Huyện Đoàn Nghĩa Hưng đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp dạy nghề, tạo việc làm cho thanh niên

03:08, 23/08/2010

Anh Bùi Văn Thường, Bí thư chi Đoàn xóm 1, xã Quang Trung (Vụ Bản) mở xưởng sản xuất cơ khí, tạo thêm việc làm, thu nhập cho thanh niên địa phương.   Ảnh: Thu Hà
Anh Bùi Văn Thường, Bí thư chi Đoàn xóm 1, xã Quang Trung (Vụ Bản) mở xưởng sản xuất cơ khí, tạo thêm việc làm, thu nhập cho thanh niên địa phương.
Ảnh: Thu Hà
Huyện Nghĩa Hưng hiện có trên 10 nghìn thanh niên, trong đó số thanh niên thoát ly đi làm ăn xa chiếm tỷ lệ cao… Trước thực trạng trên, Huyện Đoàn Nghĩa Hưng đã phối hợp với các cấp, các ngành triển khai nhiều hoạt động hướng nghiệp và dạy nghề cho thanh niên để thanh niên gắn bó với quê hương. Hàng năm, Huyện Đoàn tổ chức cho cán bộ Đoàn và đoàn viên, thanh niên đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả ở các xã trong huyện. Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng, các ban, ngành, đoàn thể  trong xã tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp như: kỹ thuật thâm canh mùa vụ; kỹ thuật chăn nuôi đạt năng suất cao gắn với bảo vệ môi trường; đưa ngành nghề phụ về tạo việc làm cho thanh niên trong lúc nông nhàn. Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho đoàn viên thanh niên ở các xã: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Lợi… Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Thành phối hợp với Cty Phúc Hưng mở lớp đan hộp cói xuất khẩu, bước đầu đã tạo việc làm cho nhiều đoàn viên thanh niên, thu nhập từ 40-70 nghìn đồng/ngày. Đoàn Thanh niên thị trấn Liễu Đề phối hợp với Bưu điện huyện mở lớp truy cập Internet cho đoàn viên, thanh niên vào các ngày thứ 5 hàng tuần. Các cơ sở Đoàn trong huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích thanh niên học nghề và đưa nhiều nghề mới về địa phương. Chi Đoàn Trung tâm dạy nghề huyện xuống các xã trực tiếp hướng dẫn đoàn viên thanh niên phát triển các mô hình phát triển kinh tế. Nhiều đoàn viên thanh niên mạnh dạn áp dụng tại địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đoàn viên thanh niên các xã miền thượng của huyện phát triển nghề trồng cây cảnh; đoàn viên thanh niên các xã trung tâm huyện phát triển nuôi thả ba ba, gà chọi, lợn rừng và cá chuối; các xã miền hạ phát triển nghề nuôi trồng thuỷ, hải sản. Từ những mô hình ban đầu đã xuất hiện nhiều những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi như: Đoàn viên Ngô Văn Minh ở xóm Bắc, thị trấn Liễu Đề, trồng cây cảnh thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm; đoàn viên Trần Văn Duy (Nghĩa Sơn) với mô hình nuôi lợn rừng và cá chuối, tạo việc làm cho 20 lao động, doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng; đoàn viên Ngô Văn Năng (Nghĩa Hồng) phát triển nghề trồng nấm cho thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng… Đầu năm 2010, Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức cho 108 đoàn viên thanh niên tham gia sàn giao dịch việc làm tại thành phố Nam Định. Để thu hút và tập hợp thanh niên đi làm ăn xa về lập nghiệp trên quê hương, BCH Huyện Đoàn còn tổ chức gặp gỡ, giao lưu với những thanh niên làm kinh tế giỏi để cùng trao đổi và học hỏi những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên "lập thân, lập nghiệp" ngay tại quê hương ở Nghĩa Hưng vẫn còn nhiều khó khăn. Một số xã Đoàn chưa chủ động  tiếp cận với nguồn vốn vay, hỗ trợ việc làm cho thanh niên và chưa phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc phân bổ nguồn vốn vay và quản lý tổ tiết kiệm vay vốn. Qua điều tra sơ bộ, nhu cầu học nghề, vay vốn tạo việc làm của thanh niên trong huyện rất lớn, 2/3 số lao động thiếu việc làm trên địa bàn huyện là thanh niên. Tổ chức Đoàn chưa nắm bắt kịp thời nhu cầu học nghề và học nghề gì của thanh niên, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên khi học xong nghề cũng chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, Huyện Đoàn Nghĩa Hưng tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về vay vốn và quản lý nguồn vốn cho cán bộ Đoàn; chủ động nguồn vốn, lập dự án khả thi về phát triển kinh tế để sử dụng hiệu quả vốn vay, phấn đấu mỗi xã, thị trấn có một tổ tiết kiệm do thanh niên quản lý. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các trường dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề theo nhu cầu và tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên để thu hút, tập hợp ngày càng đông đoàn viên thanh niên tham gia vào hoạt động của Đoàn, xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh./.

Thu Trà



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com