Nuôi tôm vụ cuối năm trong điều kiện thời tiết lạnh, mưa nhiều, độ mặn trong nước giảm làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn tôm. Tuy nhiên, do giáp tết nên tôm vụ cuối năm thường được giá hơn trong năm dẫn tới nhiều người dân trong tỉnh tập trung nuôi thả.
Người dân xã Bạch Long (Giao Thủy) kiểm tra chất lượng tôm giống. |
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết không thuận lợi, giá tôm thương phẩm không ổn định nên người dân thả tôm vụ cuối năm chậm hơn so với năm 2020. Từ thực tiễn trước kia, nhiều hộ nuôi không bố trí ao lắng để xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi khiến cho các hộ nuôi tôm không chủ động được nguồn nước bảo đảm chất lượng cho ao nuôi, nhất là trong thời điểm giao mùa, nắng mưa thất thường nên môi trường ao nuôi dễ bị ô nhiễm, dịch bệnh dễ phát sinh. Để hạn chế những rủi ro, tổn thất, nhiều người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi từ nuôi ao đất sang nuôi ao đất có lót bạt hoặc làm các ao tròn, có đầu tư công nghệ tuần hoàn nước khép kín và các trang thiết bị như: quạt nước, máy bơm, dụng cụ đo kiểm môi trường nước và một số dụng cụ thiết yếu khác để kiểm soát chặt chẽ môi trường nuôi, hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết đến đàn tôm nuôi. Do đó, khi đầu tư hệ thống ao lắng, nguồn nước sử dụng cho quá trình nuôi tôm sẽ đảm bảo sạch hơn, hạn chế được dịch bệnh trên đàn tôm, hiệu quả nuôi được nâng cao. Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nuôi tôm đầu tư công nghệ cao đã hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ hao hụt do ảnh hưởng của môi trường, thời tiết (mức hao hụt từ khi nuôi đến khi xuất bán chỉ vào khoảng 10%) nên đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có rất nhiều vùng nuôi tôm đạt hiệu quả cao như các xã: Giao Phong, Bạch Long, Giao Thiện (Giao Thủy); Hải Chính, Hải Triều, Hải Lý (Hải Hậu)... Trang trại nuôi tôm công nghệ cao của ông Cao Văn Ba ở xã Giao Phong ngay từ đầu tháng 11, công nhân đã tất bật sửa sang thiết bị tạo oxy, chỉnh lại máy quạt nước tại các đầm nuôi, san bớt mật độ nuôi trong các đầm, dồn lực chăm sóc tôm để kịp bán vào những ngày cận Tết Nguyên đán. Thay vì đào ao sâu xuống đất theo phương pháp truyền thống trước kia, những năm gần đây ông Ba chỉ đào sâu khoảng 0,3m, sau đó xây bờ cao lên trên mặt đất từ 1,7-2m. Nhờ đó, ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng nên hạn chế được rủi ro cho đàn tôm trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, môi trường không ổn định. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm trong ao nổi dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi nền đáy được dài ngày nên hạn chế mầm bệnh. Ngoài việc lót bạt ra, ao nuôi tôm còn có 1 hố ga để hút các loại chất thải từ tôm và thức ăn dư thừa nên nước trong ao luôn sạch, tôm ít bị nhiễm các loại bệnh như đốm trắng, hoại tử gan… Để quản lý tốt môi trường ao nuôi, mỗi ngày ông cho hút bỏ các chất thải, bùn, độc tố tích tụ dưới đáy ao 2-3 lần. Vì mô hình đầu tư khá hiện đại, khép kín nên tôm thả nuôi thâm canh với mật độ khá dày, trung bình từ 200-290 con/m2, sau khoảng 3 tháng thả nuôi có thể thu hoạch, tôm đạt kích cỡ 35-40 con/kg. Ông Nguyễn Văn Hải, xã Hải Chính (Hải Hậu) cho biết, nếu như trước đây nuôi tôm trong ao đất thì vụ tôm cuối năm người nuôi thường phải “treo” ao, không dám thả nuôi. Nhờ áp dụng nuôi công nghệ cao nên 3 vụ cuối năm nay gia đình vẫn có thể thả nuôi bình thường, mà không bị ảnh hưởng từ sự bất lợi về môi trường và thời tiết. Năng suất các vụ nuôi trong năm cũng đạt gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất thâm canh. Bước vào những tháng cuối năm, thời tiết thay đổi bất thường, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn hoặc cơn mưa bất chợt làm thay đổi đột ngột làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn tôm, phát sinh một số bệnh trong môi trường nước như: xuất hiện vi sinh vật, tảo gây bất lợi cho con tôm. Chính vì vậy, trong quá trình nuôi, ông cũng như người nuôi tôm luôn bảo đảm mực nước luôn ổn định trong ao nuôi, theo dõi tốt môi trường và đặc biệt phải luôn có phương án cụ thể để đối phó với môi trường bất lợi có thể xảy ra. Trong điều kiện như hiện nay, nhiều cán bộ thủy sản đã nhận định, nuôi thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng năm 2021, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn sẽ tăng trưởng nhẹ so với năm 2020. Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng để người dân phấn khởi, tập trung sản xuất đạt hiệu quả cao.
Để vụ tôm cuối năm đạt hiệu quả cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, tình hình thả giống, thu hoạch các đối tượng nuôi. Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản, thông báo kết quả tới các đơn vị quản lý, kèm theo khuyến cáo tới người nuôi. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn tăng cường các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, chống rét nhằm quản lý tốt sức khỏe đàn tôm vụ cuối năm. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản: điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, đăng ký nuôi chủ lực, đảm bảo an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản. Phối hợp các địa phương tổng hợp kết quả sản xuất nuôi thủy sản năm 2021, kế hoạch năm 2022 để rút kinh nghiệm cho các vụ sau. Ngoài ra, người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng cần tuân thủ hướng dẫn, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để nuôi thả tôm vụ cuối năm đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tôm là một trong những đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của tỉnh ta. Nuôi tôm công nghệ cao là mô hình có tính bền vững, mở ra một hướng đi hiệu quả, đầy triển vọng cho người nuôi tôm thâm canh trên địa bàn tỉnh. Với các giải pháp tích cực, đồng bộ, hy vọng người nuôi tôm sẽ tiếp tục có một vụ tôm cuối năm thắng lợi, đạt hiệu quả kinh tế cao./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa