Bãi rác ở làng

09:08, 20/08/2010

Tôi về thăm quê ngày chủ nhật. Trong câu chuyện về làng quê, chú em tôi cứ tấm tắc mãi về chuyện làng ta bây giờ cũng có nơi thu gom rác. Thế là văn minh, là chả khác chi thành phố. Sau điện, nước sạch, in-tơ-nét là đến rác còn gì. Nghe đâu thành phố chi cho mỗi xã ngoại thành cả trăm triệu đồng để làm bãi, rồi xử lý rác, mua xe thu gom rác, trả công người lao động.

Kể cũng mừng thật. Vẫn là lời chú em vốn là cán bộ văn hóa xã, cứ cái xe máy tồng tộc phóng vèo vèo suốt ngày hết thôn này sang làng khác, nên chả chốn nào không tường. Sao ở đâu ra nhiều rác thế không biết! Ngày trước dân quê còn nghèo, rác thải chả thấy đâu. Nay thì đủ loại, từ rác sinh hoạt đến rác nguyên liệu, rác xây dựng, rác y tế... Và khi chưa có bãi rác thì người ta đổ rác ở bất cứ chỗ nào có thể. Tiện nhất là góc chợ, rệ đường, chân đê, gốc cây, ao làng. Mỗi lần đi qua chợ không thể nào chịu nổi mùi xú uế xộc lên, nhất là những ngày hè nắng oi ả. Nhà nhà thi nhau làm lưới thép để chống ruồi. Lại có nhà sáng kiến treo toòng teng hàng chục túi ni-lông đựng nước ở trước cửa, cho nó đỡ ruồi.

Bây giờ thì làng có bãi rác. Hoan nghênh. Nhưng chưa mừng vội. Vì cũng xót tiền lắm. Đau đâu chả chạy vào ruột. Giá mà... bớt được rác thì tốt biết mấy. Ô, chú em có ý kiến hay đáo để. Đúng rồi, cách đây vài chục năm, hồi anh em tôi tóc còn để chỏm, hồi ấy đúng là chả ai nghĩ đến chuyện đổ rác ở nông thôn. Rơm rạ để đun bếp. Tro than cho hết vào chuồng lợn làm phân bón. Rồi rơm thối, lá mục, trấu... đều cho vào chuồng lợn. Ngày đó u tôi đi chợ mang mỗi cái rổ. Mua con cá, lạng thịt thì gói vào lá chuối khô. Kẹo đắng, mấy củ hành, củ tỏi cũng... lá chuối khô. Rồi qua hàng mắm tôm mua mấy hào cho vào lá khoai, kiếm cái dây rơm buộc túm lại. Thế đấy, thật là giản tiện. Lá chuối khô thì đốt đi. Lá khoai thì cho vào nấu cám lợn. Chả còn thấy rác đâu nữa. Nay thì chỗ nào cũng rặt túi ni-lông. Chợ quê cũng bán cả tập túi ni-lông, tính cân mà bán, chả hết bao nhiêu tiền. Mua hàng về dùng xong, bao nhiêu túi ni-lông quăng hết ra chân giậu. Rác của nhiều nhà dồn lại, đống to đống nhỏ chồng lên nhau.

Thì ra kinh tế phát triển cũng đẻ thêm nhiều thứ... rác. Chôn rác chỉ là giải pháp tình thế. Chế biến rác thành nguồn phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp mới là điều quan trọng. Còn điều này nữa, rác sinh năm đẻ bảy lại chủ yếu do ý thức tự giác của con người. Vì lâu nay, chả riêng gì ở thành phố mà ở nông thôn người ta cũng coi rác là chuyện nhỏ. Chỉ đến khi ô nhiễm môi trường từ mọi phía đổ tới thì mới thấy cái anh rác thải cũng là một tác nhân không nhỏ. Và để ngăn chặn nạn rác thải bừa bãi thì cùng với việc giáo dục ý thức cho người dân, rất cần được luật hóa bằng những quy định cụ thể. Có như vậy mới tiết kiệm chi cho ngân sách, giữ môi trường trong sạch, bảo đảm phát triển bền vững./.

Trần Xuân Tuyết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com