Hiện nay, thời tiết âm u, mưa phùn... là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu, bệnh hại lúa. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đang tập trung hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu, bệnh hại, ốc bươu vàng, chuột và bệnh lùn sọc đen, bảo vệ tốt các trà lúa, tạo tiền đề giành vụ lúa xuân thắng lợi.
Nông dân xã Trực Chính (Trực Ninh) chăm sóc lúa xuân. |
Vụ xuân này, anh Phạm Kỳ Phong ở thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản) gieo cấy gần 4,8ha. Anh Phong chia sẻ: Ngay sau Tết Nguyên đán 2022, để bảo đảm khung thời vụ, ngày mùng 5 Tết chúng tôi đã xuống đồng gieo sạ lúa xuân bằng giống Bắc thơm số 7 kháng bạc lá và BC15. Tuy nhiên, thời tiết liên tục xuất hiện không khí lạnh gây rét đậm, rét hại và kèm theo mưa ẩm. Nhiệt độ liên tục dao động từ 13 đến 18oC, có một số ngày nhiệt độ bình quân xuống dưới 11oC, kết hợp có sương muối không thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của mạ và lúa mới sạ, diện tích lúa bị chết tới gần 40%. Theo hướng dẫn của Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản, anh Phong phải gieo sạ lại những khu vực lúa chết nhiều, diện tích chết ít thì cấy dặm. Đồng thời thường xuyên duy trì mực nước nông trong ruộng lúa; không để xảy ra tình trạng nước ngập úng hoặc khô hạn đối với những diện tích lúa gieo sạ; bón thúc kịp thời cho lúa theo nguyên tắc “nặng đầu - nhẹ cuối”. Căn cứ vào thực tế sinh trưởng của lúa xuân, anh tiếp tục bón toàn bộ lượng phân còn lại theo quy trình cho từng nhóm giống lúa. Nhờ đó đến thời điểm này lúa xuân của gia đình anh sinh trưởng, phát triển đồng đều, giàn lúa khỏe…
Theo kế hoạch, vụ xuân năm nay huyện Vụ Bản gieo cấy 8.150ha lúa xuân, trong đó diện tích gieo sạ 7.850ha. Để bảo đảm lúa xuân phát triển tốt, Phòng NN và PTNT huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo Ban Nông nghiệp, các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân tập trung làm cỏ sớm, thu dọn hết cỏ dại; tổ chức bón thúc lần 1 kết hợp làm cỏ sục bùn, giữ mực nước trong ruộng thích hợp để hạn chế cỏ dại phát sinh gây hại. Đối với lúa gieo sạ, sử dụng các loại thuốc nhóm tiền nảy mầm, thuốc có chất an toàn cao để trừ cỏ; khuyến cáo bà con sử dụng thuốc đúng nồng độ và liều lượng hướng dẫn ghi trên bao bì; không tự ý phun tăng liều, chồng lối; không phun thuốc trừ cỏ khi nhiệt độ dưới 150C hay mực nước trong ruộng ngập đỉnh sinh trưởng của lúa. Sau khi phun thuốc giữ mực nước trong ruộng đều từ 1-3cm trong 3-5 ngày để tăng hiệu lực trừ cỏ của thuốc. Đối với ốc bươu vàng, hướng dẫn nông dân tạo các rãnh nhỏ xung quanh ruộng để khi tháo nước tạo lối cho ốc tập trung dồn xuống rãnh, thuận lợi cho việc thu bắt, diệt ốc; cắm que rải rác trong ruộng để ốc leo lên đẻ trứng, sau đó thu trứng và diệt; dùng lưới mắt cáo bằng kim loại, lưới ni-lon có lỗ nhỏ hoặc phên chặn trước cửa ruộng, mương máng, cống dẫn nước vào ruộng... để ngăn ốc từ bên ngoài xâm nhập vào ruộng lúa, đồng thời dễ thu gom diệt ốc. Việc tiêu diệt ốc bươu vàng bằng các biện pháp thủ công cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ.
Thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc chăm sóc cho toàn bộ diện tích lúa xuân; các trà lúa xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt. Đây cũng là thời điểm chuột sinh sản nhanh và mức độ phá hại rất mạnh. Vì vậy các địa phương đang tích cực tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, bờ vùng, bờ thửa, khu vực ven đê, ven đường đi lại và tại các khu dân cư, các khu, cụm công nghiệp và các khu đất trống. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) khuyến cáo, cùng với biện pháp sinh học như phát triển đàn mèo, sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt diệt chuột, các HTX nên thành lập Tổ diệt chuột, sử dụng bả diệt chuột sinh học Biorat và các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, ít độc hại với môi trường như: Antimice 0.006GB, Cat 0.25WP, Broma 0.005AB, Killrat 0.005 Wax block... để diệt chuột. Việc diệt chuột được tiến hành đồng loạt tại các xứ đồng, các tuyến bờ vùng, bờ thửa, khu đất trống, ruộng bỏ hoang, khu nghĩa trang. Đồng thời khuyến cáo bà con sử dụng nilon quây quanh ruộng, vệ sinh, phát quang bờ, bụi rậm nhằm phá nơi cư trú và hạn chế nguồn thức ăn và sự phá hại của chuột.
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay thời tiết có nhiều ngày trời âm u, mưa phùn… là điều kiện thuận lợi phát sinh, phát triển các đối tượng sâu, bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn và lùn sọc đen hại lúa. Vì vậy, các địa phương và bà con nông dân cần chủ động tổ chức thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật, trước mắt cần làm tốt công tác giám sát mật độ rầy, thu thập, giám định virus lùn sọc đen, tập trung diệt chuột và ốc bươu vàng. Cụ thể, kết quả thu thập mẫu, giám định virus lùn sọc đen trên một số mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa ở một số xã như: Liên Bảo (Vụ Bản); Nam Toàn (Nam Trực); thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); Hồng Thuận, Giao Tiến (Giao Thủy); Liêm Hải, Trực Thuận (Trực Ninh)... dương tính với virus lùn sọc đen, do đó vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho lúa xuân. Trước tình hình trên, Sở NN và PTNT đang tích cực điều tra, giám sát sự biến động mật độ rầy lưng trắng tại nơi rầy trú ngụ sống qua đông như: cỏ dại, ruộng bỏ hoang, ngô; điều tra, giám sát biến động mật độ rầy lưng trắng trên lúa xuân; tập trung lấy mẫu rầy ở những địa phương đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen ở vụ trước để giám định virus. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các HTX tổ chức vệ sinh đồng ruộng, diệt cỏ dại; điều tra, giám sát mật độ rầy trên lúa, lấy mẫu rầy để phân tích, giám định virus. Đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Ý Yên cho biết: Để chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ xuân 2022, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống Đài truyền thanh huyện và các xã, thị trấn; phân công cán bộ phối hợp với các HTX nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện giám sát rầy ngay từ đầu vụ; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng quản lý bệnh, phòng trừ rầy lưng trắng cho cán bộ Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cán bộ Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn; xây dựng nội dung tuyên truyền; hướng dẫn quy trình thâm canh lúa xuân trong điều kiện nguy cơ dịch bệnh. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chuyên môn điều tra, phát hiện sớm rầy phát sinh trong vụ mùa di trú sang vụ xuân. Thông báo sớm kết quả điều tra, giám định virus và đề xuất các biện pháp xử lý. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tích cực đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch và báo cáo thường xuyên kết quả triển khai thực hiện của các địa phương về UBND huyện...
Tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh hại lúa ngay từ đầu vụ chính là yếu tố quyết định để đạt năng suất, chất lượng trong vụ lúa xuân năm nay./.
Bài và ảnh: Văn Đại