối hợp với lực lượng chức năng giải quyết triệt để các trò chơi trá hình cờ bạc tại khu vực lễ hội và có biện pháp di chuyển toàn bộ người hành khất ra khỏi khu vực di tích trong thời gian tổ chức lễ hội./.
Việt Thắng