Những năm vừa qua, đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, Nam Định đã khắc phục được khó khăn về vốn đầu tư công, huy động được nhiều nguồn lực cho thúc đẩy tiến trình đô thị hóa. Các huyện và thành phố Nam Định đã đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị, các khu dân cư, điểm dân cư tập trung; tích cực đầu tư các trung tâm thương mại, các khu, cụm công nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ với tốc độ phát triển kinh tế, xã hội dẫn tới các bất cập như tình trạng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt... Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), các hệ lụy trên ngày càng gay gắt.
Thành phố Nam Định quan tâm đảm bảo không gian xanh trong phát triển đô thị. |
Tại thành phố Nam Định, dù công tác thoát nước đô thị đã được quan tâm, từng bước cải tạo chất lượng hệ thống cống ngầm, kênh mương thoát nước mặt và nước thải nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được tình trạng ngập úng cục bộ. Bên cạnh đó, hiện nay thành phố Nam Định và các thị trấn, xã trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trước khi thải ra môi trường nên gây suy giảm cục bộ chất lượng nước sông tại các lưu vực tiếp nhận. Các công trình xử lý rác thải còn nhiều bất cập. Tại thành phố Nam Định, hiện nay rác thải sinh hoạt vẫn đang được Công ty cổ phần Môi trường Nam Định xử lý theo phương pháp chôn lấp trong khi chờ hoàn thiện nhà máy xử lý rác mới. Tại khu vực nông thôn, các công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của các xã, thị trấn chủ yếu được áp dụng theo phương thức chôn lấp hoặc lò đốt công suất nhỏ. Song, đến thời điểm hiện nay nhiều bãi chôn lấp đã cơ bản hết công suất; các lò đốt công suất nhỏ xuống cấp nhanh buộc các địa phương phải lo tìm các biện pháp khắc phục trước mắt và xử lý triệt để về lâu dài. Tình trạng ùn ứ, ách tắc tại một số nút giao thông trọng điểm của thành phố Nam Định và tuyến Quốc lộ 21 (từ cầu Đò Quan, thành phố Nam Định xuống các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy) làm gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp.
Những vấn đề kể trên buộc các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải chú trọng, tính đến các biện pháp kiểm soát và phát triển đô thị theo hướng thích ứng BĐKH; đặc biệt, trong bối cảnh tỉnh ta đang tập trung triển khai đồng loạt các công trình dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở các huyện. Trong công tác chỉ đạo UBND tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải bám sát Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20-7-2020) và Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25-3-2021. Đặc biệt, phải ưu tiên nhiệm vụ từng bước nâng cao số lượng, chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật; hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH. Các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp về chủ động ứng phó với BĐKH trong phát triển các đô thị. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong công tác điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; xác định, khoanh vùng, cảnh báo khu vực nguy cơ chịu tác động của BĐKH; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro BĐKH tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu). Triển khai việc tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các đồ án quy hoạch xây dựng; lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, cảnh báo rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị, điểm dân cư có khả năng chịu tác động từ BĐKH vào chương trình, kế hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tăng cường huy động, bố trí hợp lý các nguồn vốn để thực hiện chương trình nâng cấp đô thị, rà soát bổ sung nội dung, giải pháp kiểm soát phát triển đô thị thích ứng với BĐKH; cải tạo, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xây dựng đê, kè; đảm bảo an toàn, chống ngập úng trong đô thị, điểm dân cư theo các kịch bản tác động của BĐKH, nhất là các đô thị ven biển; phát triển nhà ở có khả năng chống chịu với bão, lụt. Tiếp tục rà soát, đề xuất với các bộ, ngành để điều chỉnh, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với điều kiện tự nhiên, ứng phó với BĐKH. Tăng cường hợp tác và triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ (xử lý nước thải, chất thải rắn, công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, phát triển công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, kiến trúc xanh); xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác cung cấp thông tin và quản lý quy hoạch xây dựng nhằm ứng phó với BĐKH trong quy hoạch phát triển hệ thống đô thị, nông thôn theo hướng bền vững. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời tham mưu xử lý nghiêm các vi phạm có liên quan đến Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định có liên quan; đảm bảo mục tiêu ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030 đối với phát triển các đô thị trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy