Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp hiện nay (kỳ 1)

07:04, 11/04/2022

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ môi trường (BVMT) đã được các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường, tạo chuyển biến mạnh trong nhận thức và hành động của người dân, nhất là việc chấp hành quy định BVMT tại các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên những tồn tại cũ để lại và dưới sức ép của phát triển kinh tế, dân sinh hiện đại, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đang vẫn hết sức phức tạp.

Tái chế sản phẩm nhôm đúc là ngành nghề gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tại xã Hải Vân (Hải Hậu).
Tái chế sản phẩm nhôm đúc là ngành nghề gây nguy cơ ô nhiễm môi trường tại xã Hải Vân (Hải Hậu).

I. Ô nhiễm môi trường ngày càng diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của UBND tỉnh, diễn biến ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, chủ yếu ở các khu vực gồm: các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề, khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, công tác xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều bất cập.

Hiện nay mới có 2/3 KCN và có 9/19 CCN có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải tập trung. KCN Mỹ Trung hiện đang xúc tiến thay đổi chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên mới chỉ đầu tư xây dựng một phần hệ thống thu gom nước mưa, nước thải của KCN; chưa đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung theo quy hoạch. Do vậy hiện nay toàn bộ nước mưa và nước thải (khoảng 8.500 m3/ngày.đêm) của các doanh nghiệp trong KCN một phần là tự thấm, một phần cho chảy ra mương hở phía bắc để thoát ra kênh T9. Phần lớn các CCN huyện, thành phố không được đầu tư đồng bộ về công trình hạ tầng kỹ thuật BVMT. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường không khí tại các CCN trên địa bàn tỉnh năm 2021 cho thấy hầu hết tại các vị trí được quan trắc tuy chưa có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số bụi lơ lửng, CO, SO2, NO2, nhưng tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép (QCVN26:2010/BTNMT) tại một số CCN làng nghề cơ khí, đồ gỗ nhưng ở mức thấp dưới 1,04 lần; ngoài ra các thông số COD, BOD5, độ màu, Coliform còn vượt quy chuẩn cho phép ở mức thấp. Riêng kết quả quan trắc mẫu nước thải tại cửa xả của hồ sinh học sau hệ thống xử lý nước thải của Trạm xử lý nước thải CCN An Xá, điểm trước khi thải ra kênh tưới tiêu T3-3A sau đó chảy ra sông Vĩnh Giang có 08/22 thông số vượt quy chuẩn cho phép QCVN40:2011/BTNMT (A) từ 1,1 đến dưới 5 lần. Toàn tỉnh có 142 làng nghề với nhiều loại hình sản xuất đa dạng và phong phú. Các hộ sản xuất tại làng nghề thường nằm lẫn trong khu dân cư, quy mô sản xuất nhỏ, diện tích chật hẹp, manh mún, hoạt động không thường xuyên, có tính chất thời vụ nên chưa thực sự chủ động đầu tư kinh phí cho xử lý môi trường, ý thức trách nhiệm về BVMT còn hạn chế. Hiện nay mới có 91/142 làng nghề đã được phê duyệt phương án BVMT làng nghề theo quy định. Hầu hết các làng nghề chưa có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về BVMT. Tất cả các làng nghề đều chưa có khu xử lý chất thải rắn công nghiệp riêng, vẫn đang thu gom, xử lý tại khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã. Chỉ có làng nghề Bình Yên (Nam Trực) được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung từ Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề (nay là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); làng nghề Vân Chàng (Nam Trực) được đầu tư hệ thống thu gom, xử lý sơ bộ nước thải do Dự án hợp tác về Quản lý chất thải nguy hại giữa Việt Nam và Thụy Sỹ tài trợ. Các làng nghề còn lại vẫn đang thu gom chung nước thải sản xuất với nước mưa và nước thải sinh hoạt của các hộ dân. Theo kết quả quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh năm 2021, nước thải của các làng nghề có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số COD, BOD5, Coliform, Amoni, tổng Nitơ, tổng P, Sunfua, độ màu, SS. Đáng kể, nước thải sản xuất tại các làng nghề hoạt động trong lĩnh vực tái chế kim loại như: Bình Yên xã Nam Thanh, Vân Chàng, Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực), Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên) một phần được quay vòng, một phần chưa qua xử lý thải thẳng ra kênh, mương thoát nước của địa phương, gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ, mây tre đan như Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên), dệt nhuộm Cổ Chất, xã Phương Định (Trực Ninh)... phát sinh nước thải sản xuất gây ô nhiễm cục bộ lưu vực sông nội đồng chảy qua làng nghề. Môi trường không khí tại một số khu vực làng nghề bị ô nhiễm cục bộ gồm: làng nghề Bình Yên (xã Nam Thanh); làng nghề Tống Xá (thị trấn Lâm) đúc đồng phát sinh khí thải từ lò nấu luyện kim loại; làng nghề cơ khí Vân Chàng (thị trấn Nam Giang); làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn (xã Nam Mỹ). Các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng sức khoẻ của người lao động và cư dân trong các làng nghề đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Tại các làng nghề chế biến lương thực, mây tre đan, chế biến gỗ, tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da, mắt hột, phụ khoa tăng. Tại các làng nghề cơ khí, đúc, sản xuất vật liệu xây dựng, người mắc bệnh lao phổi, viêm phế quản cao. Ở các làng nghề có tiếng ồn lớn như cơ khí, mộc nhiều người mắc các bệnh về thần kinh, não, giảm tuổi thọ.

Theo số liệu báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính tổng lượng chất thải rắn phát sinh từ hoạt động chăn nuôi khoảng 4.000 tấn/ngày; tổng lượng nước thải chăn nuôi phát sinh khoảng 27.918 m3/ngày. Toàn tỉnh mới có khoảng 30% cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi thuộc một số xã đã được hỗ trợ xử lý chất thải thông qua các dự án về thu gom, tái sử dụng khí sinh học, chất thải rắn, lỏng từ các trại chăn nuôi bằng hệ thống hầm biogas. Tuy nhiên công nghệ biogas tiêu hao quá nhiều nước, vi khuẩn gây bệnh lẫn trong chất thải chưa được khống chế hiệu quả, gây nguy cơ cao về bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là đối với chăn nuôi lợn. Tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi chưa có hầm biogas còn cao, vì vậy trong bối cảnh tiếp tục phát triển đàn vật nuôi sẽ kéo theo gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường bởi 3 loại chất thải chăn nuôi chính gồm: chất thải rắn (phân, thức ăn, xác gia súc, gia cầm chết); chất thải lỏng (nước tiểu, nước rửa chuồng, nước dùng để tắm gia súc) và khí thải (CO2, NH3...). Ngoài ra, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chôn lấp và khử trùng tiêu độc; nếu công tác này không đảm bảo kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí. Công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là ở khu vực nông thôn dù đã được thường xuyên duy trì, tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người dân xả rác bừa bãi ra các khu vực công cộng, xuống lòng sông, kênh mương. Việc xử lý rác thải sinh hoạt thực hiện dưới hình thức chôn lấp bằng các bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc đốt bằng lò đốt nhưng đến nay các công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của các xã, thị trấn đã xuống cấp. Công tác quy hoạch, lựa chọn điểm xử lý rác thải tập trung của các địa phương rất khó khăn, không đảm bảo khoảng cách theo quy chuẩn và không nhận được sự đồng thuận của người dân. Đây là vấn đề cần được quan tâm và giải quyết một cách kịp thời bởi lượng rác thải sinh hoạt không được thu gom, xử lý đúng kỹ thuật sẽ là nguyên nhân gây bệnh cho con người.

Thực trạng kể trên đặt ra yêu cầu cấp bách cho các cấp chính quyền, ngành chức năng phải đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, BVMT trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

(còn nữa)
Bài và ảnh:
Thanh thúy

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com