Hiện tại, đang là thời điểm giao mùa từ mùa hè sang thu đông nên thời tiết thay đổi thất thường, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của thủy sản. Nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả nuôi thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với phòng NN và PTNT các huyện chỉ đạo, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.
Kiểm tra chất lượng sinh trưởng của cá tại trang trại của ông Phan Văn Sơn, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). |
Nuôi tôm vụ thu đông thường gặp nhiều rủi ro do thời tiết thất thường, vì vậy, nhiều hộ nuôi tôm vụ này trên địa bàn xã Hải Đông (Hải Hậu) đã chủ động áp dụng các giải pháp, công nghệ nuôi tiên tiến, kết hợp đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng với mong muốn mang lại vụ tôm nhiều thắng lợi. Là một trong những hộ nuôi tôm quy mô lớn trên địa bàn xã, vùng nuôi tôm của gia đình anh Nguyễn Văn Cường nằm trong đê nên khá an toàn trong mùa mưa bão. Để đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản, anh đã tập trung nguồn vốn đầu tư lót bạt đáy nền, hệ thống sục khí, máy quạt nước... Còn đối với vụ nuôi thu đông, do nguồn nước mặn thường xuyên bị ngọt hóa và ô nhiễm khi mưa lớn tràn về nên sau những vụ nuôi trước anh đã rút kinh nghiệm và có kế hoạch dự trữ nguồn nước thay thế ngay từ đầu vụ. Thay vì lấy nước bên ngoài vào dễ gây rủi ro cao, anh đã áp dụng quy trình nuôi tuần hoàn khép kín. Bên cạnh đó anh cũng chú ý theo dõi và bổ sung ô-xy hợp lý bằng quạt nước hoặc máy bơm, giúp tránh phân tầng nước trong ao nuôi, thường xuyên kiểm tra môi trường nước và tình trạng của tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Thời điểm giao mùa anh cũng chú ý điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm sao cho phù hợp, hạn chế được sự phụ thuộc vào thời tiết, môi trường bên ngoài, giữ ổn định nhiệt độ phù hợp trong ao nuôi, đảm bảo cho tôm phát triển tốt ngay cả trong thời điểm giao mùa và khi nhiệt độ xuống thấp.
Đối với cá nuôi lồng bè, hiện đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, mưa lớn kéo dài khiến nhiệt độ, độ pH trong nước thay đổi đột ngột nên cá không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh. Ông Phan Văn Sơn ở xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) có hàng chục lồng cá Koi trên sông Hồng. Ông Sơn cho biết, vào mùa này, mưa lớn kéo dài sẽ cuốn theo những chất bẩn, cặn trên bờ trôi xuống sông, làm cho cá giảm ăn, ốm, thậm chí bỏ ăn. Vì vậy, khi trời mưa, lượng ô-xy trong nước nuôi rất thấp, ông phải theo dõi cá thường xuyên để điều chỉnh môi trường nước cho phù hợp. Để hạn chế nguy cơ gây bệnh cho cá, ông thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng, đồng thời giảm mật độ nuôi còn từ 70-80% so với bình thường. Thức ăn của cá được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Ông cũng thường xuyên đo chỉ số độ pH, ô-xy… trong nước để xử lý kịp thời khi có bất thường. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá nước ngọt truyền thống cũng chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho cá. Ông Trần Văn Huy, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cũng là một hộ nuôi cá trắm đen có thâm niên ở địa phương. Ông Huy cho biết, thời điểm tháng 9-10 dương lịch, thời tiết bắt đầu thay đổi, trời ít nắng hơn khiến tảo trong ao nuôi phát triển, nước ao chuyển sang màu xanh đậm hoặc màu xanh đen, làm ô nhiễm nguồn nước, gây thiếu ô-xy cho cá. Để đảm bảo nguồn ô-xy, ông phải liên tục bơm nước từ sông vào ao xử lý, chờ nước lắng, ổn định, ông sử dụng các chế phẩm sinh học, vôi bột để khử trùng, sau đó dẫn nước sang ao nuôi và tăng cường quạt nước tạo ô-xy cho cá. Sự chủ động cải tạo, xử lý nguồn nước trong lúc thời tiết nhạy cảm này đã giúp đàn cá luôn khỏe mạnh và phát triển đều.
Đến thời điểm này, người dân trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ thu hoạch cá cung cấp cho thị trường. Hiện, diện tích nuôi nước ngọt đã thả giống đạt 100% kế hoạch; diện tích cá nuôi nước mặn lợ đạt 90,4% kế hoạch trong đó có gần 8.900ha nuôi cá truyền thống, 620ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 2.300ha nuôi tôm sú, 2.300ha nuôi ngao. Sản lượng nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm ước đạt 59.380 tấn; trong đó thủy sản nuôi nước ngọt 29.150 tấn, nước mặn lợ đạt 30.230 tấn. Để đảm bảo nuôi thủy sản an toàn trong thời điểm giao mùa cũng như trong mùa thu đông, Chi cục Thủy sản tỉnh phân công cán bộ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản thời điểm giao mùa và thời điểm nhiệt độ xuống thấp; phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm để tránh thiệt hại, đảm bảo hiệu quả vụ nuôi. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng tiếp tục hướng dẫn người nuôi thủy sản thực hiện tốt công tác vệ sinh cải tạo ao đầm, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; xử lý tốt các chất thải gây ô nhiễm môi trường và yêu cầu những hộ nuôi có đối tượng bị dịch bệnh không được xả thải trực tiếp nước trong ao nuôi chưa qua xử lý ra môi trường… Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, chủ các cơ sở nuôi đã chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh cũng như môi trường nuôi thủy sản; tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và mùa vụ nuôi theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT; hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh. Khi phát hiện các yếu tố diễn biến bất thường, người nuôi cần thông tin nhanh cho các cơ quan chức năng để có giải pháp ứng phó, xử lý phù hợp và nhanh chóng.
Để giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả cho vụ nuôi, Sở NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người nuôi thủy sản thực hiện tốt kế hoạch quản lý môi trường nuôi thủy sản thời điểm giao mùa; sẵn sàng các phương án, nguồn nhân lực, vật tư, hóa chất để chủ động xử lý khi phát sinh dịch bệnh./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa