Đảm bảo phân bổ hiệu quả vốn đầu tư công

08:02, 18/02/2022

Năm 2021, nhìn chung các dự án sử dụng vốn đầu tư công đều thực hiện và giải ngân đảm bảo tiến độ và chất lượng. Trong bối cảnh nhu cầu vốn đầu tư cho các chương trình, dự án còn rất lớn (đặc biệt là các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, các công trình đê điều, phòng chống lụt bão, đảm bảo quốc phòng an ninh) nhưng nguồn thu ngân sách của địa phương còn hạn chế thì việc nâng cao chất lượng bố trí, sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) và các văn bản pháp luật có liên quan càng phải tăng cường. Trong đó, năm 2022 tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương chú trọng khắc phục tình trạng dàn trải trong phân bổ vốn đầu tư công.

Thi công lề đường xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng).
Thi công lề đường xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng).

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, trong đó căn cứ vào đặc điểm, tình hình thực tế để xác định thứ tự ưu tiên gắn với thời hạn hoàn thành, có phân công, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và phân nhiệm rõ ràng đối với từng đồng chí lãnh đạo đơn vị trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện đối với từng nhiệm vụ, giải pháp trên nguyên tắc “làm việc nào dứt điểm việc đó”. Đồng thời, phải tập trung thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng các khu đô thị, khu dân cư tập trung đảm bảo tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công. Theo kế hoạch dự kiến năm 2022 tổng vốn đầu tư công phân bổ là 4.860,627 tỷ đồng, chưa bao gồm vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách Trung ương là 1.391,467 tỷ đồng (1.374,623 tỷ đồng vốn trong nước, 16,844 tỷ đồng vốn nước ngoài); nguồn vốn ngân sách địa phương là 3.469,160 tỷ đồng (669,160 tỷ đồng vốn ngân sách tập trung; 2.564,0 tỷ đồng vốn từ nguồn thu sử dụng đất, 36 tỷ đồng từ nguồn thu xổ số kiến thiết; 200 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh). Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn được thực hiện như sau: vốn để trả lãi vay dự án ODA và thu hồi ứng trước nguồn ngân sách Nhà nước; vốn chuẩn bị đầu tư và lập quy hoạch tỉnh; vốn cho các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và quyết định đầu tư được phê duyệt theo Hiệp định đã ký kết. Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, có tính kết nối và tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành và tiếp tục triển khai thực hiện các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo khả năng cân đối của từng nguồn vốn và theo thứ tự ưu tiên như sau: Ưu tiên thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án (Trong đó thanh toán 100% vốn thiếu của các dự án quyết toán đến ngày 31-12-2020; các dự án quyết toán đến ngày 31-10-2021 có số vốn còn thiếu so với giá trị quyết toán dưới 10,0 tỷ đồng. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án quyết toán đến ngày 31-10-2021 có số vốn còn thiếu so với giá trị quyết toán trên 10,0 tỷ đồng. Ưu tiên bố trí vốn để thanh toán khối lượng thực hiện của các dự án hoàn thành chưa quyết toán. Bố trí vốn để thanh toán khối lượng hoàn thành và tiếp tục triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp. Dự kiến khởi công mới các dự án trong khả năng nguồn vốn cho phép. Đối với các dự án không đủ khả năng cân đối vốn theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt thì rà soát, dừng thực hiện tại điểm dừng kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả số vốn đã đầu tư. Ngay từ đầu năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố rà soát Kế hoạch đầu tư công năm 2022, báo cáo về dự kiến phương án phân bổ chi tiết nguồn thu tiền sử dụng đất các khu đô thị, khu dân cư tập trung, khu tái định cư năm 2022.  

Các huyện, thành phố đều thống nhất quán triệt quan điểm của tỉnh về vai trò năm 2022 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025; đầu tư công tiếp tục là động lực cho tăng trưởng năm 2022 và giai đoạn sắp tới trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, các địa phương đã bám sát Nghị quyết số 53/2021/NQHĐND ngày 2-12-2021 của HĐND tỉnh trong xây dựng kế hoạch đầu tư, phân bổ vốn, đảm bảo đúng các nguyên tắc chung và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn của UBND tỉnh. Các địa phương quan tâm phân bổ số vốn từ nguồn đấu giá đất khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư năm 2021.

Đối với vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh được thông báo dự kiến giai đoạn 2022-2023 nguồn ngân sách Trung ương bố trí hỗ trợ vốn để đầu tư một số dự án gồm: Đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; đầu tư Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thành trường chất lượng cao, trọng điểm; đầu tư khoảng 31km đoạn tuyến đi qua tỉnh Nam Định thuộc dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương, đơn vị liên quan đến các dự án được Trung ương phân bổ ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện phải nâng cao trách nhiệm, tập trung phối hợp, thực hiện các phần việc, trước mắt là khẩn trương triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng bảo đảm tiến độ, kết quả giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương bám sát thực tế đầu tư của các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công để kịp thời xác định, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu. Chủ động rà soát tiến độ giải ngân của từng dự án, không để xảy ra tình trạng tồn đọng vốn, tồn đọng hồ sơ giải quyết các thủ tục; đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. 

Với các giải pháp đồng bộ kể trên, toàn tỉnh hướng tới mục tiêu  phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com