Nguy cơ mất an toàn từ nước tẩy rửa, sát khuẩn không đảm bảo chất lượng

08:05, 06/05/2022

Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng nước tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt gia tăng đột biến do yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên đã có tình trạng lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa hạn chế, nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm nước tẩy rửa, sát khuẩn giá rẻ, kém chất lượng. Điều này vừa giảm tác dụng phòng bệnh vừa gây nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm dung dịch tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt lưu thông trên địa bàn thành phố Nam Định.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra sản phẩm dung dịch tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt lưu thông trên địa bàn thành phố Nam Định.

Nước tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt là những vật tư cần thiết được Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng thường xuyên như một loại thuốc không cần kê đơn thay thế cho xà phòng và nước khi không có sẵn để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 xâm nhập. Tuy nhiên các sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn chuyên môn như: dung dịch nước rửa tay phải có cồn chứa ít nhất 60 phần trăm ethanol (còn được gọi là cồn etylic) để đảm bảo khả năng sát khuẩn (theo quy định tại danh mục được ban hành kèm theo Thông tư số 09/2018/TT-BYT ngày 27-4-2018 của Bộ Y tế và Nghị định 91/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế). Bên cạnh đó sản phẩm phải được khảo nghiệm khả năng diệt khuẩn và đánh giá an toàn cho người sử dụng bởi các cơ quan chức năng của Bộ Y tế như: Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Nhãn sản phẩm phải ghi đầy đủ thông tin: tên, địa chỉ, điện thoại của cơ sở đăng ký lưu hành và sản xuất, thành phần và hàm lượng (nồng độ) hoạt chất, công dụng cách dùng, bảo quản, số đăng ký lưu hành, lô sản xuất, hạn sử dụng… theo quy định. Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu thị trường tăng cao đột biến, ngoài những cơ sở chuyên sản xuất nước tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt, nhiều cơ sở gia công khác không đảm bảo các điều kiện năng lực sản xuất quy định tại Nghị định 91/2016/NĐ-CP của Chính phủ; không có giấy phép của cơ quan chức năng và chứng nhận chất lượng sản phẩm đối với từng sản phẩm cụ thể. Sản phẩm được sản xuất kiểu chớp nhoáng không chuyên nghiệp, thiết bị thô sơ, nguyên liệu trôi nổi không được kiểm soát nên không đáp ứng yêu cầu sát khuẩn, tẩy rửa như khuyến cáo và còn ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chị Hoàng Thúy Hằng, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) cho biết: tôi mua rất nhiều loại dung dịch sát khuẩn tay để các thành viên trong gia đình sử dụng phòng, chống dịch, nhưng con gái út của tôi sau một thời gian sử dụng đã bị nổi mụn nước li ti dưới da lòng bàn tay. Nghi ngờ nước rửa tay kém chất lượng tôi mở nắp hộp mới giật mình khi thấy sản phẩm vẫn có mùi cồn, hương liệu nhưng bị phân tầng, đóng cặn dưới đáy hộp và vẩn đục. Mặc dù không có chuyên môn sâu về hóa dược nhưng với hình ảnh quan sát thực trong hộp tôi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng. Kiểm tra kỹ lại tem nhãn thì phát hiện đây là sản phẩm nhái loại nước sát khuẩn OKAY của Thái Lan một nhãn hiệu quen thuộc trên thị trường từ nhiều năm nay. Chia sẻ thông tin này với bạn bè chị Hằng nhận được rất nhiều phản ánh tương tự. Thực tế trên thị trường vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã xuất hiện các loại nước tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt của nhiều cơ sở chuyên và không chuyên sản xuất, có tên gọi, hình thức gần giống với sản phẩm cùng loại của các hãng uy tín sản xuất ở cả trong, ngoài nước và mập mờ công dụng, lừa dối người tiêu dùng. 

Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với Công an tỉnh liên tục phát hiện, xử lý nhiều cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh nước tẩy rửa, sát khuẩn không đảm bảo chất lượng. Trong đó, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Nam Định) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện Công ty TNHH Green Herb’th tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) sản xuất, kinh doanh chất tẩy rửa vi phạm quy định về điều kiện sản xuất và nhãn mác hàng hóa. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện Công ty đang sản xuất, sang chiết 3.000 chai chất tẩy rửa, gồm: 2.300 chai dung dịch đuổi côn trùng và đặc trị ruồi; 700 can nước rửa chén đậm đặc OXO. Số sản phẩm trên có nhãn hàng hóa ghi không đầy đủ; không thể hiện tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất bằng tiếng Việt mà thể hiện bằng tiếng nước ngoài, có dấu hình gần giống với các thương hiệu nổi tiếng như Aptechco,Ltd; Green Herb’th của Thái Lan, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện gần 8.000 vỏ chai đựng chất tẩy rửa các loại và 750 bộ tem nhãn của Công ty TNHH và sản xuất Thương mại Hùng Phát có địa chỉ tại Khu 11, Khái Xuân, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Ông Trần Văn Hà - Giám đốc Công ty TNHH Green Herb’th không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc của sản phẩm trên. Như vậy, ngoài việc không đủ điều kiện sản xuất nước tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt, Công ty còn gian lận mẫu mã, lợi dụng danh tiếng của các sản phẩm khác ở trong và ngoài nước để lừa gạt người tiêu dùng. Tiếp sau đó lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện cơ sở kinh doanh Hằng Hải, số 132 Trần Huy Liệu, phường Trường Thi (thành phố Nam Định) đang tàng trữ, kinh doanh gần 3.000 lọ dầu gió, tinh dầu xịt thơm, tinh dầu đuổi côn trùng, nước sát khuẩn không có tem nhãn cùng rất nhiều sản phẩm nhập lậu khác. Lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu tang vật, xử phạt các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hành vi sản xuất, lưu thông hàng hóa giả mạo nhãn mác sản phẩm chính hãng; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với lực lượng Công an, Quản lý thị trường, để đấu tranh phòng ngừa làm giả các loại hóa chất tẩy rửa, ngành Y tế cũng hạn chế cấp phép sản xuất dung dịch tẩy rửa, sát khuẩn bề mặt; tăng cường kiểm tra giám sát và phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng cũng khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ sản phẩm trước khi mua. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các nội dung thông tin trên nhãn có đầy đủ và đúng quy định không; nếu chưa yên tâm có thể gọi điện thoại in trên tem nhãn để yêu cầu cơ sở sản xuất cung cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cấp để khẳng định nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, hạn chế những rủi ro và bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com