Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách y tế khiến cho việc dạy và học tại các cấp trường gián đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh và nhà trường, nhất là việc thanh toán học phí. Nắm bắt nhu cầu trên, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện ký kết hợp đồng thanh toán dịch vụ thu hộ học phí với các trường học.
Ký kết thoả thuận hợp tác thanh toán học phí qua ngân hàng giữa Agribank Chi nhánh Mỹ Lộc với các trường học trên địa bàn huyện. |
Đến nay, một số ngân hàng đã triển khai thành công dịch vụ thanh toán tiền học phí qua ngân hàng. Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Nam Định đã cung ứng dịch vụ tới các trường: THPT Nguyễn Khuyến, THPT Trần Hưng Đạo, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Tiểu học Hùng Vương và Mầm non Lộc Vượng (thành phố Nam Định). Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nam Định ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ với các trường: THPT Hải Hậu C, Nguyễn Trường Thúy, Xuân Trường C, Giao Thủy B, Quất Lâm, Hải Hậu A, Trường THCS Nam Phong và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hải Hậu. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Thành Nam cung ứng dịch vụ tới các trường: Đại học Điều dưỡng Nam Định, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trung tâm giáo dục thường xuyên Nam Định, Tiểu học Kim Đồng, Mầm non Thống Nhất, THCS Trần Bích San. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định cung ứng dịch vụ tới các trường: THPT Mỹ Tho, THPT Lý Nhân Tông, THPT Giao Thủy A. Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Nam Định cung ứng dịch vụ tới các trường: THPT Nguyễn Huệ, THPT Ngô Quyền, THPT Nghĩa Minh, THPT Mỹ Lộc… Hình thức thanh toán tiền học phí qua ngân hàng đang áp dụng là nộp tiền tại quầy, chuyển khoản hoặc trích nợ tự động. Hết tháng 11-2021, các ngân hàng đã thu hộ 22.525 món học phí với tổng số tiền 63,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại vẫn đang tích cực làm việc với các trường học trên địa bàn để triển khai thực hiện thu học phí qua ngân hàng.
Từ tháng 7-2020, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Nam Định đã phối hợp với Công ty Cổ phần Misa (Hà Nội) triển khai tuyên truyền, phổ biến đến các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh về ứng dụng phần mềm quản lý thu - thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Trong tháng 10-2021, Vietcombank Nam Định đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán không dùng tiền mặt với 26 trường học các cấp trên địa bàn huyện Mỹ Lộc. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Vietcombank Nam Định cho biết: “Việc ký kết thỏa thuận hợp tác thanh toán không dùng tiền mặt với các trường học của huyện Mỹ Lộc, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế nhằm giảm thời gian xử lý giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đóng học phí cho phụ huynh, học sinh. Theo đó, Vietcombank Nam Định cung cấp các dịch vụ thanh toán đóng học phí như: Thanh toán tích hợp trong ứng dụng SISAP phụ huynh; dịch vụ thanh toán thương mại điện tử qua kênh Internet Banking; dịch vụ cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng ứng dụng di động Digibank của Vietcombank qua mã SISAP; máy POS và quầy giao dịch của ngân hàng VCB. Vietcombank Nam Định còn phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Lộc, Công ty Cổ phần Misa tổ chức bồi dưỡng tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về việc thu các khoản phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho 100% hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên công nghệ thông tin, nhân viên kế toán đối soát trên phần mềm của Misa, thủ quỹ của các đơn vị trường học. Phối hợp thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền sâu, rộng đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh về chủ trương thu các khoản phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, các trường đẩy mạnh truyền thông đầy đủ cho phụ huynh học sinh biết rõ chủ trương của ngành Giáo dục, hướng dẫn sử dụng các hình thức thanh toán thuận lợi nhất. Ngoài ra, để thay đổi thói quen nộp học phí và các khoản đóng góp từ trực tiếp sang sử dụng công nghệ số, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mỹ Lộc đã phối hợp với Phòng Kế hoạch - Tài chính có văn bản hướng dẫn các nhà trường thực hiện. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cung cấp các ứng dụng, giải pháp công nghệ số, đơn vị trung gian… giúp sức thực hiện các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện Mỹ Lộc đã thực hiện thanh toán học phí qua ngân hàng. Đây là tín hiệu vui cho thấy nhận thức của phụ huynh và nhà trường đã từng bước được cải thiện rõ rệt đối với các dịch vụ thanh toán hiện đại, hoà nhập với xu thế của xã hội hiện đại, giúp các trường học tận dụng tối đa công nghệ thông tin trong điều hành, quản trị nhà trường hướng đến số hóa trường học.
Với sự trợ lực từ ngân hàng và các tổ chức tài chính, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh đang tiếp cận ngày càng sâu rộng trong môi trường giáo dục, góp phần thay đổi thói quen chi tiêu của người dân theo hướng hiện đại, tiện lợi hơn. Để đảm bảo việc thanh toán học phí qua ngân hàng tại các trường học ngày một phổ biến, thông dụng, thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhà trường tiếp tục tuyên truyền để phụ huynh hiểu về tiện ích và hướng dẫn cho phụ huynh cách thao tác để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, các ngân hàng cũng đẩy mạnh đảm bảo hệ thống thanh toán, giao dịch thông suốt qua các kênh như: qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, ủy thác cho ngân hàng thanh toán tự động cho nhà trường khi phát sinh hóa đơn học phí, thanh toán tại các điểm giao dịch ngân hàng, thanh toán trực tiếp qua máy POS tại nhà trường. Cùng với đó, các ngân hàng ứng dụng các hình thức mở tài khoản qua hình thức định danh điện tử eKYC để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các giao dịch điện tử./.
Bài và ảnh: Đức Toàn