"Trái ngọt" từ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng

08:12, 09/12/2021

Thúc đẩy chuyển đổi số trong thời đại mới, hướng tới mô hình ngân hàng thông minh, trên cơ sở vận dụng hiệu quả thành tựu cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là mục tiêu đặt ra của ngành Ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Không ngừng đổi mới sáng tạo, chủ động tiếp cận các giải pháp công nghệ mới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động “nhập cuộc” và không ngừng bứt phá thu về được “trái ngọt” từ công cuộc chuyển đổi số.

Cán bộ tín dụng dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Vụ Bản hướng dẫn khách hàng sử dụng tiện ích trên thẻ điện tử.
Cán bộ tín dụng dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Vụ Bản hướng dẫn khách hàng sử dụng tiện ích trên thẻ điện tử.

Qua 2 năm sống chung với dịch COVID-19, các thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm), thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm; nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Thêm vào đó, các dịch vụ ngân hàng đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, kết hợp với các lĩnh vực, ngành nghề để xây dựng hệ sinh thái thông minh, toàn diện. Việc ứng dụng công nghệ số giúp thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như chất lượng dịch vụ tốt hơn, nhiều dịch vụ sáng tạo và an toàn bảo mật, mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn; giảm chi phí vận hành cho ngân hàng, tạo đột phá trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. 

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phẩn (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định, với nền tảng ứng dụng và hạ tầng cho chuyển đổi số được chủ động đầu tư từ nhiều năm trước nên Chi nhánh đã nhanh chóng chuyển đổi phương thức hoạt động sang nền tảng số hoá ứng phó kịp thời với đại dịch. Theo đó, tháng 7-2020, Vietcombank ra mắt ứng dụng VCB Digibank cho khách hàng cá nhân cũng như hoàn thành triển khai Ngân hàng số cho Khách hàng doanh nghiệp. VCB Digibank đã giúp cung cấp các trải nghiệm liền mạch, thống nhất cho khách hàng trên các phương tiện điện tử như máy tính (PC/Laptop) và thiết bị di động (điện thoại/tablet) với số lượng hàng triệu giao dịch một ngày đem lại sự thuận tiện nhanh chóng cho khách hàng cũng như hiệu quả kinh doanh cho Chi nhánh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hạn chế các kênh giao dịch trực tiếp. Đáp ứng yêu cầu giãn cách, phong toả do dịch bệnh COVID-19, tháng 6-2021, Vietcombank Nam Định tiếp tục triển khai dịch vụ mở tài khoản trực tuyến bằng giải pháp định danh trực tuyến (eKYC) giúp khách hàng mở tài khoản vào bất cứ thời điểm nào, tại bất kỳ đâu, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Khách hàng có thể mở tài khoản, tùy chọn số tài khoản, đăng kí sử dụng ứng dụng, phát hành thẻ… chỉ trong một vài phút thao tác trên ứng dụng. Dịch vụ rút tiền bằng mã QR tại điểm ATM là dịch vụ cho phép khách hàng thực hiện rút tiền mặt tại một số máy ATM của Vietcombank thông qua thao tác quét mã QR bằng ứng dụng VCB Digibank mà không cần sử dụng thẻ. Các tiện ích thanh toán hóa đơn đã được triển khai trước đây nay tiếp tục được Vietcombank mở rộng phạm vi phục vụ, khách hàng có thể thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, internet, viện phí, học phí, bảo hiểm, chuyển tiền chứng khoán, đặt vé tàu xe, máy bay, vé xem phim… Năm 2021, Chi nhánh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng nguồn vốn huy động đạt 3.890 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 4.630 tỷ đồng, doanh số thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại đạt 800 triệu USD, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát chặt dưới 0,2%. Các chỉ tiêu bán lẻ như phát triển khách hàng cá nhân mới, thẻ và dịch vụ ngân hàng bán lẻ đều đạt và vượt kế hoạch được giao. Chỉ tiêu phát triển khách hàng bán buôn tín dụng và huy động vốn mới đều hoàn thành 400% kế hoạch. 

Với chiến lược “3 tốt”: “Công nghệ tốt - Chuyển dịch số tốt - Tiện ích tốt”; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Chi nhánh Nam Định đã nhanh chóng chiếm được thị phần tiêu dùng trên địa bàn tỉnh bằng nhiều ứng dụng, tiện ích số “đúng, trúng”. Với việc triển khai ứng dụng thanh toán qua mã VietQR, mở tài khoản số điện thoại, eKYC, từ đầu năm đến nay, MB Nam Định đã thu hút thêm gần 25 nghìn khách hàng có quan hệ giao dịch, phát triển thêm được 1.300 khách hàng, 5.000 khách hàng kinh doanh mới sử dụng tài khoản thanh toán bằng mã VietQR. Hiện tại, các chỉ tiêu tăng trưởng kế hoạch kinh doanh của MB Nam Định đều đã cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra. Năm 2021, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Nam Định đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, giúp đáp ứng kịp thời nhu cầu giao dịch của khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh như: triển khai eKYC, mở tài khoản online (eAccount); cấp tín dụng online 24/7 (eCredit); thực hiện phát hành L/C trực tuyến (eLC) hoặc chuyển tiền đi quốc tế online (eTT), cấp tín dụng 100% online từ khâu tiếp nhận hồ sơ cho đến giải ngân, mở rộng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều đã tích hợp các dịch vụ truyền thống lên nền tảng số hoá tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao dịch và sử dụng hiệu quả, đáp ứng tốt các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống giữa bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành Ngân hàng, chuyển đổi số đã tạo nên “cuộc đua kép”, trong đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm công nghệ thông minh, an toàn và nhanh hơn và các ngân hàng phải “chạy đua” liên tục thông minh hơn, tự động hóa nhanh hơn và cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa tới khách hàng tốt hơn để tăng sức cạnh tranh và thu hút khách hàng. Chắc chắn năm 2022 sắp tới, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19, xu hướng chuyển đổi số trong các ngân hàng sẽ ngày càng được đẩy mạnh với tốc độ nhanh hơn, hiện đại hơn, tối ưu hơn, toàn diện hơn. Để nắm bắt được thời cơ trên, trong năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thúc đẩy các mô hình kinh doanh, quản trị điều hành trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo, song vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các tổ chức tín dụng chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, nâng cao chất lượng phục vụ và tăng tính năng tiện tích, trải nghiệm cho khách hàng. Sẵn sàng các nguồn lực về vốn để đảm bảo hỗ trợ tốt nền kinh tế tỉnh hồi phục sau đại dịch COVID-19./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com