Có nên duy trì quá nhiều mô hình CLB phụ nữ như hiện nay?

03:12, 15/12/2011
Một buổi sinh hoạt CLB bà mẹ có con tuổi vị thành niên xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Ảnh: PV
Một buổi sinh hoạt CLB bà mẹ có con tuổi vị thành niên
xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng). Ảnh: PV

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương đa dạng hóa các hình thức tập hợp thu hút hội viên, nhiều mô hình tập hợp hội viên mới đã được thành lập, trong đó mô hình Câu lạc bộ (CLB) là một hình thức được các cấp Hội Phụ nữ ưu tiên lựa chọn, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập trên 3.000 CLB phụ nữ ở 28 loại hình, thu hút trên 320 nghìn hội viên tham gia, trong đó nhiều nhất là 2.046 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc” với 198.887 thành viên, tiếp đến mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3… Đặc biệt trong 4 năm qua, có khá nhiều mô hình CLB mới được thành lập như CLB phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em, CLB gia đình không có người vi phạm trật tự ATGT, CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển, CLB đồng cảm, CLB nữ doanh nhân, CLB mẹ và con gái tuổi vị thành niên… Riêng trong năm 2011, tại các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản còn thành lập thêm mô hình CLB mang tính đặc thù là CLB ni giới dành cho các vị ni sư đang trụ trì các chùa trên địa bàn hay mô hình CLB phụ nữ trẻ ở xã Nghĩa An (Nam Trực). Mỗi CLB khi thành lập đều có tôn chỉ, mục đích khác nhau song đều hướng tới mục tiêu tập hợp đông đảo hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội. Nhiều CLB còn thu hút được thành viên là nam giới cùng tham gia sinh hoạt, tiêu biểu như mô hình CLB xây dựng gia đình hạnh phúc được thành lập tại chi, tổ phụ nữ có sự tham gia của thành viên nam giới đại diện cho các gia đình, không hạn chế về độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ…, bởi vậy có gia đình cả 3 thế hệ cùng tham gia CLB. CLB phụ nữ vì sự phát triển và bình yên tuyến biển, Ban chủ nhiệm và thành viên có sự tham gia của cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn. Trước khi đi vào hoạt động, các CLB đều có sự chuẩn bị, từ xây dựng quy chế hoạt động, thành lập Ban chủ nhiệm, hình thức gây quỹ sinh hoạt… Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, hầu hết các CLB đều chủ động xây dựng quỹ sinh hoạt bằng nhiều hình thức như lao động gây quỹ hoặc huy động đóng góp của hội viên… Đến nay một số CLB có số quỹ bình quân cao từ 100-200 nghìn đồng/hội viên. Nhiều CLB sử dụng nguồn quỹ để may trang phục áo dài cho hội viên, tổ chức cho hội viên đi tham quan, nghỉ mát, giao lưu giữa các CLB…

Có thể khẳng định CLB là mô hình hoạt động khá linh hoạt được đông đảo các tầng lớp phụ nữ đón nhận bởi hình thức sinh hoạt đa dạng, phù hợp với nhu cầu của đại đa số chị em, nội dung sinh hoạt của các CLB gắn với đặc thù của từng mô hình, từng đối tượng phụ nữ… Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm đã được khẳng định, trong quá trình hoạt động, việc thành lập, duy trì hoạt động của các loại hình CLB phụ nữ hiện đang gặp nhiều khó khăn, bất cập. Do các loại hình CLB được thành lập quá nhiều nên dẫn đến tình trạng chồng chéo, có những xã, thị trấn thành lập đến 7, 8 mô hình CLB, trong đó có những CLB nội dung, hình thức sinh hoạt na ná giống nhau, đối tượng tập hợp cũng giống nhau nên hiệu quả hoạt động không cao, như CLB phụ nữ với pháp luật, CLB phòng chống ma túy, CLB phòng chống mại dâm, CLB gia đình không có người vi phạm trật tự ATGT… đều nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật của phụ nữ và thành viên. Có CLB được thành lập ở cả cấp xã lẫn cấp chi tổ như CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 dẫn đến chồng chéo trong sinh hoạt, chồng chéo về thành viên. Do thành lập quá nhiều mô hình CLB nên việc duy trì hoạt động cũng gặp nhiều khó khăn, trước hết là về kinh phí do một thành viên cùng lúc tham gia tới 3-4 CLB nên không thể đóng đủ hội phí cho cả 3-4 CLB mà mình tham gia trong khi ngân sách của địa phương dành cho hoạt động của các hội, đoàn thể còn hạn hẹp. Không có kinh phí nên các CLB không thể duy trì hoạt động theo quy chế đã đề ra, chỉ có 24% các CLB duy trì sinh hoạt 3 tháng/lần còn lại 6 tháng, 1 năm mới sinh hoạt 1 lần. Bên cạnh đó, các kỳ sinh hoạt CLB phần lớn còn lồng ghép vào sinh hoạt chi, tổ phụ nữ. Một khó khăn nữa là trình độ, năng lực của một số Ban chủ nhiệm CLB còn hạn chế, chưa chủ động, sáng tạo trong các hoạt động, nhất là hạn chế trong kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng trình bày, kỹ năng điều hành sinh hoạt, dẫn đến nội dung các buổi sinh hoạt thiếu sức hấp dẫn, từ đó tỷ lệ thành viên tham gia sinh hoạt chưa cao.  

Có nên duy trì quá nhiều các mô hình CLB như hiện nay, đó là câu hỏi đang đặt ra từ thực tế hoạt động của các mô hình CLB phụ nữ hiện nay bởi thành lập một CLB thì không khó nhưng để duy trì, nuôi dưỡng nó một cách bền vững thì không phải cơ sở nào cũng làm được. Nên chăng, các cấp hội cần xem xét sáp nhập những CLB na ná nhau về tôn chỉ, mục đích, đối tượng, trên cơ sở đó củng cố lại các mô hình CLB  hiện nay./.

Phương Mai
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com