Lễ hội đền Trần. |
Theo thống kê, tỉnh ta có hơn 30 lễ hội lớn được tổ chức vào mùa thu và nhiều lễ hội có quy mô làng. Trên nền tảng văn hóa tâm linh, lễ hội mở ra đã đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân, là nơi hội tụ những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp. Hơn 10 năm trở lại đây, Lễ hội Trần đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Đến với Lễ hội Trần, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc, mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần. Lễ hội Trần được tổ chức với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế.
Ngoài lễ hội Đền Trần, tỉnh ta còn có nhiều lễ hội được tổ chức vào mùa thu với quy mô lớn như lễ hội Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh), lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường). Lễ hội Chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16 tháng 9 âm lịch hàng năm không chỉ thu hút du khách thập phương với phần lễ hội độc đáo mà còn nổi tiếng về một quần thể di tích với tháp "Cửu phẩm liên hoa" gồm 11 tầng. Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện diễn ra vào ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch; trong đó, vào những năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, nhân dân địa phương tổ chức trang trọng và diễn ra sớm hơn vào ngày mùng 8 tháng 9 âm lịch, tưởng niệm Thiền sư Dương Không Lộ là một nét đẹp truyền thống của nhân dân làng Hành Thiện. Ngoài thờ Phật, Chùa Keo Hành Thiện còn thờ đức Thánh Không Lộ, do vậy, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện có sự khác biệt so với những ngôi chùa thuần Phật. Các nghi lễ được tiến hành với nhiều nghi thức khác nhau, như lễ mở cửa đền, dựng nêu, tắm tượng, rước kiệu, dâng hương… đã phản ánh tính hòa đồng của các tôn giáo, tín ngưỡng trong đời sống tâm linh người dân. Thông qua các nghi thức lễ thờ cúng tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, chúng ta có thể nhận diện các lớp văn hóa, tín ngưỡng đan xen được lịch sử hóa, tín ngưỡng thờ thủy thần, thần linh nông nghiệp, thờ Tổ nghề và lớp văn hóa Phật giáo. Ngoài phần lễ, phần hội trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện trong những năm qua đã khôi phục nhiều trò chơi dân gian, dân vũ và các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao truyền thống độc đáo như tổ tôm điếm, bắt vịt, làm bánh dầy, chọi gà, đấu vật, cầu đu, bơi chải.
Có thể nói, các lễ hội mùa thu ở tỉnh ta đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách trong nước, quốc tế. Đến với lễ hội mùa thu như lễ hội Trần, lễ hội Chùa Cổ Lễ, Chùa Keo Hành Thiện…, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu may, tỏ đạo "uống nước nhớ nguồn" đến 14 vị vua triều Trần, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Không Lộ Thiền Sư, tham quan các di tích lịch sử Văn hoá Trần và danh thắng Tháp "Cửu phẩm liên hoa".
Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để bảo tồn, khai thác và phát huy tiềm năng văn hoá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh; những giải pháp tổ chức và quản lý lễ hội mùa Thu theo Luật Di sản văn hoá. Trước hết, Quần thể Khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần là Di sản văn hoá có giá trị trên nhiều lĩnh vực (sử học, khảo cổ học, kiến trúc nghệ thuật, văn hoá, tư tưởng). Việc bảo tồn tôn tạo di tích phải quan tâm đến các thành tố cấu thành di tích. Vì vậy, trong quá trình đầu tư, tôn tạo di tích phải quan tâm đến những yếu tố cấu thành di tích; khi triển khai "Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lịch sử Văn hoá Trần tại Nam Định" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 252 không chỉ trú trọng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, những hạng mục công trình phụ trợ mà "xem nhẹ" các giá trị về mặt kiến trúc, hệ thống di vật, cổ vật có ý nghĩa biểu trưng cho những giá trị Văn hoá Trần. Tăng cường công tác tổ chức và quản lý Nhà nước theo tinh thần Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị, Quyết định 308 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 681 của UBND tỉnh về việc tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá di tích huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn di tích, thu hút sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tâm linh ngày càng cao. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kết hợp hài hoà các biện pháp xây và chống trong việc thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội; phát hiện và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi mê tín, dị đoan, thương mại hoá di tích, cờ bạc, nạn hành khất… Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần "lễ", xem nhẹ phần "hội", nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ. Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lễ hội ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng quê hương. Hiện nay, việc phân cấp quản lý giữa ngành và cấp trong công tác tổ chức Lễ hội Trần cũng như quản lý Quần thể di tích Lịch sử Văn hoá Trần vẫn còn có sự "chồng chéo", nhiều hạn chế. Cần có sự phân cấp trách nhiệm và chức năng rõ ràng, cụ thể giữa chính quyền sở tại và ngành văn hóa theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá. Số kinh phí do nhân dân tiến cúng hàng năm cần được đầu tư có hiệu quả công tác trùng tu, tôn tạo di tích. Việc khai thác các lễ hội mùa thu, đặc biệt là Lễ hội Trần có quy mô cấp quốc gia gắn với phát triển loại hình du lịch văn hoá tâm linh là "đòn bẩy" to lớn đối với sự phát triển ngành du lịch Nam Định cần có quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược, phát triển bền vững. Các cấp, các ngành chú trọng việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho việc quản lý và tổ chức lễ hội mùa thu nói chung và lễ hội Trần, nhất là các dịch vụ và cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tham quan, sinh hoạt tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân, xứng đáng là lễ hội cấp quốc gia./.
Bài và ảnh: Lê Việt Thắng