Nằm trên trục đường chính thuộc địa phận xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực), nhà vườn trà cổ Ngọc Lương của cô giáo Đào Ngọc Anh, Trường Tiểu học Nam Toàn khoe sắc rực rỡ, cuốn hút nhiều du khách.
Chị Đào Ngọc Anh, xóm 2, xã Nam Toàn (Nam Trực) chăm sóc vườn trà. |
Sinh ra ở vùng quê có nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống, lại đặc biệt có niềm yêu thích với hoa trà nên từ năm 2015, chị Ngọc Anh đã bắt đầu đem những cây hoa trà cổ về trồng. Chị chọn trà cổ bởi loại cây này tượng trưng cho sự dẻo dai và trường tồn, hoa thường nở vào mùa đông, giữa thời tiết giá lạnh. Trà cổ khá sai hoa, bông to, nở cân đối trên các cành. Bạch trà hoa trắng to gần bằng miệng bát ăn cơm, cánh đều dày nhiều lớp, nhìn rất hút mắt. Trà thâm lại rực rỡ màu đỏ... Đặc biệt theo nhiều người trong nghề, vài năm trở lại đây, trà cổ ngày càng được ưa chuộng và “nóng” trên thị trường chơi cây cảnh. So với thú chơi bonsai, cá cảnh, chim cảnh… thì thú chơi hoa trà vừa nhẹ nhàng, thanh tao, lại có thể vừa chơi vừa bán. Nếu chơi cây cảnh, cây thế, nhiều nhà không có chỗ kê, đặt trên tầng cao khó di chuyển; chơi chim cảnh cũng mất khá nhiều thời gian và cầu kỳ… còn chơi hoa trà dễ dàng di chuyển do cây gọn gàng, có giá trị kinh tế cao. Với niềm đam mê ngày càng lớn, chị thường xuyên tìm hiểu các phương pháp chăm sóc, nhân giống cây hoa trà qua các trang mạng xã hội; trao đổi học tập kinh nghiệm với một số người trồng hoa trà có tiếng trên địa bàn tỉnh. Nhờ chịu khó vừa làm, vừa học hỏi, nên chỉ sau một thời gian, chị đã nắm bắt được nghề trồng hoa trà, dần dần phát triển và nhân giống để kinh doanh. Hiện vườn trà của chị Ngọc Anh có diện tích hơn 1.000m2 với hàng nghìn giống cây hoa trà cổ như: bạch trà, trà cung đình, trà lựu, trà thâm…
Theo chị Ngọc Anh, hoa trà không phải là loại hoa dễ trồng, phải có niềm đam mê, chăm chút cẩn thận mới thành công. Khi trồng hoa trà, công đoạn nào cũng quan trọng. Đầu tiên phải chọn những cây giống khỏe mạnh rồi chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh. Ngoài ra, hoa trà không chịu được nắng to nên người trồng hoa trà phải làm dàn lưới nilon, phên nứa tạo bóng râm. Khi được chăm sóc tốt, cây hoa trà cổ có thân khỏe. Muốn hoa trà nở to, đẹp, không hại cây, người trồng hoa trà phải tỉa bỏ bớt nụ, tập trung vào các nụ chính để hoa trà phát triển, cho bông hoa to, rực rỡ. Tùy điều kiện kinh tế cũng như sở thích, mỗi người có thể chọn mua vài giống hoa trà phù hợp. Với người mới chơi hoa trà chỉ nên mua cây có giá trị thấp, khi nào nắm vững kỹ thuật chăm sóc cây mới mua loại trà có giá trị cao và số lượng nhiều. Đặc biệt người chơi nên tìm đến các vườn trà uy tín để mua, như vậy thú chơi trà mới bền vững. Có “cầu ắt có cung”, đây là cơ hội kinh doanh cho những ai muốn làm giàu từ cây hoa trà, quan trọng là chủ vườn kinh doanh phải có những cây chất lượng, tỷ lệ sống cao, giá cả hợp lý và tận tình hướng dẫn khách hàng cách chăm sóc cây thật tốt.
Mỗi ngày, sau thời gian lên lớp, chị Ngọc Anh đều dành thời gian chăm sóc, cắt tỉa, tưới nước cho cây. Đối với những cây còn nhỏ, mới chuyển vào chậu, chị chỉ tưới bằng nước trắng, cây lớn hơn chị kết hợp bón phân hữu cơ mà không dùng phân hóa học bởi nó sẽ làm xót, hại bộ rễ của cây. Chị Ngọc Anh cho biết: “Hiện nay để nhân giống cây hoa trà, người trồng có thể sử dụng một trong ba phương pháp chính là chiết cành, ghép cành và giâm hom. Tùy vào từng mục đích làm cây giống đại trà hay nhân giống để chơi hoa, các nhà vườn có thể lựa chọn những phương pháp khác nhau. Thông thường để nhân giống và nuôi sống cây đạt chiều cao từ 50-60cm phải mất khoảng 2 năm”. Với sự khéo léo và kinh nghiệm đúc rút được từ nhiều năm trồng hoa, hiện tại khu vườn của chị có đủ các loại hoa trà. Có nhiều khách tới vườn trà của chị tham quan được chị tư vấn, chia sẻ về kinh nghiệm trồng trà. Trong quá trình trồng nếu cây bị bệnh, chỉ cần khách hàng có nhu cầu, chị sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn tận tình. Anh Đỗ Quang Huy ở huyện Xuân Trường thường mua trà giống tại nhà vườn của chị Ngọc Anh, cho biết: “Tôi tin tưởng mua cây giống ở nhà vườn của chị Ngọc Anh. Cây giống mua về đều có chất lượng tốt, phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Ngoài ra, khi được hỏi về cách chăm sóc cây, chị Ngọc Anh rất nhiệt tình hướng dẫn, không giấu nghề”. Từ khi có vườn hoa trà, chị bắt đầu ngày mới bằng việc ra vườn chăm sóc, ngắm cây. Hết thời gian đi dạy, về nhà chị lại tranh thủ ra vườn chăm sóc, tỉa lá, kiểm tra sinh trưởng của cây. Những ngày cuối tuần hoặc những buổi không có giờ trên lớp, chị lại dành thời gian cho vườn cây. Hàng năm, vào dịp tháng 10 âm lịch đến giáp Tết Nguyên đán, khách đến mua hoa trà rất đông. Mỗi năm, nhà vườn của chị Ngọc Anh cung cấp ra thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước hàng nghìn cây hoa trà với mức giá từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng tùy thuộc mỗi loại cây, giống hoa trà.
Với niềm đam mê và nhiệt huyết, thời gian tới, chị Ngọc Anh sẽ mở rộng thêm diện tích nhà vườn để nhân giống hoa trà nhằm phục vụ người yêu cây. Với chị, trồng hoa trà, gắn bó với cây trà giúp chị vừa thêm yêu cuộc sống vừa mang lại nguồn thu nhập thêm cho gia đình./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa