Nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân trong điều kiện khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, huyện Ý Yên đã khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.
Nông dân xã Yên Dương chuẩn bị xuất bán rau củ ra thị trường. |
Được cấp ủy Đảng, chính quyền tạo điều kiện, gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở thôn Lũ Phong, xã Yên Ninh đã thuê hơn 10ha đất của các hộ dân trong xã để hình thành mô hình canh tác tập trung. Ruộng đất tập trung liền vùng, liền thửa, diện tích lớn nên thuận lợi cho gia đình chị đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, kết hợp trồng cây màu và nuôi lợn. Nhờ đó sản xuất đạt kết quả tốt, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình chị đạt từ 300-350 triệu đồng… Gia đình chị Tình chỉ là 1 trong số hàng trăm gia đình ở Ý Yên đã “ăn nên làm ra” nhờ thực hiện tốt việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung. Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện đã tích cực khuyến khích người dân linh hoạt, sáng tạo dồn đổi để tích tụ ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Các cấp, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ruộng đất hình thành những cánh đồng lớn cùng giống, cùng trà, ứng dụng cơ giới hóa các khâu gieo trồng, thu hoạch nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào, tạo lợi thế cho nông sản nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Căn cứ tình hình thực tế, các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn đã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật. UBND các xã, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, tích tụ ruộng đất và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong 5 năm qua, các cơ quan trong khối nông nghiệp của huyện đã phối hợp với Sở NN và PTNT, Hội Nông dân tỉnh triển khai nhiều chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tập huấn kỹ thuật về cây trồng, con nuôi, đào tạo nghề cho nông dân... Toàn huyện đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kiến thức nghề cho gần 2.000 người tham gia học. Đài Phát thanh huyện đã xây dựng nhiều tin, bài tuyên truyền về các mô hình tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu nông nghiệp để nhân rộng. Qua đó tạo sự chuyển biến căn bản, tích cực trong nhận thức, ý thức của đội ngũ cán bộ, người dân về tái cơ cấu nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay các HTX, hộ gia đình trên địa bàn huyện đã thực hiện được 26 mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa, trồng cây màu, chăn nuôi tập trung với diện tích gần 121ha. Một số HTX nông nghiệp đã liên kết với doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết sản xuất ổn định ở các xã Yên Dương, Yên Chính, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Nhân, Yên Lương, Yên Lộc… Thông qua các mô hình liên kết, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, con nuôi, các biện pháp thâm canh tổng hợp được đưa vào sản xuất. Trồng trọt phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mà trọng tâm là chuyển đổi sản xuất từ số lượng sang chất lượng, tỷ lệ lúa chất lượng cao tăng từ 55% lên 80% diện tích; hiệu quả sản xuất lúa tăng 7-15%. Phương thức sản xuất, nhất là khâu gieo trồng và thu hoạch được cơ giới hóa mạnh mẽ, đã tiết kiệm thời gian, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả/ha canh tác/năm. Bước đầu hình thành một số “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” theo chuỗi giá trị giữa hộ nông dân, HTX nông nghiệp với doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất từ 15-20%. Tích tụ ruộng đất cũng tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa, hiệu quả kinh tế sau chuyển đổi phổ biến cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô vừa và nhỏ ở các xã Yên Phương, Yên Trung, Yên Thọ, Yên Bằng, Yên Trị, Yên Lộc...; phương thức nuôi chuyển dần từ nuôi quảng canh sang thâm canh, đối tượng nuôi đa dạng với các giống thủy đặc sản có năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ tốt. Ngoài diện tích mặt nước thì hiện nay nhiều vùng trồng lúa kém hiệu quả đã được cải tạo chuyển sang nuôi 1 vụ cá kết hợp 1 vụ lúa cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với cấy lúa. Ruộng đất được tập trung tích tụ, hệ thống thủy lợi nội đồng được nâng cấp, xây mới đồng bộ đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp. Công ty TNHH Toản Xuân đã đầu tư thực hiện mô hình sản xuất rau, củ, quả sạch quy mô 3,5ha tại xã Yên Lương. Từ hiệu quả thiết thực của các mô hình sản xuất cánh đồng lớn đã động viên, khích lệ hàng trăm hộ nông dân đã “mượn đất” để tập trung thành cánh đồng lớn để đầu tư sản xuất nông sản hàng hóa với quy mô từ 1ha trở lên. Cũng nhờ tích tụ tập trung ruộng đất trên địa bàn huyện đã quy hoạch và xây dựng được một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ổn định, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu mối, định hướng cho nông dân; HTX là cầu nối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp. Tiêu biểu như Công ty TNHH Toản Xuân liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lương, Yên Lộc sản xuất và tiêu thụ lúa sạch với diện tích 50-70 ha/vụ, mỗi năm Công ty thu mua từ 500-600 tấn thóc. Mô hình sản xuất và bảo quản khoai tây giống quy mô 50ha tại các xã Yên Nhân, Yên Phúc, Yên Đồng, Yên Thắng theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông dân nhận giống, vật tư nông nghiệp của HTX và tổ chức sản xuất theo chỉ đạo của HTX, cuối vụ bán sản phẩm cho HTX theo hợp đồng ký kết đầu vụ…
Việc thúc đẩy tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa ở Ý Yên đang góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất và gia tăng giá trị thu nhập cho nông dân./.
Bài và ảnh: Văn Đại