Tiếp vốn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sau đại dịch

06:05, 05/05/2022

Luôn sát cánh với doanh nghiệp và người dân, ngành Ngân hàng thực sự đóng vai trò là “xương sống” của nền kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ khó khăn bởi dịch COVID-19. Qua quý I năm 2022, bức tranh nền kinh tế tỉnh đã khởi sắc hơn với trợ lực mạnh mẽ của ngân hàng.

Kiểm tra chất lượng gà giống tại trang trại của anh Lê Đức Thọ, ở xóm Hải Tiến, xã Hải Đông (Hải Hậu).  Bài và ảnh: Đức Toàn
Kiểm tra chất lượng gà giống tại trang trại của anh Lê Đức Thọ, ở xóm Hải Tiến, xã Hải Đông (Hải Hậu). 

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh, ước đến hết tháng 4-2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 92.360 tỷ đồng, tăng 5.225 tỷ đồng (6%) so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay thương mại và chính sách đạt 87 nghìn tỷ đồng, tăng 6.063 tỷ đồng (7,5%) so với đầu năm. Trong đó, cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng 75%; cho vay trung, dài hạn chiếm tỷ trọng 25%. Nguồn vốn chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất phục vụ phát triển kinh tế như công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 88,6%; ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 11,4%. Do vậy mặc dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng thích ứng, liên tục được cải thiện. Nhờ sức cầu vốn tăng, cùng với nỗ lực hạ lãi suất, đà tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng khá tốt. Mặt bằng lãi suất có biến động do nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng, nhưng mức điều chỉnh của các ngân hàng không quá lớn và được đánh giá vẫn ở mức “dễ thở” với doanh nghiệp. Vốn tín dụng vẫn tiếp tục hỗ trợ tốt doanh nghiệp với tổng dư nợ 26.857 tỷ đồng (1.848 khách hàng), chiếm 30,87%; hộ gia đình, cá nhân có dư nợ là 60.117 tỷ đồng (234.288 khách hàng), chiếm 69,1%. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 16.269 tỷ đồng, chiếm 18,7% tổng dư nợ cho vay và chiếm 60,6% dư nợ cho vay doanh nghiệp. Dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 49.590 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 57% tổng dư nợ cho vay. Dư nợ cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 110 triệu đồng. Dư nợ cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp còn 18 tỷ đồng, với 123 khách hàng. Trong quý I năm 2022, đã có 119 khách hàng tham gia chương trình Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tổng số tiền cam kết cho vay là 982 tỷ đồng, đã giải ngân 667 tỷ đồng, bằng 67,9% cam kết. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Lãi suất cho vay trung bình từ 6-9%/năm. Nợ xấu tính đến hết ngày 31-3-2022 là 376 tỷ đồng, chiếm 0,44% tổng dư nợ cho vay, đảm bảo duy trì ở mức dưới 3% theo đúng chỉ đạo của NHNN. 

Để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình ưu đãi. Hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã triển khai chương trình dành cho doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ bổ sung vốn lưu động, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn 4%/năm, cùng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ. Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai chương trình “Vốn lớn có nhanh, lãi suất cạnh tranh” quy mô 49 nghìn tỷ đồng, kéo dài từ nay đến ngày 31-3-2023, dành riêng cho khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, với lãi suất 5,6-8,3%/năm. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tung ra chương trình ưu đãi tín dụng cũng được áp dụng trong cả năm 2022, có quy mô 200 nghìn tỷ đồng, trong đó 100 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất, kinh doanh ngắn hạn hưởng lãi suất từ 5%/năm (kỳ hạn dưới 6 tháng) và 5,5%/năm kỳ hạn 6-12 tháng. Khách hàng cũng có thể tham gia gói vay 100 nghìn tỷ đồng trung, dài hạn với lãi suất từ 6,2%/năm… Các ngân hàng TMCP như: Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Đông Nam Á (SeABank), Quân đội (MB)… cũng dành hạn mức tín dụng lớn cho nền kinh tế, cùng nhiều ưu đãi để doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn. Đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Bắc Nam Định cho biết: “VietinBank sẽ tiếp tục tập trung các nguồn lực để triển khai mạnh mẽ các điểm kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đột phá, bám sát các mục tiêu chính: Tăng trưởng tín dụng chọn lọc đi đôi với bảo đảm an toàn hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu kỳ hạn của nguồn vốn theo hướng tăng tiền gửi không kỳ hạn, đẩy mạnh thu ngoài lãi, trong đó tập trung thúc đẩy sản phẩm phí, kinh doanh ngoại tệ, bảo lãnh, bảo hiểm... thông qua khai thác hệ sinh thái số. Đẩy mạnh cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho khách hàng, thúc đẩy phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, tạo đột phá trong năm 2022, thúc đẩy chuyển đổi số, tăng tốc độ số hóa để tối ưu hiệu quả sử dụng các nguồn lực, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, thực hiện đồng bộ trên toàn hệ thống, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường thu hồi nợ xấu và nợ xử lý rủi ro”.

Song song với công tác tiếp vốn ưu đãi, ngành Ngân hàng cũng tích cực hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là 10.368 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện miễn, giảm lãi vay đối với 4.512 khách hàng có dư nợ là 4.542 tỷ đồng, số tiền lãi được miễn, giảm là 19,8 tỷ đồng. Thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 2.185 khách hàng với dư nợ được cơ cấu lại là 2.698 tỷ đồng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng đã thực hiện cho vay hỗ trợ người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc đối với 7 doanh nghiệp, số tiền 1 tỷ 598 triệu đồng. Hiện có 5 doanh nghiệp còn dư nợ, số tiền 1 tỷ 356 triệu đồng. Các chương trình tín dụng chính sách phục vụ an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng người nghèo vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tích cực triển khai. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến hết tháng 4-2022 ước đạt 3.560 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng (3,6%) so với đầu năm, trong đó cho vay nước sạch vệ sinh môi trường chiếm tỷ trọng 37,3%; cho vay hộ cận nghèo chiếm tỷ trọng 27%; cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng 3,2%; cho vay hộ mới thoát nghèo 20,5%; cho vay học sinh, sinh viên chiếm tỷ trọng 4,2% tổng dư nợ cho vay; cho vay các chương trình khác chiếm tỷ trọng 7,8%.

Với nhiều hoạt động đồng hành thiết thực ngành Ngân hàng đã và đang triển khai đã góp phần ổn định kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 để phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com