Từ sau năm 1999, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh tỉnh Nam Định đã đưa ra mô hình thành lập xây dựng tổ vay vốn - tiết kiệm (VV và TK) theo hướng mới là gắn kết với các tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội. Sáng kiến này được đánh giá là tài sản vô giá, giúp cho Agribank chi nhánh Nam Định ngày càng thành công hơn nữa, khẳng định vị thế trụ cột vững chắc về vốn “Tam nông” trong nông thôn mới tỉnh ta.
Được vốn Agribank tiếp sức, ông Nguyễn Văn Hoan ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) đã phát triển kinh tế nuôi thả cá mú và tôm thẻ chân trắng. |
Về xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) những ngày này, không khí sản xuất của các cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm ở xóm Ngọc Việt hết sức sôi động; xe chở hàng hối hả lên đường. Ông Lại Văn Quang, cựu tổ trưởng tổ VV và TK của Agribank Chi nhánh Đông Bình vui vẻ nhớ lại: “24 năm trước, tôi được Agribank tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” lựa chọn thử nghiệm làm tổ trưởng tổ VV và TK của làng nghề sản xuất nước mắm Ngọc Lâm. Lúc đó, người dân do chưa hiểu rõ nên còn ngại tiếp xúc với ngân hàng; đường xá xa xôi nên cán bộ tín dụng cũng chưa thể sâu sát nắm rõ thực tế địa bàn cơ sở nên các hộ làng nghề đều bị “đói vốn”. Sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thị trường thu hẹp khiến kinh tế làng nghề Ngọc Lâm cực kỳ khó khăn, đời sống thu nhập của người dân còn hạn chế. Tổ VV và TK lúc đó chỉ vỏn vẹn có 100 người”. Thông qua tổ VV, cán bộ tín dụng Agribank dễ dàng nắm bắt địa bàn, thực trạng sản xuất, kinh doanh của từng hộ, nhiều cán bộ “cùng ăn, cùng ở” với các hộ bàn bạc, mở hướng phát triển kinh tế với trợ lực từ đồng vốn của Agribank. Về phía ngân hàng, cho vay qua tổ VV và TK giúp ngân hàng tìm được những khách hàng có chất lượng, giảm tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần giảm tải cho cán bộ tín dụng khi phải quản lý nhiều khách hàng. Ông Quang bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, khoản vay đầu tiên của gia đình tôi là 3 triệu đồng. Có 3 triệu đồng cùng vốn tích góp, gia đình đã đấu thầu thuê đất ở xóm 7 để xây dựng các bể ngâm chượp nước mắm, mắm tôm, ký kết hợp đồng tiêu thụ nguyên liệu với các tàu đánh bắt cá để có được cá, tôm tươi ngon nhất”. Không chỉ vậy, cả tổ VV và TK lúc đó như mô hình hợp tác xã thu nhỏ, mọi người đều tận tình, hướng dẫn, chỉ bảo để phát triển sản phẩm làng nghề ngày càng hoàn thiện hơn về chất lượng. Đồng thời, tương trợ giúp đỡ nhau về vốn sản xuất. Đến nay, cơ sở sản xuất nước mắm của ông Lại Văn Quang đã bề thế, khang trang hơn, kho chứa hơn 2.000 tấn; mỗi năm cung ứng và tiêu thụ trên thị trường toàn quốc được hơn 500 tấn mắm tôm, hơn 30 nghìn lít nước mắm. Vốn Agribank cũng không ngừng lớn mạnh song hành với kinh tế gia đình và sự phát triển của làng nghề Ngọc Lâm, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điển hình như hộ các ông Nguyễn Văn Doanh, Trần Văn Bích, Nguyễn Văn Thuân, Vũ Văn Ích, Phạm Văn Khải… Tính đến hết quý 1-2022, toàn xã Nghĩa Hải có 850 khách hàng của Agribank với dư nợ hiện tại là 209 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Thị Liên, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Đông Bình cho biết: “100% khách hàng vay vốn, 98% dư nợ cho vay của Chi nhánh hiện tại đều thông qua tổ vay vốn. Tính đến hết tháng 3-2022, tổng dư nợ cho vay qua tổ VV và TK của Chi nhánh là hơn 881 tỷ đồng với 3.044 khách hàng. Chất lượng tín dụng đảm bảo không có nợ xấu, nợ quá hạn. Vốn Agribank được người dân sử dụng đầu tư vào nuôi trồng, đánh bắt, khai thác thuỷ, hải sản phát triển kinh tế biển hiệu quả, thay đổi bộ mặt kinh tế cho nhiều xã ven biển của Nghĩa Hưng. Trong 2 năm dịch COVID-19 vừa qua, Agribank Chi nhánh Đông Bình cũng luôn đồng hành, sát cánh cùng người dân với 4 đợt hỗ trợ hạ, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ để người dân yên tâm phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Tổng số tiền hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Chi nhánh trong 2 năm qua là hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, mức vay với lãi suất ưu đãi từ thấp nhất 80 triệu đồng đến cao nhất là 3 tỷ đồng giúp người dân dễ dàng lựa chọn các khoản vay phù hợp với kế hoạch đầu tư sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Agribank Chi nhánh Đông Bình luôn tích cực hỗ trợ về thủ tục, chỉ cần 1-2 ngày có thể giải ngân nên người dân rất thuận lợi, nhanh chóng trong tiếp cận nguồn vốn”.
Tính đến 31-3-2022, tổng dư nợ cho vay của Agribank Nam Định qua tổ VV và TK trên toàn tỉnh là 12.037 tỷ 262 triệu đồng; trong đó, dư nợ kênh Hội Nông dân là 8.674 tỷ 601 triệu đồng; Hội Phụ nữ là 327 tỷ 950 triệu đồng; hội khác là 3.034 tỷ 711 triệu đồng. Đến nay, tổng số thành viên của tổ VV và TK là 41.395 thành viên. Tổng số tổ VV và TK là 2.079 tổ. Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ VV và TK luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, ngăn ngừa tiêu cực góp phần hạn chế “tín dụng đen” ở nông thôn. Tổ VV và TK còn là nơi để bà con nông dân gửi gắm niềm tin, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả hơn… Các hộ trong tổ nhóm liên kết giúp đỡ nhau trong sản xuất, sử dụng vốn có hiệu quả để nâng cao thu nhập, tạo tính cộng đồng ngày càng gắn bó, tạo niềm tin của người dân đối với các chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.
Thời gian tới, Agribank chi nhánh tỉnh Nam Định tập trung củng cố tổ chức, hoạt động của tổ VV và TK, nâng cao chất lượng tín dụng. Không ngừng cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, đơn giản hóa thủ tục; đa dạng hoá các kênh dẫn vốn, đồng thời đưa ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn./.
Bài và ảnh: Đức Toàn