Giải pháp huy động đa dạng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản

07:05, 05/05/2022

Do nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản rất lớn, nhất là các chương trình, dự án lớn trong khi chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định nên tỉnh ta đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả chủ trương huy động đa dạng nguồn vốn.

Nhờ huy động đa dạng nguồn vốn, thành phố Nam Định đã từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ huy động đa dạng nguồn vốn, thành phố Nam Định đã từng bước đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi trong lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt hiệu quả cao trong huy động đa dạng nguồn vốn, tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường nội lực, tạo ra các nguồn thu ngân sách bền vững. Ngoài ra, các ngành, các địa phương phải quan tâm áp dụng các biện pháp hướng tới khai thác, huy động tối đa các nguồn vốn thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức. Trong đó, tích cực áp dụng các cơ chế, chính sách khả thi trong việc khuyến khích, thu hút các nguồn lực; chú trọng đo lường, dự báo chuẩn xác lợi ích các nguồn vốn và phải đảm bảo thu lợi thành công sau đầu tư của các dự án để kích thích các chủ sở hữu vốn đầu tư. Theo đó, các ngành, các địa phương đã quan tâm gắn kết chặt chẽ với định hướng cơ cấu lại các ngành kinh tế và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn duy nhất để đo lường, dự báo lợi ích các nguồn vốn để kích thích các chủ sở hữu vốn đầu tư. Tập trung sử dụng vốn Nhà nước với vai trò dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội; ưu tiên bố trí cho đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị, các khu, cụm công nghiệp và các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội có vai trò tăng năng lực sản xuất của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ngay từ giai đoạn huy động, đến phân bổ, sử dụng các nguồn vốn đầu tư, các ngành, các địa phương đều chú trọng thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra. Hiện, tỉnh đã đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nhất là công tác lập, quản lý và nâng cao chất lượng theo tinh thần của Luật Quy hoạch (có hiệu lực tháng 1-2019), chú trọng đảm bảo yêu cầu tăng cường tính kết nối, đồng bộ liên vùng, liên ngành, liên tỉnh, tích hợp, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong đầu tư xây dựng cơ bản để phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.

Với các giải pháp đồng bộ kể trên, thời gian gần đây tỉnh ta đã từng bước giảm dần tỷ trọng đầu tư công trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Giai đoạn 2015-2020, trong tổng vốn 175 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển, nguồn vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, tăng bình quân 23%/năm. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước tăng 15,5% so với năm 2020. Tổng nguồn vốn đầu tư công đã giao chi tiết là 4.157 tỷ đồng. Quý I-2022, trong 8.793,6 tỷ đồng tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn vốn Nhà nước đạt 1.3392,3 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước đạt 6.744,1 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 657,2 tỷ đồng. Từ đó, tỉnh đã có điều kiện lồng ghép các nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương, vốn ODA, vốn xã hội hóa, ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản có vai trò góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tạo diện mạo mới, tác động lâu dài tới phát triển kinh tế - xã hội. Tính riêng giai đoạn 2016-2021, về hạ tầng giao thông, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đường bộ mới nối Quốc lộ 10 với Quốc lộ 21 và cầu Tân Phong vượt sông Đào với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ với tổng mức đầu tư gần 1.160 tỷ đồng, tỉnh lộ 488 (từ cầu Vòi đến thị trấn Thịnh Long) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, tỉnh lộ 487 với tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 (cầu Lạc Quần) đến phà Sa Cao với tổng mức đầu tư trên 580 tỷ đồng, tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn I với tổng mức đầu tư trên 2.800 tỷ đồng, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng... Đồng thời đã cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới được trên 2.500km đường giao thông nông thôn và gần 3.000 cầu, cống dân sinh. Hoàn thành dự án nâng cấp hệ thống đê tả, hữu sông Sò, đầu tư tu bổ nâng cấp khẩn cấp đê, kè Cồn Xanh thuộc tuyến đê biển huyện Nghĩa Hưng, nâng cấp khẩn cấp một số đoạn đê kè xung yếu thuộc tuyến đê biển tỉnh, dự án xử lý cấp bách các công trình đê biển của tỉnh bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017; đã tập trung thi công dự án xử lý khẩn cấp đê, kè Quy Phú tương ứng từ K177+900 đến K180+050 đê hữu Hồng, huyện Nam Trực, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ. Đặc biệt, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh, ngân sách Trung ương, các nguồn vốn của địa phương và nhân dân đóng góp đã tạo nguồn lực quan trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực tại địa phương, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách hình thành nguồn thu mới từ đất đai để đất đai thực sự trở thành nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trung ương quan tâm, bổ sung vốn cho 2 dự án tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; hỗ trợ thêm nguồn vốn ngoài vốn trung hạn đã giao để tỉnh tiếp tục xử lý các điểm xung yếu của tuyến đê biển, đê sông để nâng cao khả năng phòng chống thiên tai, ổn định phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nước biển dâng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hướng dẫn địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần tăng cường năng lực lãnh đạo để kịp thời phát hiện, có biện pháp khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ huy động, sử dụng các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản. Toàn tỉnh hướng tới mục tiêu năm 2022 tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 16,5% trở lên so với năm 2021./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com