Kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2011 của ngành y tế cho thấy số vụ việc vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có chiều hướng giảm; số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể giảm; nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân được nâng lên. Tuy vậy, thực tế công tác ATVSTP vẫn diễn biến phức tạp. Tại các địa phương, vẫn phát hiện các vi phạm: kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng; vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định...
Mua sắm tại Siêu thị BigC Nam Định. Ảnh: Đức Toàn |
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm trong dịp này sẽ tăng cao. Đó cũng là điều kiện để những loại thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc dễ tiêu thụ. Giúp người dân đón Tết, vui Xuân an toàn, ngay từ bây giờ các ngành chức năng và các địa phương cần vào cuộc một cách quyết liệt. Để tăng cường kiểm soát thực phẩm Tết, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP thành lập mười đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra ATVSTP tại 21 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các đoàn sẽ tập trung thanh tra về nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị sản xuất những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,...
Trong dịp Tết, nhu cầu về thực phẩm tươi sống như gia súc, gia cầm sẽ tăng cao. Nhưng kết quả kiểm tra hơn 450 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thì có tới 206 cơ sở xếp loại C (loại thấp nhất). Trong khi đó, theo Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ NN và PTNT), nông sản "bẩn" được phát hiện ngay trên đồng ruộng. Có những loại thuốc bảo vệ thực vật đã cấm, nhưng vẫn được sử dụng. Tình trạng tương tự diễn ra trong chăn nuôi khi cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi sử dụng thủ đoạn tinh vi, không trộn các chất tăng trọng cấm trực tiếp vào thức ăn, mà bán riêng lẻ cho nông dân... Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đóng cửa ngay các cơ sở không bảo đảm VSATTP.
Bộ Y tế xác định tập trung cao độ cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, đồng thời từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn vào nền nếp. Bộ đã yêu cầu ngành y tế các địa phương phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn vệ sinh. Kiểm tra toàn diện các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ thực phẩm. Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, chú trọng các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng đối với công tác này./.
Theo: nhandan.com.vn