Mới đây, ngày 9-3-2021, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money - dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ trong vòng 2 năm.
Cán bộ Viettel Nam Định hướng dẫn người dân quét mã QRCode thanh toán cước viễn thông bằng ứng dụng Viettel Money trên điện thoại thông minh. |
Theo cơ quan chuyên môn, việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Đây sẽ là nền tảng để tiến đến mục tiêu “Công dân số” và “Xã hội số” khi mật độ điện thoại di động đã phổ cập đến người dân trong suốt thời gian qua. Với hai đặc điểm chính là tính phổ cập và thanh toán giá trị nhỏ, Mobile Money sẽ góp phần cùng hệ thống ngân hàng và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác cung ứng đầy đủ các phương tiện thanh toán cho người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu của mình.
Là 1 trong 2 doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile Money sớm nhất trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đức Châu, Giám đốc Viettel Nam Định - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết: Với sứ mệnh chủ lực tiên phong kiến tạo “xã hội số”, Viettel Nam Định nhận thấy đây là thách thức không nhỏ; toàn bộ hệ thống xác định phải vào cuộc với nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thay đổi thói quen của người dân trong tiêu dùng hàng ngày. Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Viettel Nam Định đã chủ động, từng bước giới thiệu dịch vụ theo từng nhóm người dùng khác nhau, cá nhân hóa theo từng nhu cầu của người dùng như thanh toán học phí, chi trả bảo hiểm xã hội, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước... Từ đó, từng bước lan tỏa dịch vụ này tới người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Viettel Nam Định đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng dẫn tới người dân qua nhiều phương tiện: từ việc trang bị hình ảnh truyền thông tại các cửa ngõ giao thông, các địa điểm du lịch, giao thương của tỉnh, cho đến phối hợp thông tin trên các kênh báo chí, truyền thông và mạng xã hội (Facebook, Zalo…). Cùng với đó, thông qua hệ thống cửa hàng, siêu thị, điểm giao dịch rộng khắp trên địa bàn tỉnh, Viettel Nam Định luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn giúp cho người dân có thể dễ dàng đăng ký và trải nghiệm dịch vụ.
Hiện tại, hệ sinh thái thương mại, tài chính số Viettel Money đã và đang được Tập đoàn Viettel đầu tư nâng cấp hoàn thiện hơn, giúp người dùng thực hiện mọi giao dịch chuyển tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng chỉ với số điện thoại. Người dân có thể sử dụng Viettel Money mọi lúc, mọi nơi với hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu, ngay cả khi không có smartphone, tài khoản ngân hàng hay kết nối internet. Với Viettel Money, chỉ cần số điện thoại, người dùng có thể chuyển tiền cho người khác và chuyển tiền tới mọi ngân hàng trên cả nước để chi trả các loại hóa đơn gia đình hàng tháng như tiền điện, tiền nước, truyền hình, internet, mua vé tàu xe, máy bay, đặt phòng khách sạn… và hàng trăm các tiện ích mua sắm tiện lợi khác. Không dừng ở các tiện ích trên môi trường số, người dùng Viettel Money còn có thể mua bán không tiền mặt bằng cách quét mã QR tại hệ thống điểm chấp nhận thanh toán của Viettel, và các đối tác do Viettel kết nối khắp 63 tỉnh, thành phố, với đa dạng ngành hàng từ ăn uống đến thời trang, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp. Ngoài ra, khách hàng có thể nạp/rút tiền mặt dễ dàng tại hơn 100 nghìn điểm giao dịch hoạt động 8- 20 giờ từ thứ 2 tới chủ nhật, xuyên suốt lễ, tết. Và khi có nhu cầu trải nghiệm các dịch vụ tài chính cao cấp hơn, người dùng có thể sử dụng tiện ích như gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng với thao tác rất đơn giản cùng mức lãi suất hấp dẫn trên ứng dụng Viettel Money. Hiện tại, Viettel Nam Định đang triển khai thí điểm hệ sinh thái “chợ 4.0” tại chợ Rồng (thành phố Nam Định). Bước đầu, năm 2022, Viettel Nam Định đặt mục tiêu phát triển 150 điểm kinh doanh sử dụng quét mã QRCode thanh toán không tiền mặt trên tổng số hơn 400 điểm kinh doanh hiện có tại chợ Rồng. Qua đó, phát triển hệ sinh thái “chợ 4.0” giúp người dân tiếp cận được đa chiều tính năng sản phẩm của Viettel cho việc mua sắm hàng hóa dịch vụ; thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng thanh toán không tiền mặt trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh. Tính đến hết tháng 3-2022, Viettel Nam Định đã phát triển được hơn 43 nghìn thuê bao phát sinh giao dịch trên ứng dụng Viettel Money.
Trước những lo ngại về bảo mật của người dân đối với Mobile Money, ông Châu cho biết thêm: Viettel Money là một sản phẩm thuần Việt, do Viettel làm chủ về công nghệ, với lợi thế về an ninh mạng, không gian mạng, Viettel đã áp dụng công nghệ bảo mật thông tin ở mức độ cao nhất đảm bảo kiểm soát an toàn thông tin cho mọi khách hàng sử dụng dịch vụ. Công nghệ tự động nhận diện ra các giao dịch, thuê bao bất thường để kịp thời ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng. Với kinh nghiệm triển khai Viettel Pay, đội ngũ quản trị rủi ro của Viettel thực hiện theo dõi 24/24h về chất lượng sản phẩm, đảm bảo khách hàng sẽ không gặp rủi ro tài chính khi giao dịch. Vì thế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm giao dịch an toàn, thuận tiện với độ chính xác, minh bạch và bảo mật cao nhất.
Có thể thấy, với tiện ích phong phú, cùng ưu điểm nhanh, dễ dàng, an toàn, tiện lợi, Viettel Money đang từng bước góp phần “Kiến tạo cuộc sống mới” thông minh và hiện đại hơn cho mọi người dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua Viettel Money, Chi nhánh mong muốn sẽ thay đổi thói quen của người dân từ phương thức thanh toán bằng tiền mặt truyền thống sang mua bán và giao dịch không sử dụng tiền mặt. Đây còn là nền tảng cho sự bùng nổ của thanh toán số, hiện thực hóa nền tài chính số toàn diện, và rộng hơn là “kích hoạt” nền kinh tế số, cuộc sống số trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương, định hướng của Chính phủ trong tương lai gần. Đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới, việc mở ra những cơ hội giao thương, kinh tế mới trên nền tảng số cho người dân được coi là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất. Do đó, Viettel Money sẽ tạo góp phần đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế, tài chính, xóa nhòa khoảng cách về địa lý lẫn công nghệ để người dân từ thành thị đến nông thôn đều có thể dễ dàng kết nối, thực hiện trao đổi, mua bán hàng hóa chỉ với số điện thoại./.
Bài và ảnh: Đức Toàn