Gian nan hành trình đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng

07:03, 31/03/2022

Tiêu dùng thực phẩm an toàn là nhu cầu tất yếu của người dân. Để có thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, việc liên kết thành chuỗi khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” đã được người sản xuất, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên hành trình đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng còn khá gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng trong việc “tuyên chiến, nói không với thực phẩm bẩn.

Chăm sóc gà đẻ theo công nghệ khép kín tại Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực) (ảnh 1); Một cửa hàng thực phẩm an toàn của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định (ảnh 2).
Chăm sóc gà đẻ theo công nghệ khép kín tại Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực).

Trang trại Nhiên An, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) kiên trì với mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn thuận tự nhiên từ gần 10 năm trước. Sản phẩm chính của trang trại là cá trắm đen, gà, vịt, rau quả bốn mùa. Bắt tay vào sản xuất với chiến lược kinh doanh xây dựng thương hiệu cá trắm đen Mỹ Hà, trang trại đã áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, sử dụng thức ăn vi sinh từ bã rượu, ngô, cám gạo, đậu tương và các loại rau quả vườn nhà. Tương ứng với đó là thời gian nuôi đến lúc xuất bán cũng kéo dài tới 3 năm thay cho quy trình 1 năm như nuôi theo phương thức công nghiệp. Cá sau khi đến kỳ thu hoạch sẽ được đánh bắt từ ao nuôi lên bể nuôi thêm khoảng nửa tháng để cá thải hết thức ăn, tạp khuẩn và thịt săn chắc hơn. Anh Trần Văn Khoa, chủ trang trại cho biết: Áp dụng quy trình nuôi này cá trắm đen của trang trại luôn đạt trọng lượng trên dưới 10kg/con, đặc biệt thịt chắc, dai, đậm ngọt và không tanh, hôi như cá nuôi ngắn ngày bằng thức ăn công nghiệp. Sản phẩm chất lượng cao nhưng những năm đầu đưa ra thị trường vẫn không cạnh tranh được so với cá cùng loại bởi giá thành cao. Không nản lòng, anh tiếp tục theo đuổi quy trình nuôi hữu cơ, thuận tự nhiên và chế biến cá thành nhiều món ăn như ruốc cá trắm đen, cá nướng chậm, cá kho nhừ… Tất cả công đoạn chế biến đều được kiểm soát theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng phụ gia hóa học. Chẳng hạn, đối với sản phẩm cá chế biến sẵn, khâu sơ chế cá được trang trại dùng rượu, muối trắng, gừng, chanh, sả… để khử tanh và sử dụng rơm, trấu, bã mía làm chất đốt nướng cá. Để đưa sản phẩm cá trắm đen chế biến sẵn đến tay người tiêu dùng, trang trại đã đảm nhiệm từ khâu nuôi đến chế biến, đóng gói, trực tiếp vận chuyển cho khách nhằm tiết kiệm chi phí. Trang trại cũng chú trọng thăm dò tâm lý, phản hồi của khách để hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn. Năm 2021, sản phẩm ruốc cá trắm đen của trang trại được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Như vậy sau gần 10 năm kiên trì, nỗ lực đưa thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng của trang trại đã thành công, sản phẩm đã định vị được trên thị trường. Hiện tại sản phẩm ruốc cá trắm đen của trang trại đã được người tiêu dùng trên thị trường toàn quốc chấp nhận và tham gia vào các kênh tiêu thụ hiện đại. Tương tự như sản phẩm ruốc cá trắm đen, trứng gà Tamago của Công ty TNHH Tamago xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) ra mắt thị trường sau 2 năm bắt tay vào xây dựng trang trại, sản xuất thử nghiệm với sự hỗ trợ của các chuyên gia thực phẩm Nhật Bản. Vạn sự khởi đầu nan, khởi nghiệp từ năm 2013, đến năm 2015 sản phẩm mới bắt đầu được đưa ra thị trường và đến năm 2017 trang trại lại phải thay đổi quy trình sản xuất để có sản phẩm ưu việt nhất. Ban đầu trang trại nhập gà mái trưởng thành về nuôi để thu hoạch trứng, tuy nhiên quá trình nuôi không mang lại kết quả như mong đợi nên phải chuyển sang nhập gà con về nuôi để tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng con giống và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho ra đời những quả trứng đạt chất lượng. Quy trình chăn nuôi của trang trại hoàn toàn khép kín, từ khâu cho ăn, xử lý vệ sinh, không khí, bảo quản trứng… Đặc biệt, khu chăn nuôi gà đẻ có hệ thống cảm biến nhiệt độ, lọc gió, gạt phân, đẩy trứng, dữ liệu thường xuyên được cập nhật, lập trình trên máy tính nhằm duy trì, kiểm soát theo đúng quy định. Hệ thống khử mùi được đầu tư khá công phu với tháp hút cao bằng tôn, nhằm hạn chế tối đa phát tán mùi ra xung quanh, giữ gìn vệ sinh môi trường. Trứng gà được vệ sinh sạch sẽ đúng cách, xếp trong vỉ nhựa chuyên dụng hoặc hộp đựng dán nhãn mác trước khi đưa đi tiêu thụ. Hiện tại sản lượng trứng gà đạt khoảng 4.000 quả/ngày, được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng lâm sản và thủy sản) cấp giấy chứng nhận VietGap; nhận Cúp vàng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng do Agriculture Brand Việt Nam trao tặng. Thị trường tiêu thụ trứng gà chủ yếu là chuỗi nhà hàng Nhật Bản tại Hà Nội và siêu thị, hệ thống cửa hàng thực phẩm an toàn trên địa bàn với giá bán cao hơn nhiều lần so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Chấp nhận vất vả, kiên trì với mục tiêu sản xuất sạch và đầu tư không lợi nhuận trong một thời gian dài để đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng là mẫu số chung mà tất cả những cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vượt qua. 

Chăm sóc gà đẻ theo công nghệ khép kín tại Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, xã Nam Hùng (Nam Trực) (ảnh 1); Một cửa hàng thực phẩm an toàn của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định (ảnh 2).
Một cửa hàng thực phẩm an toàn của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn, 1 chỉ dẫn địa lý, 3 nhãn hiệu tập thể được chứng nhận bảo hộ; 35 cơ sở đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền; trên 400 sản phẩm đăng ký mã số, mã vạch nhận diện; 130 doanh nghiệp ứng dụng tem QR Code truy xuất nguồn gốc với trên 300 loại sản phẩm. Hiện có 210 sản phẩm được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP là các sản phẩm truyền thống và có thế mạnh như: lúa gạo, thủy sản, rau, củ, quả. Ngoài ra, tham gia vào hành trình đưa thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng còn có sự tham gia của các siêu thị Go!, Coop.mart; chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart và khoảng 60 cửa hàng thực phẩm sạch của Hiệp hội Nông nghiệp sạch Nam Định; cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP các địa phương và nhiều cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ khác… đã tạo nên hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn đáng tin cậy phục vụ người dân trên địa bàn. Các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản sạch đều được trang bị kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn hàng chất lượng, phong phú phục vụ nhu cầu của khách hàng. Việc liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng nông sản an toàn với các cơ sở sản xuất vừa giúp ổn định nguồn hàng vừa tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển nên hàng hóa luôn tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, thị phần của các chuỗi cung ứng nông sản an toàn nêu trên chưa nhiều. Hiện nay, phần lớn người tiêu dùng vẫn giữ thói quen mua thực phẩm tại các chợ dân sinh tuy không kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm song giá rẻ hơn thực phẩm sạch. Một bộ phận người tiêu dùng vẫn ưu tiên giá rẻ, chấp nhận việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Thời gian tới, để tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn phát triển bền vững, đáp ứng mong đợi và nhu cầu của người dân, ngoài việc tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và các hộ dân thực hiện sản xuất thực phẩm an toàn, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin các địa chỉ đã được chứng nhận an toàn thực phẩm theo chuỗi cho người dân biết, tìm mua. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ theo từng sản phẩm. Đặc biệt, Sở NN và PTNT, các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi và xúc tiến thương mại cho nông sản an toàn của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com