Nhân rộng các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

05:12, 03/12/2021

Nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu, các hình thái thời tiết cực đoan, diễn biến dị thường cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, thời gian qua Sở NN và PTNT đã tích cực phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân, HTX dịch vụ nông nghiệp, doanh nghiệp triển khai các mô hình canh tác nông, thủy sản, chăn nuôi phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương.

Sản xuất rau an toàn theo mô hình kinh tế hữu cơ tuần hoàn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân xã Yên Lương (Ý Yên).
Sản xuất rau an toàn theo mô hình kinh tế hữu cơ tuần hoàn đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân xã Yên Lương (Ý Yên).

Trước những diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan, Sở NN và PTNT đã tập trung xây dựng “Mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu”. Mô hình này được thực hiện trên cơ sở áp dụng kỹ thuật chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học nhằm xử lý hiệu quả chất thải làm phân bón hữu cơ phục vụ trồng trọt và tạo ra sản phẩm thịt lợn chất lượng cao cung cấp cho thị trường. Đồng chí Nguyễn Trọng Tấn, Giám đốc Trung tâm Giống gia súc, gia cầm (Sở NN và PTNT) cho biết: Được sự hỗ trợ của tỉnh, Trung tâm đã đầu tư xây dựng hệ thống chuồng theo công nghệ chuồng nuôi kín, bảo đảm diện tích 2 m2/con; nền chuồng được thiết kế thành 2 phần, trong đó ½ nền chuồng phía sau thấp hơn ½ nền chuồng phía trước từ 35-40cm với độ dốc từ 1-2 độ; phía cuối chuồng được đặt ống thoát nước tiểu nối với hầm biogas để xử lý. Nền chuồng được bố trí làm đệm lót sinh học dày 20cm với nguyên liệu chính là trấu rắc thêm chế phẩm MT-Biomix, đường và được bổ sung thêm trong quá trình nuôi; trấu được xử lý trước từ 1-2 tuần bằng phương pháp khử trùng xông focmol và thuốc KMnO4. Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, Trung tâm thực hiện cách ly triệt để, hạn chế tối đa người ra, vào khu vực chăn nuôi. Tại cổng vào trang trại, trước cửa chuồng nuôi, kho chứa thức ăn, phòng thay đồ bảo hộ đều có biển hiệu nhắc nhở, hố khử trùng. Các ô chuồng nuôi được sắp xếp, bố trí phù hợp với từng đối tượng lợn nuôi; làm mới toàn bộ hệ thống máng ăn, trang bị hệ thống uống nước sạch tự động phù hợp với từng lứa tuổi lợn; trang bị lưới và làm cửa kính kín chắn tại các cửa sổ để chống côn trùng xâm nhập; lắp đặt hệ thống làm mát chuồng lợn bằng quạt điện công nghiệp, mái tôn lạnh, bạt chống nóng. Thức ăn cho lợn được nhập từ các doanh nghiệp có uy tín trên thị trường, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, được bảo quản trong kho riêng, kê cao trên kệ và có biện pháp chống ẩm mốc, chống chuột. Nhờ đó, mỗi lứa Trung tâm nuôi 400 con lợn, với trọng lượng 15kg/con; sau 115 ngày nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con lợn đạt trên 110kg, với giá bán 75 nghìn đồng/kg, mỗi đầu lợn mang lại khoản lãi cho Trung tâm từ 1,3-1,5 triệu đồng. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), từ thành công của mô hình này, đến nay tại địa bàn toàn tỉnh đã nhân rộng được hàng chục trang trại ở các huyện Nam Trực, Ý Yên, Xuân Trường và Hải Hậu. Ưu điểm của mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn là hạn chế được dịch bệnh tấn công, môi trường xung quanh chuồng nuôi không bị ô nhiễm, tiết kiệm nước do không phải tắm cho đàn lợn. Lợn có sức đề kháng cao, ăn ngủ tốt, tăng trọng nhanh, bình quân 0,7kg/ngày; tỷ lệ lợn nuôi sống đến khi xuất bán ở mức 100%; giảm thiểu thiệt hại và chi phí phòng, chống bệnh dịch, giảm 80% chi phí nước, điện; hạn chế tối đa mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi và không ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trong nuôi thủy sản, ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng tích cực tạo điều kiện khuyến khích nông dân áp dụng các mô hình nuôi VietGAP. Được huyện, xã hướng dẫn hỗ trợ, ông Nguyễn Văn Tiệm ở xã Hải Lý (Hải Hậu) đã quy hoạch 1,2ha đầm nuôi thành 11 ao có diện tích từ 900-2.000m2 để nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP. Hệ thống cấp, thoát nước cho ao nuôi được đầu tư xây dựng riêng biệt đảm bảo chủ động, an toàn cho tôm và hạn chế ô nhiễm môi trường. Mỗi ao nuôi đều có hệ thống quạt nước nhằm cung cấp đủ lượng ô-xy giúp cho tôm nuôi ổn định thể chất, khỏe mạnh và phát triển nhanh. Trong suốt quá trình nuôi tôm VietGAP, các thông số về khối lượng thức ăn từng ao được ông Tiệm ghi chép cẩn thận, chi tiết. Để bảo đảm sản xuất an toàn, ông Tiệm tập trung kiểm soát chặt chẽ nguồn nước đầu vào, thức ăn, con giống nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và phục vụ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các loại vật tư nuôi được lựa chọn từ các doanh nghiệp có uy tín như: giống tôm thẻ chân trắng của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam; thức ăn của Công ty TNHH De Heus… Bên cạnh đó, ông Tiệm sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi, vừa kích thích tăng trưởng nguồn thức ăn tự nhiên vừa giảm chi phí thức ăn, giảm lượng thức ăn thừa tồn lưu trong ao phân hủy gây ô nhiễm nước, giảm dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho con tôm. Theo ông Tiệm, với mật độ nuôi cùng chế độ nuôi hợp lý và tuân thủ nghiêm quy trình vệ sinh phòng bệnh tôm sẽ phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh; sử dụng các loại thuốc thảo dược trong danh mục cho phép thì tỷ lệ tôm sống đạt trên 90%, tôm sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch sau 4-5 tháng; năng suất bình quân đạt 9-10 tấn/ha/vụ. Với giá bán chính vụ từ 180 nghìn đồng/kg loại tôm 40 con/kg, ở vụ đông có thể lên tới 260-300 nghìn đồng/kg, mỗi năm gia đình ông Tiệm thu lãi bình quân từ 500-700 triệu đồng.

Nắm bắt chủ trương, chính sách khuyến khích xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, sau thành công của mô hình liên kết sản xuất gạo, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên) tiếp tục liên kết với các hộ nông dân sản xuất rau an toàn theo mô hình kinh tế hữu cơ tuần hoàn. Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân Trần Quốc Toản cho biết, với quyết tâm phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, Công ty đã tận dụng mày trấu, mày gạo sau quá trình chế biến lúa gạo để ủ lên men thành phân bón hữu cơ dùng chăm sóc rau màu nên chất lượng các loại rau, củ, quả có vị đậm, ngọt, thơm; đồng thời tăng khả năng kháng sâu, bệnh do quá trình sinh trưởng của cây trồng thuận theo quy trình phát triển tự nhiên, vừa làm giàu chất hữu cơ cho đất và hạn chế can thiệp bằng thuốc hóa học. Cũng nhờ đó mà chi phí đầu vào cho sản xuất thấp nên giá bán rau thành phẩm hợp lý, được người tiêu dùng chấp nhận. Hiện, mỗi tháng Công ty cung ứng cho các cửa hàng rau, củ, quả sạch và siêu thị hàng chục tấn rau các loại, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng và giúp hàng trăm hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất có việc làm và thu nhập ổn định...

Những mô hình trên đã từng bước khẳng định sự thích ứng của người dân với điều kiện sản xuất thay đổi do những bất thường của thời tiết để đảm bảo đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com