Trực Ninh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

08:12, 08/12/2021

Để khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, huyện Trực Ninh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tích tụ, tập trung ruộng đất.

Thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng lớn xã Trực Chính.
Thu hoạch lúa mùa trên cánh đồng lớn xã Trực Chính.

Huyện đã chủ động rà soát, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp; kêu gọi và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn thu hút đầu tư; tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp thương thảo với các hộ nông dân dồn đổi vùng diện tích lớn cho doanh nghiệp thuê gom, tập trung, tích tụ ruộng đất; hỗ trợ hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thuận lợi cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản (nhất là hạ tầng thủy lợi đảm bảo chủ động nước tưới cho diện tích trồng lúa 2 vụ, nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao). Huyện còn tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi sản xuất áp dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm và gắn với tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, trong vụ lúa xuân 2021, toàn huyện xây dựng được 18 cánh đồng lớn với diện tích 669,2ha; 14 xã, thị trấn có thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Trong vụ lúa mùa 2021, toàn huyện có 23 mô hình cánh đồng lớn (đạt quy mô từ 30ha trở lên) sản xuất lúa với diện tích 905,6ha tại 18 xã, thị trấn, diện tích được bao tiêu sản phẩm là 391,9ha; liên kết theo chuỗi tại 18 xã, thị trấn với Công ty CP Vật tư nông nghiệp Trực Ninh, Công ty TNHH Cường Tân, Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, HTX dược thảo Hoàng Thành, diện tích 589,25ha. Toàn huyện có 465ha đất sản xuất nông nghiệp được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tích tụ, tập trung bằng các hình thức: chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, mượn đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để liên kết sản xuất. Trong đó, có các mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất tiêu biểu như: Mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa Lộc Trời 183 của hộ ông Trực, xã Trung Đông; các mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa giống của các hộ nông dân thuộc các xã, thị trấn miền 1 và 4 với Công ty TNHH Cường Tân; mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa ST25 theo hướng hữu cơ của hộ ông Toán, thị trấn Ninh Cường; mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa Lộc Trời 183, Bắc Thơm 7… của hộ ông Đăng, xã Liêm Hải... Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) đã liên kết với các HTX dịch vụ nông nghiệp và các hộ nông dân thuê gom, tích tụ được gần 305ha ruộng ở 9 xã, thị trấn và đầu tư cơ sở vật chất, liên kết với các hộ nông dân sản xuất giống lúa lai F1. Các cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống của Công ty đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 đến 4,5 lần so với sản xuất lúa truyền thống; nông dân liên kết sản xuất lúa giống thu lợi nhuận từ 36-48 triệu đồng/ha/năm và tạo thêm hàng nghìn ngày công cho nông dân trong vùng và đã giúp cho tỉnh cùng nhiều địa phương khác chủ động được cơ cấu giống lúa, thời vụ sản xuất.

Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng việc tích tụ, tập trung ruộng đất của huyện Trực Ninh chưa đạt kỳ vọng do còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, bình quân giá mua, thuê hoặc thầu đất ở Trực Ninh cao hơn nên diện tích tích tụ nhỏ hơn nhiều lần so với các địa phương khác. Trong phương thức doanh nghiệp tích tụ ruộng đất chủ yếu thực hiện theo hình thức thuê quyền sử dụng đất của các hộ nông dân để hình thành các vùng sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao, rau, củ quả tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Quá trình này của các doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn ban đầu do chưa được người có ruộng tin tưởng, đồng thuận cho thuê đất. Trong phương thức HTX tập trung đất đai thực hiện theo hướng vận động người dân trên một xứ đồng cùng tham gia xây dựng cánh đồng lớn thì số lượng đầu mối quản lý quá lớn; trong quá trình hợp tác vẫn có hộ dân chưa tuân thủ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp nên hiệu quả kinh tế của nhiều mô hình “cánh đồng lớn” chưa cao, kéo theo việc mở rộng mô hình trong thực tế chưa được nhiều. Ngoài ra, nhiều diện tích đất công ích của các xã chưa được quy hoạch gọn vùng, còn manh mún, phân tán nên không hấp dẫn đầu tư tích tụ.

Nhằm khắc phục các bất cập kể trên, huyện Trực Ninh chỉ đạo các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đang tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn như Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Chăn nuôi Phúc Hải, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh… và một số doanh nghiệp tiềm năng khác như Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất. Huyện yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, các thành phần kinh tế và nhân dân trên địa bàn tập trung thực hiện chương trình tích tụ, tập trung ruộng đất giai đoạn 2020-2025. Gắn quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực để tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm như: Lúa (lúa chất lượng cao, lúa đặc sản, lúa giống); lợn (lợn giống, lợn sữa, lợn thịt); gà (gà trứng, gà thịt)…; gắn với chuyển nhanh nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. Trong đó, điều kiện tiên quyết để hình thành vùng tích tụ, tập trung ruộng đất, sản xuất hàng hóa là phải xây dựng được các cánh đồng lớn và phải đảm bảo điều kiện 3 cùng (cùng giống, cùng thời vụ, cùng áp dụng chung quy trình kỹ thuật thâm canh). Theo đó, các xã, thị trấn tập trung rà soát, xác định các vùng quy hoạch phát triển sản xuất, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng khuyến khích, tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân, với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản; trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng về quy mô sản xuất, chất lượng, quy cách nông sản; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Toàn huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025, mỗi xã, thị trấn phải duy trì ít nhất một cánh đồng lớn (diện tích từ 30ha trở lên) đảm bảo điều kiện “3 cùng”; đến năm 2025, diện tích đất được tích tụ, tập trung, có tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đạt khoảng 1.500ha./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com