Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện công tác quy hoạch

08:03, 31/03/2022

Thời gian qua, Sở Xây dựng đã thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý Nhà nước về các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định của pháp luật... Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, cấp ngành, địa phương, cộng đồng người dân, các quy hoạch quan trọng của tỉnh đã được lập và hoàn thành góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Thi công khu đô thị mới nam sông Đào (thành phố Nam Định).
Thi công khu đô thị mới nam sông Đào (thành phố Nam Định).

Đồng chí Vũ Văn Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Điểm nhấn trong công tác quy hoạch của tỉnh Nam Định kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành là các văn bản chỉ đạo điều hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, là cơ sở để tiến hành công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, là căn cứ để xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, thu hút đầu tư... Quy hoạch đô thị đã góp phần hình thành diện mạo mới cho thành phố Nam Định và các thị trấn, xác định những chỉ tiêu về không gian kiến trúc làm cơ sở cho việc thực hiện các dự án có sử dụng đất, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải tạo chỉnh trang đô thị, xây dựng các khu đô thị mới, giúp quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất xây dựng đô thị. Ngoài thành phố Nam Định là đô thị loại I, tỉnh ta có 16 đô thị khác bao gồm 1 đô thị loại IV (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) và 15 đô thị loại V là các thị trấn thuộc địa bàn các huyện. Toàn bộ các thị trấn đều đã được lập quy hoạch chung và phê duyệt theo quy định. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh đã có 6 thị trấn được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch. Đối với các đô thị mới, đã có Quy hoạch chung đô thị mới thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến (Ý Yên) đến năm 2035 đã được HĐND tỉnh thông qua; UBND tỉnh phê duyệt năm 2019. Theo định hướng tại Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được phê duyệt, UBND huyện Giao Thủy và Sở Xây dựng đang trong quá trình tham mưu UBND tỉnh lập Quy hoạch chung đô thị mới Đại Đồng thuộc huyện Giao Thủy, đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực. Quy hoạch nông thôn đóng vai trò định hướng phát triển khu vực nông thôn theo mô hình nông thôn mới, tạo bộ mặt nông thôn khởi sắc, giúp nghiên cứu và đưa vào khai thác sử dụng quỹ đất hợp lý, có định hướng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch xây dựng xã là tiêu chí quan trọng để tiến hành việc đánh giá, công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới, là cơ sở để tỉnh Nam Định được Trung ương công nhận hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Để đáp ứng yêu cầu quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn, cấp giấy phép xây dựng… Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã phê duyệt trước đây, bố trí ngân sách địa phương tổ chức thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn đến năm 2030. Căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đang thực hiện đồng loạt việc lập quy hoạch chung xây dựng xã, với tiến độ hoàn thành lập và phê duyệt quy hoạch trong năm 2022 theo yêu cầu của UBND tỉnh… Bên cạnh đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng được Sở Xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nói chung và về kiến trúc quy hoạch nói riêng đã tương đối đầy đủ, tạo hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng và triển khai các hoạt động trong lĩnh vực quản lý kiến trúc quy hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý Nhà nước về quy hoạch trên địa bàn tỉnh còn gặp một số tồn tại, hạn chế như: Quy định về ký hiệu bản vẽ, phân loại đối với các loại đất trong đồ án quy hoạch xây dựng đang được thực hiện theo Thông tư 12/2016/TT-BXD ngày 29-6-2016 của Bộ Xây dựng. Trong khi đó, quy định về ký hiệu, phân loại các loại đất trong bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại được Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại các Thông tư số: 28/2014/TT-BTNMT và 29/2014/TT-BTNMT ngày 2-6-2014. Việc ký hiệu và phân loại đất của 2 Thông tư trên khác nhau, dẫn đến khó khăn trong việc đồng bộ 2 loại quy hoạch. Do vậy cần có quy định chung thống nhất hai hệ thống ký hiệu, phân loại đất để thuận tiện trong công tác quản lý. Để thuận lợi trong việc thực hiện quy định về lấy ý kiến, đặc biệt là lấy ý kiến cộng đồng dân cư về các quy hoạch, đề xuất cần có hướng dẫn, quy định rõ về thời điểm, đối tượng lấy ý kiến, hình thức cụ thể, nguyên tắc xử lý đối với các ý kiến góp ý (theo tỷ lệ %, hay theo tính hợp lý…). Riêng đối với nhiệm vụ quy hoạch đề nghị không lấy ý kiến cộng đồng dân cư nhằm rút ngắn thời gian lập (lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với quy hoạch xây dựng là 40 ngày, quy hoạch đô thị là 30 ngày). Đối với việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch đô thị có quy định “tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực điều chỉnh quy hoạch và các khu vực xung quanh có ảnh hưởng trực tiếp”. Để thực hiện quy định này cần có hướng dẫn cụ thể việc “xin ý kiến cộng đồng dân cư” điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị có khác với việc “lấy ý kiến cộng đồng dân cư” lập quy hoạch không; nếu có thì cần hướng dẫn cụ thể việc “xin ý kiến cộng đồng dân cư”. Đối với trình tự đầu tư thực hiện đồ án quy hoạch, hiện nay theo quy định về lựa chọn nhà thầu và các thủ tục khác có liên quan thì sau khi chủ đầu tư trình nhiệm vụ, phương án và dự toán lập quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới thực hiện việc lựa chọn nhà thầu. Trên thực tế các đơn vị tư vấn tham gia lập nhiệm vụ, phương án, dự toán quy hoạch với vai trò giúp chủ đầu tư và phải chờ đợi kết quả phê duyệt việc lựa chọn nhà thầu lúc đó mới đủ cơ sở pháp lý để ký kết hợp đồng thực hiện. Đề xuất cần có quy định cụ thể theo hướng đơn giản hoá bước lựa chọn đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ quy hoạch. Theo quy định tại Luật Quy hoạch đô thị; Luật Xây dựng thì Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đã có nhiều tổ chức đề nghị được tài trợ kinh phí lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên trình tự tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ lập quy hoạch chưa được quy định cụ thể, do đó khi triển khai còn có lúng túng. Vì vậy cần có hướng dẫn cụ thể về trình tự tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí tài trợ lập quy hoạch.

Để công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch được thuận lợi, cần có sự quan tâm, hướng dẫn, hoàn thiện thêm các quy định của các cơ quan Trung ương có thẩm quyền; cùng với việc nghiên cứu, áp dụng các quy định tại luật, nghị định, thông tư, văn bản chỉ đạo của các cơ quan tại địa phương, các đơn vị liên quan, các hội nghề nghiệp, đơn vị tư vấn; đồng thời là sự phối hợp của người dân trong quá trình lập, tham gia ý kiến về quy hoạch, giám sát thực hiện quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch, nhằm đạt được mục tiêu của quy hoạch là tổ chức tối ưu không gian của đô thị, nông thôn và các khu chức năng; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng miền, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com