Ứng phó biến đổi khí hậu: Từ nhận thức đến hành động

08:12, 03/12/2011

Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, bình quân mỗi năm tỉnh ta phải chịu 4-6 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Từ năm 1989 đến nay có 26 trận bão, 1 trận lốc, 4 trận lũ, ước thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, những biểu hiện diễn biến cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu (BĐKH) như: nhiệt độ tăng lượng mưa, rét đậm, rét hại kéo dài, nước biển dâng, xâm nhập mặn cũng đã làm suy giảm đa dạng sinh học, giảm năng suất cây trồng, chăn nuôi phát sinh nhiều dịch bệnh… Trước thực trạng này, những năm gần đây tỉnh ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, đồng thời thực hiện hiệu quả một số chương trình ứng phó với BĐKH. Bằng nhiều nguồn kinh phí tỉnh ta đã triển khai các dự án ứng phó, khắc phục hậu quả của BĐKH tại các xã khu vực ven biển. Trong đó, riêng tại các xã vùng đệm Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) đã thụ hưởng các dự án về quản lý tài nguyên, du lịch dựa vào cộng đồng, nuôi ngao bền vững, đa dạng sinh kế thân thiện với môi trường... Các dự án đã tạo dựng được biện pháp ứng phó ban đầu với BĐKH, đồng thời tác động đến nhận thức và quyết tâm đẩy mạnh hành động có khả năng ứng phó với BĐKH của các cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn tỉnh.

Lớp tập huấn phương pháp đánh giá rủi ro sinh thái cho cán bộ quản lý môi trường do Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tổ chức.
Lớp tập huấn phương pháp đánh giá rủi ro sinh thái cho cán bộ quản lý môi trường do Sở TN và MT phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tổ chức.

Chị Âu Thị Kiều và chị Trần Thị Chăm là những chủ hộ nuôi ngao sạch được sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) thông qua việc thực hiện mô hình tổ hợp tác nuôi ngao bền vững xã Giao Xuân từ năm 2009. Qua đó, các hộ nuôi trong xã đã thay đổi nhận thức, chủ động tham gia thực hiện các biện pháp ứng phó với BĐKH trong hoạt động nuôi ngao, chú trọng đầu tư làm cống, kè và luôn tuân thủ các biện pháp kỹ thuật bảo đảm nguồn nước đạt chất lượng. Tại vùng nuôi ngoài bãi, các hộ nuôi đều thực hiện nguyên tắc bảo đảm diện tích nuôi thả mỗi vây ương nuôi tối thiểu 0,5ha trở lên, khoảng cách giữa các vây là 2m, đường đi chính rộng 4m, xung quanh xẻ lạch rộng 15m, tạo môi trường thông thoáng làm lưu thông dòng chảy để thức ăn được vận chuyển dễ dàng và dành một phần đất phục vụ khai thác tự nhiên, bảo đảm đa dạng các đối tượng nuôi, tạo cân bằng sinh thái môi trường… Theo ông Nguyễn Văn Cửu, đại diện tổ hợp tác nuôi ngao bền vững Giao Xuân, thời gian tới tổ hợp nuôi ngao còn có kế hoạch xây dựng vùng bảo tồn ngao giống để chủ động cung cấp đủ lượng giống chất lượng cao cho các hộ nuôi trong xã và góp phần duy trì, bảo tồn được lượng giống chất lượng cho địa phương. Tại xã Giao Hải - một trong những xã đã được tham gia chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH cũng đã có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ các loài chim di cư về sinh sống tại địa bàn. Xã cũng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề để nâng tổng số người tham gia phát triển kinh tế trong các mô hình sinh kế bền vững trên địa bàn huyện. Ở quy mô toàn tỉnh, dự kiến huy động một nguồn kinh phí lên tới hơn 553 tỷ đồng để đầu tư cho 16 chương trình, dự án thuộc "Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020", tập trung vào các lĩnh vực: Tài nguyên nước, nông nghiệp, y tế và sức khỏe, năng lượng, xử lý chất thải, tăng cường cơ chế, chính sách, năng lực quản lý, dự báo, cảnh báo thiên tai, xây dựng đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn... Tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức về BĐKH và nước biển dâng cho các cán bộ sở, ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư, đặc biệt là dân cư ven biển; thực hiện dự án phục hồi tài nguyên, hệ sinh thái bị suy thoái vùng ven bờ; tiến hành điều tra, quy hoạch mạng lưới quan trắc nước ngầm, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước và quy hoạch hệ thống tiếp nhận nguồn xả thải, xây dựng 3 khu xử lý chất thải rắn tại xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng), Giao Châu (Giao Thủy), Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu); xây dựng hệ thống quản lý tổng hợp thông tin về tài nguyên và môi trường; lập quy hoạch hệ thống hồ điều tiết chống hạn hán, điều tiết dòng chảy và tham gia cắt lũ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tu bổ, nâng cấp hệ thống kè chống sạt lở trên toàn tuyến đê với tổng kinh phí 200 tỷ đồng; đầu tư 180 tỷ đồng để nghiên cứu quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi thích ứng với biến động về dòng chảy đến lưu lượng và chất lượng nước tại lưu vực sông, trong đó có tính đến việc xây dựng mô hình đập điều tiết lũ, ngăn mặn trên sông Ninh Cơ; nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón và cải tạo đất cho cây trồng chính ở các vùng chịu ảnh hưởng bất lợi của BĐKH và nước biển dâng; hỗ trợ phát triển hệ thống hầm biogas, góp phần giảm lượng phát thải khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tạo nguồn điện cho các hộ gia đình; đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng có tính đến dự trữ nước trên toàn hệ thống kênh, đảm bảo thoát lũ, tiêu úng, chống ngập với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng. Tỉnh cũng tiến hành quy hoạch các nhà máy cung cấp nước sạch cho nhân dân, các xã khó khăn về nước sinh hoạt và các xã ven biển trên địa bàn các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy; hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm cho hộ nghèo thuộc các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và nước biển dâng tại các xã ven biển; tổ chức các chương trình truyền thông thay đổi hành vi dự phòng bệnh, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch...

Với việc đầu tư và triển khai nhiều chương trình, việc làm cụ thể, tỉnh ta sẽ chủ động phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm họa do BĐKH gây ra./.

Bài và ảnh: Nguyễn Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com