Không chỉ ở trên địa bàn tỉnh ta mà trên phạm vi cả nước hiện nay đang phải "báo động" về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính của toàn quốc là 112 cháu trai trên 100 cháu gái khi sinh. Còn ở tỉnh ta, tỷ số giới tính khi sinh năm 2008 là 118 cháu trai trên 100 cháu gái và năm 2009 là 120 cháu trai trên 100 cháu gái. Thực trạng này đòi hỏi công tác Dân số - KHHGĐ tỉnh ta phải thực hiện cả mục tiêu giảm mức sinh, giảm tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên và khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Lãnh đạo Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: Vấn đề này được ngành Dân số - KHHGĐ quan tâm chỉ đạo nhưng trên thực tế thì ở một số cơ sở, địa phương vẫn còn tình trạng "trọng nam khinh nữ" nhất là ở địa bàn khu vực nông thôn, vùng biển. Sự cân bằng giới tính "theo nghĩa tương đối" là yếu tố quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội. Tình trạng trẻ mới sinh là nam quá nhiều so với số nữ đã gây ra những tác động xấu. Nguyên nhân là do có sự "can thiệp" của kỹ thuật "siêu âm" đã dẫn đến nạo phá thai để chọn giới tính khi sinh làm ảnh hưởng đến sức khoẻ và làm giảm cơ hội phát triển của phụ nữ, tác động không nhỏ đến kinh tế gia đình. Ảnh hưởng lớn hơn là sau 20 năm nữa, khi các cháu trai đến tuổi kết hôn sẽ xuất hiện hàng loạt vấn đề như: khó tìm vợ do phụ nữ ít, di cư sang nước khác có nhiều phụ nữ để kết hôn, gia tăng tội phạm liên quan đến lạm dụng tình dục, buôn bán phụ nữ... Ngoài ra, khả năng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân tăng lên và làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua tình dục, kể cả HIV/AIDS...
Theo báo cáo chưa đầy đủ ở các địa phương trong tỉnh, 6 tháng đầu năm 2010, tỷ số giới tính khi sinh ở tỉnh ta dao động từ 117-121 cháu trai trên 100 cháu gái, vẫn đang ở mức "báo động" về mất cân bằng giới tính là vấn đề mà các cấp, các ngành và toàn xã hội cần phải quan tâm giải quyết. Để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề nan giải là phải làm chuyển biến nhận thức và hành vi dân số cho người dân đặc biệt là thay đổi tư tưởng muốn có con trai để "nối dõi tông đường", con trai là chỗ dựa kinh tế của bố mẹ và các ngành nghề chính có thu nhập cao lại luôn đòi hỏi sử dụng lao động nam mà các chính sách an sinh xã hội hiện nay còn chưa theo kịp.
Khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương và nhất là ở các xã có nguy cơ cao về mức sinh và mất cân bằng giới tính. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về nguyên nhân, tác hại xấu của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội để chuyển đổi một cách tích cực cả về nhận thức về hành vi về dân số, loại bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số nói chung và có những biện pháp cụ thể để khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Sở Y tế cần tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân, cấm lựa chọn giới tính thai nhi trong việc tư vấn, siêu âm chẩn đoán đồng thời xây dựng các chế tài hợp lý để xử lý và nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Ngoài ra, cần cải thiện các chính sách an sinh - xã hội, tuyên truyền sâu rộng về sự bình đẳng giới, bình đẳng xã hội trong mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời nên đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vào các trường THPT, các trường trung cấp, cao đẳng và đại học để nâng cao nhận thức về giới tính, về bình đẳng giới trong thế hệ trẻ góp phần "chủ động từ xa" nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong một tương lai gần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hoà, bền vững./.
Phạm Quốc Tuấn