Bước vào mùa mưa bão năm 2022, huyện Mỹ Lộc đã chủ động xây dựng nhiều phương án chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão, lũ gây ra; góp phần ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Diễn tập xử lý tình huống thẩm lậu qua mái đê và xử lý mạch đùn, mạch sủi trên thân đê trên địa bàn xã Mỹ Trung theo kế hoạch PCTT và TKCN năm 2022. |
Năm 2021, trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng của 3 cơn bão và áp thấp; trong đó ảnh hưởng trực tiếp là cơn bão số 7, số 8 làm ngập úng 535ha lúa, màu ước thiệt hại 8,14 tỷ đồng; gây đổ vỡ, sạt trượt trên chiều dài 35,7km đê ước thiệt hại 5 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ PCTT năm 2022, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; phân công cán bộ chủ chốt phụ trách địa bàn, lĩnh vực để chỉ huy công tác PCTT năm 2022; chỉ đạo 11/11 xã, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN địa phương. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn triển khai rà soát, cập nhật thông tin, lập kế hoạch PCTT và TKCN, phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Xây dựng và phê duyệt phương án PCTT và TKCN trong toàn huyện, trọng tâm là xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm (cống lấy nước trạm bơm Tân Đệ, đê bối Hồng Long, Hồng Hà thuộc xã Mỹ Tân) và xây dựng phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão.
Trước mùa lũ, bão năm nay, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra các công trình đê điều, công trình thủy lợi phục vụ công tác PCTT và TKCN. Hiện tại, hệ thống đê trên địa bàn huyện Mỹ Lộc gồm: Đê Hữu Hồng dài gần 7km từ K156+621 đến K163+610 là đê cấp 1 quốc gia đi qua 3 xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Tân. Trên đê có 3 cống đang hoạt động là cống lấy nước trạm bơm Hữu Bị (K156+652); cống xả tiêu trạm bơm Hữu Bị (K156+761); cống xả trạm bơm Quán Chuột (K163+415). Hiện nay các cống trên đều ổn định, hoạt động bình thường. Để bảo vệ tuyến đê Hữu Hồng, trên tuyến đã xây dựng được 6 kè hộ bờ, lát mái gồm: kè Hữu Bị từ K156+700 đến K158+468; kè Cống Mý từ K159+250 đến K160+500; kè Hồng Hà tương ứng từ K160+500 đến K161+800; kè Tân Đệ tương ứng từ K162 đến K163; kè Bách Linh tương ứng từ K163 đến K163+610; kè Vạn Hà tương ứng từ K163+110 đến K163+600 đê Hữu Hồng. Các kè này đều ổn định phát huy tác dụng tốt (trừ kè Hữu Bị bị bong xô mất đá lát mái cục bộ nhiều chỗ). Có 2 bối có dân đang sinh sống là các bối Hồng Hà và Hồng Long (Mỹ Tân) với chiều dài đê bối là 11km. Từ khi huyện được tái lập đến nay, hệ thống đê của huyện Mỹ Lộc đã được tu bổ, nâng cấp để đảm bảo an toàn chống lũ với mực nước thiết kế tại Hà Nội là 13,1m.
Để chủ động nâng cao năng lực PCTT và TKCN nhằm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT được xác định là nhiệm vụ thường xuyên quan trọng được lãnh đạo các cấp từ huyện đến cơ sở quán triệt chỉ đạo, các cơ quan đơn vị thực hiện thông qua các hội nghị bằng các văn bản và trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã, thị trấn. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức đối với lực lượng làm công tác PCTT và nhân dân. Tuyên truyền bằng văn bản chỉ đạo, đôn đốc; lồng ghép thông qua các hội nghị tổng kết công tác PCTT; tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn. Tổ chức tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho học sinh trong nhà trường, nhất là trong dịp nghỉ hè; xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hoạt động hè năm 2022. Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phối hợp với Đài truyền thanh các xã, thị trấn phổ biến các văn bản pháp luật về đê điều, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi để nhân dân hiểu và thực hiện theo quy định. Tuyên truyền các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thực hiện việc thu, nộp Quỹ PCTT. Ngoài ra, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, nhất là việc xử lý các công trình xây dựng trái phép, sai phép trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ, lấn chiếm lòng kênh mương. Tiếp tục xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm đê điều, công trình thủy lợi còn tồn đọng, thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 23-8-2017 của UBND tỉnh. Ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới hoặc tái vi phạm. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Các xã, thị trấn kiện toàn lực lượng xung kích PCTT theo quy định. Các xã, thị trấn tiến hành kiểm kê đăng ký lực lượng, phương tiện cơ giới sẵn sàng huy động đi làm nhiệm vụ khi cần thiết. Tổ chức diễn tập tình huống xử lý thẩm lậu qua mái đê và mạch đùn, mạch sủi thân đê để nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân cũng như năng lực chỉ huy, tổ chức xử lý tình huống của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, nâng cao trình độ chuyên môn cho lực lượng xung kích PCTT và TKCN.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất, xuyên suốt từ công tác chỉ đạo, nhân lực, phương tiện, vật tư và hậu cần đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Mỹ Lộc quyết tâm bảo đảm an toàn hệ thống đê kè, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão./.
Bài và ảnh: Đức Toàn