Ảnh minh họa |
Thường được bắt đầu chơi từ gia đình, là một trong những trò chơi đầu tiên khi các em biết chơi. Trẻ từ một tuổi đã được bố mẹ hoặc anh chị chơi cùng và hay nhường để cho trẻ dành phần thắng nhằm khuyến khích các em thích chơi vừa giúp các em vận động vừa học hát để phát triển ngôn ngữ. Khi đến hai, ba tuổi thì các em tự chơi với nhau. Trò chơi chỉ cần hai em, nếu có nhiều em chơi thì cũng chia hai em một nhóm. Khi chơi, hai em ngồi đối diện, mỗi em đan các ngón tay vào nhau và lồng vào tay bạn rồi cùng làm động tác kéo giống như hai người thợ ngồi kéo cưa xẻ gỗ và cùng hát bài đồng dao: Kéo cưa, lừa xẻ/ Ông thợ nào khoẻ/ Về ăn cơm vua/ Ông thợ nào thua/ Về bú tí mẹ… hoặc Kéo cưa kéo kít/ Làm ít ăn nhiều/ Nằm đâu ngủ đấy/ Nó lấy mất cưa/ Lấy gì mà kéo… Khi đọc từ thứ nhất thì một bạn kéo bạn kia về phía mình, đọc đến từ thứ hai thì bạn bị kéo lại kéo bạn đối diện về phía mình. Cứ kéo đi kéo lại như thế cho hết bài, đến từ cuối cùng từ "mẹ" (ở bài một) hoặc từ "kéo" (ở bài hai) nghiêng về bạn nào thì bạn đó thua cuộc. Cũng có bạn cố tình kéo nhanh, kéo chậm để tránh từ cuối cùng rơi vào mình. Em nào thua thì phải làm ngựa để em thắng cưỡi đi một vòng quanh nhà./.
Ngọc Linh