Trong bối cảnh hội nhập, việc xây dựng thương hiệu càng được các doanh nghiệp nỗ lực thực hiện bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Để khuyến khích các nhà sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ xây dựng thương hiệu, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tạo dựng được nhiều thương hiệu giá trị được ưa chuộng trên thị trường trong nước và khu vực.
Sản xuất siro ho tại Công ty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá), đơn vị đạt Giải Vàng Chất lượng quốc gia năm 2020. |
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Trên địa bàn tỉnh đa phần là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nhưng luôn nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó các Công ty như: TNHH Nam Dược, Cổ phần Dược phẩm Nam Hà, Cổ phần May Nam Hà, TNHH Cơ khí Đình Mộc… liên tục ghi danh tại các giải thưởng về thương hiệu lớn toàn quốc trong nhiều năm liền. Trong các năm 2020, 2021, các giải thưởng thương hiệu quốc gia có uy tín như: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Giải thưởng Chất lượng quốc gia” tiếp tục ghi danh các doanh nghiệp của tỉnh như: Công ty TNHH một thành viên Minh Dương, Công ty Cổ phần Dược phẩm PQA, Công ty Cổ phần Dược phẩm Minh Dân… góp phần quan trọng thiết lập vị thế mới cho doanh nghiệp ở thị trường trong nước và các thị trường xuất khẩu “khó tính” như khối EU, Nhật Bản. Đặc biệt, với việc tham gia giải thưởng các doanh nghiệp không nhắm tới mục tiêu giành giải, mà là có cơ hội tự đánh giá, cải tiến lại hoạt động sản xuất, kinh doanh với sự tham vấn, góp ý khuyến nghị từ các chuyên gia để hoàn thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp, thương hiệu theo các mô hình chuẩn, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định) là doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tiên của tỉnh tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2021. Bắt đầu từ mong muốn nâng tầm nông sản địa phương với quy mô một xưởng sản xuất nhỏ tại thành phố Nam Định, Công ty đã không ngừng phấn đấu hoàn thiện từ khâu sản xuất nguyên liệu, tìm kiếm công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và quản trị doanh nghiệp để tối ưu hóa sản xuất. Tích cực tham gia các dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp quốc gia để tranh thủ sự hỗ trợ về công nghệ hiện đại nâng chất lượng sản phẩm. Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, HACCP Codex và hệ thống bảo quản trữ đông hiện đại không sử dụng chất bảo quản. Do đó, mặc dù ra đời khá muộn so với các tập đoàn lớn trong lĩnh vực chế biến nông sản toàn quốc nhưng Minh Dương lại đi đầu trong việc đưa sản phẩm ngô nếp tươi sấy ra thị trường với công nghệ sấy chân không độc đáo, vừa giữ nguyên hương vị của ngô nếp truyền thống, lại giòn, xốp mà không phải sử dụng đến dầu ăn hay hóa chất chiên rán. Ngoài ngô nếp, Công ty còn thành công với các sản phẩm khoai lang sấy, khoai tây sấy, chuối, mít sấy… đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, giá thành hợp lý. Hiện tại, các sản phẩm chế biến từ khoai tây như khoai tây lắc vị phô mai, khoai tây sấy của Minh Dương đã được tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn như: Vinmart+, Circle K và hệ thống 60 nhà phân phối trên toàn quốc. Ông Nguyễn Văn Thủy, Giám đốc Công ty cho biết: Tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia, với Công ty không đơn giản chỉ là hình thức tôn vinh một thành tựu mà còn giúp chúng tôi đổi mới toàn diện phương pháp hoạt động của mình thông qua việc đầu tư củng cố, cải tiến nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế trong hoạt động sản xuất kinh doanh và nhận thức tốt hơn về trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội. Thành công của Công ty TNHH Minh Dương đã góp phần cùng hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản trên toàn tỉnh đang không ngừng xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản Nam Định trên thị trường. Trong đó, nhiều thương hiệu nông sản lớn của tỉnh đã thâm nhập và có chỗ đứng tại các thị trường xuất khẩu “khó tính” khối EU, Nhật Bản… như: Gạo sạch Toản Xuân (Công ty TNHH Toản Xuân); muối NADISALT (Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định); ngao (Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam); tép moi (Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương); kẹo Sìu châu (Công ty TNHH Kim Thành Hoa). Nét mới trong xây dựng, phát triển thương hiệu hiện nay là ngoài những doanh nghiệp lớn, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng tích cực tham gia từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong năm 2021, Nông trại Cờ đỏ xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) chuyên sản xuất lúa chất lượng cao và cơ sở sản xuất giấm mơ trà xanh truyền thống ở làng Bách Cốc, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đã đạt giải Nhất và giải Ba khi tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.
Lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương
Trong hành trình xây dựng thương hiệu, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, các ngành chức năng, các cấp chính quyền đã tích cực đồng hành, thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép nhiều chương trình để hỗ trợ tạo đà cho doanh nghiệp đạt kết quả tích cực trong xây dựng thương hiệu. UBND tỉnh đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, tận dụng tốt cơ hội thu hút đầu tư mới; các ngành, các địa phương tập trung khai thác các chương trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo tiêu chí riêng của ngành mình, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng phát triển thương hiệu. Trong đó, ngành Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; nhân rộng mô hình khuyến công, xúc tiến thương mại và tham gia Giải thưởng Thương hiệu quốc gia. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc chỉ đạo, tổ chức triển khai áp dụng hàng loạt quy trình sản xuất an toàn, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia và Giải thưởng Chất lượng quốc tế; hỗ trợ thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn hàng hoá, công bố hợp chuẩn, hợp quy, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo lập và phát triển cho nhãn hiệu tập thể. Đáng kể, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có 135 cơ sở được hướng dẫn thực hiện Công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố hợp chuẩn, hợp quy bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận chỉ dẫn địa lý, áp dụng chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến VietGAP, HACCP cho 733 sản phẩm hàng hoá.
Sự nỗ lực của các doanh nghiệp, những giải pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của các ngành chức năng, các địa phương đang từng bước phát huy hiệu quả, thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần vào phát triển kinh tế chung của tỉnh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương