Bộ trưởng Bộ GTVT đánh giá, tai nạn giao thông (TNGT) ở nước ta đã thật sự trở thành quốc nạn, là thảm họa không kém gì sóng thần ở Nhật Bản, với gần 12 nghìn người chết và 9.300 người bị thương vì TNGT mỗi năm. Tuy nhiên, điều đáng nói là hơn 80% số vụ TNGT xảy ra, nguyên nhân do ý thức kém của người tham gia giao thông. Tỷ lệ đáng xấu hổ này cho thấy, đã đến lúc cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm từng bước nâng cao ý thức của người dân.
Trong tình hình hiện nay, nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đang ngày một co lại, việc đầu tư mở mới các con đường là nhu cầu cấp bách, nhưng không thể một sớm, một chiều. Sự chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, thiếu vốn triền miên đã đẩy các công trình "lùi" tiến độ vài năm trời. Mặt khác, tại các nước phát triển, không phải hạ tầng giao thông được đầu tư ồ ạt, chỉ thật cần thiết mới xây dựng các tuyến đường cao tốc quy mô lớn. Theo ông Thân Văn Thanh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cần phải có những giải pháp quyết liệt trước mắt cải thiện tình hình giao thông, chặn đứng thảm họa, không thể chờ đầu tư đồng bộ hạ tầng, không thể đợi đến lúc phương tiện công cộng đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân. Đó là tổ chức, quản lý điều hành tốt giao thông, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm nâng cao ý thức của người dân. Hai yếu tố này liên quan mật thiết với nhau, nếu quản lý giao thông tốt, ý thức của người dân sẽ được nâng cao. Quản lý giao thông, nâng cao ý thức người dân tuy không đòi hỏi tốn kém như đầu tư cho hạ tầng và phương tiện, nhưng để từng bước có sự thay đổi, chuyển biến trong xã hội có khi đòi hỏi thời gian cả một thế hệ.
Thành phố Nam Định ra quân hưởng ứng Tháng ATGT năm 2011. Ảnh: Hữu Quyết |
Sự coi thường pháp luật của người tham gia giao thông đã trở thành thói quen cố hữu của người Việt Nam. Những điều bình thường (dừng trước đèn đỏ, không đi vào đường cấm, không phóng nhanh vượt ẩu...) trở thành không bình thường, còn những điều không bình thường (vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, lấn tuyến...) lại hóa ra bình thường (!?). Không có gì khó hiểu khi cũng con người ấy, ở trong nước thì "dọc ngang nào biết trên đầu có ai", nhưng nếu ra nước ngoài lại chấp hành rất nghiêm túc luật lệ giao thông, bởi ở đó, làm sao có thể "gọi điện cho người thân" cầu cứu được? Chế tài xử phạt thời gian gần đây tuy đã tăng nặng và có tính răn đe cao, nhưng việc xử phạt còn chưa nghiêm khắc, vẫn có một bộ phận không nhỏ lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra tiêu cực, nhận tiền mãi lộ mà bỏ qua vi phạm, hoặc "duy tình", nể nang các mối quan hệ. Người "cầm cân, nảy mực" thiếu nghiêm minh, người dân "nhờn" luật là tất yếu. Khi những người chung quanh còn làm ngơ, thậm chí khuyến khích, khi một bộ phận cán bộ công quyền còn tiêu cực, hoặc dung túng trước hành vi vi phạm Luật Giao thông, chừng đó chưa thể mong giao thông được cải thiện.
Để giảm thiểu các hành vi có thể dẫn đến TNGT, cần phải huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi tổ chức, đơn vị trong xã hội, của mỗi gia đình và tất cả mọi người. Công tác tuyên truyền và thực hành an toàn giao thông (ATGT), với mục tiêu nâng cao ý thức ATGT cần thực hiện theo nguyên tắc "vết dầu loang", "mưa dầm thấm lâu", phải bắt đầu từ chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, cơ quan, trường học rồi lan ra các tổ chức trong xã hội và đến với mọi người, mọi nhà. Vai trò đầu tàu của chính quyền các cấp, cơ quan và doanh nghiệp Nhà nước trong công tác này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Có thể có những quy định bắt buộc về trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm ATGT cho nhân viên, thông qua các chương trình huấn luyện và thực hành hằng ngày. Mặt khác, cần nghiên cứu, biên soạn tài liệu hỗ trợ công tác truyền thông ATGT sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ cho tất cả mọi người. Ở Trung Quốc, trên các tuyến đường cao tốc, tại mỗi trạm nghỉ chân, đều trưng bày những chiếc ô-tô bẹp dúm, vỡ nát vì TNGT, đồng thời có chú thích, ảnh chụp minh họa rõ ràng. Nếu ai từng vào Bệnh viện Việt - Đức, chứng kiến những nạn nhân các vụ TNGT thảm khốc, sẽ chùn tay ga không dám phóng bạt mạng như trước. Những dấu tích trực quan, ảnh chụp sẽ góp phần cảnh tỉnh không ít người khi cầm tay lái, tuy nhiên trên các tuyến quốc lộ dọc dài đất nước, ở những trạm nghỉ chân, chưa thấy đâu có những vết tích tai nạn, hình ảnh nào cảnh báo người đi đường.
Để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đòi hỏi một quá trình công phu, bao gồm cả việc khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự ATGT. Không chờ hội đủ các điều kiện nêu trên, ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, nhà trường,... phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và đặc biệt là văn hóa giao thông, nhằm tạo thói quen cư xử có văn hóa, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh của người tham gia giao thông. Phải làm thật quyết liệt, phối hợp nhiều biện pháp, kết hợp trước mắt và lâu dài, mới mong tạo ra sự chuyển biến thật sự về ý thức người tham gia giao thông, nhân tố bảo đảm sự bền vững trong công tác bảo đảm trật tự ATGT./.
Theo: nhandan.com.vn