Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp hiện nay (kỳ 2)

08:04, 13/04/2022

[links()]

(Tiếp theo và hết)

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động rà soát, nhận diện các nguyên nhân, từ đó xác định các phương hướng, giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) đảm bảo thiết thực thời gian tới.

Khu thu gom, xử lý nước thải công nghiệp (Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản).
Khu thu gom, xử lý nước thải công nghiệp (Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản).

II. Giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân tồn tại các bất cập, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh ta là do: Nhu cầu cho công tác BVMT khu vực công cộng rất lớn (như hạ tầng xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt...) nhưng nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế dẫn đến nguồn chi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trong đó, kinh phí dành cho công tác vận hành duy trì các công trình xử lý môi trường

tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề gặp nhiều khó khăn. Hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt cũng đòi hỏi phải chi trả kinh phí rất lớn trong khi việc thu phí từ các hộ dân, cơ quan, tổ chức chỉ đáp ứng cho công tác thu gom rác thải. Để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý, thời gian qua tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn nhưng kết quả gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa đồng bộ các khâu thu gom, vận chuyển, xử lý. Nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm BVMT của người dân, doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất có nơi, có lúc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, các quy định hướng dẫn lựa chọn công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường liên quan còn chưa hoàn thiện. Trong đó, chưa có quy chuẩn về công nghệ, kỹ thuật phù hợp cho việc thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Vấn đề kỹ thuật, công nghệ xử lý nước thải cũng còn khá phức tạp nên nhiều doanh nghiệp đầu tư xử lý không đạt hiệu quả, ảnh hưởng đến chất lượng, kết quả xử lý trước khi thải ra môi trường. Về phía chính quyền địa phương, cơ sở, một số nơi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý (giám sát kiểm tra, phát hiện vi phạm, xử lý…) theo quy định của Luật BVMT và Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 15-7-2017 của UBND tỉnh quy định trách nhiệm về BVMT trên địa bàn tỉnh. Về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch chưa được nhiều do hạn chế về nhân lực, kinh phí cũng như quy định về việc không thanh tra, kiểm tra 1 doanh nghiệp quá 1 lần trong năm, việc kiểm tra phải thông báo trước cho doanh nghiệp (đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thực hiện một cách đối phó) nên chưa phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm quy định BVMT. Việc phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Hơn nữa, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên năm 2021 không tiến hành kiểm tra được theo kế hoạch đã phê duyệt.

Từ các nguyên nhân đã được chỉ ra, tỉnh xác định phương hướng trong thời gian tới: tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 29-4-2021 của UBND tỉnh về tổ chức triển khai thi hành Luật BVMT 2020; đồng thời gia tăng đồng bộ các giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một diễn biến phức tạp. Trong đó, tỉnh đề xuất Bộ Chính trị nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết 41/2004/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 15-11-2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để tăng tỷ lệ chi kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm, mức chi 1% như hiện nay là thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn cụ thể đối với các nhiệm vụ liên quan đến quản lý chất thải rắn như: phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, quy định định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp và kịp thời với quy định của Luật BVMT 2020 để các địa phương có căn cứ triển khai thực hiện; nghiên cứu ban hành hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải tại chỗ (quy mô hộ gia đình)... Về phía tỉnh, sẽ tích cực hoàn thiện các thể chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT theo hướng đơn giản, không chồng chéo; sửa đổi Quyết định số 12/2017/QĐ-UBND ngày 15-5-2017 của UBND tỉnh về quy định trách nhiệm BVMT trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Luật BVMT 2020.

Tỉnh sẽ quan tâm bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ về BVMT theo đề xuất của ngành Tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện. Tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư của các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Tích cực huy động nguồn lực tài chính, đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, chú trọng xã hội hóa nhằm phát huy tối đa mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN, làng nghề, xây dựng các khu xử lý rác thải quy mô liên huyện. Ngành Tài nguyên và Môi trường, các địa phương khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và xử lý dứt điểm tình trạng chồng chéo, vướng mắc, phân tán trong phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước, tập trung đầu mối quản lý Nhà nước về BVMT; tăng cường nâng cao trình độ, năng lực về quản lý BVMT cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và cán bộ chuyên môn các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra về BVMT trên địa bàn tỉnh theo hướng thích ứng linh hoạt với đại dịch COVID-19, chú trọng kiểm soát việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT tại các khu, CCN, làng nghề và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nhiều chất thải trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sau khi dự án được phê duyệt, báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT đi vào hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết đảm bảo 100% các khu, CCN xây dựng mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn theo quy định của Luật BVMT; không cấp phép các dự án đầu tư thứ cấp mới vào các dự án vào KCN, CCN chưa có hạ tầng về BVMT theo quy định. Để giải quyết bất cập trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn và bố trí quỹ đất quy hoạch các khu xử lý rác thải tập trung quy mô liên huyện. Đồng thời tập trung hỗ trợ Công ty TNHH Greenity Nam Định đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu xử lý rác thải tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) theo Quyết định số 563/QĐ-UBND ngày 1-4-2022. Cụ thể, chậm nhất đến 20-5-2022 sẽ khởi công để bảo đảm trong năm 2023 đưa Khu xử lý rác thải (công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư 1.437,039 tỷ đồng) vào hoạt động, tiếp nhận xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại, chưa qua phân loại. Dự kiến, khi đưa vào hoạt động, Khu xử lý rác thải sẽ xử lý 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm, góp phần xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Nam Định và các huyện lân cận.

Về lâu dài, các ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao kiến thức về  BVMT cho cộng đồng. Bản thân các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân cần tự giác, nâng cao ý thức, chủ động chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về BVMT, góp phần cùng các cấp chính quyền, ngành chức năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, xử lý bất cập, xóa bỏ tình trạng ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu về BVMT trong giai đoạn phát triển mới./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com