Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nên huyện Nghĩa Hưng đã dần hình thành những vùng sản xuất tập trung, năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao.
Mô hình nuôi cá bống bớp hiệu quả cao tại thị trấn Quỹ Nhất. |
Huyện Nghĩa Hưng đã xác định điểm tựa vững chắc cho thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả là tích tụ, tập trung đất đai. Đồng thời quản lý tốt quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; cơ cấu lại các ngành sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương. Huyện cũng chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật sản xuất, đặc biệt ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng... tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình sản xuất thí điểm cây, con để chọn lựa các đối tượng ưu điểm nhất và từng bước nhân rộng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Cụ thể, đã xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao ở tất cả các xã, thị trấn với diện tích trên 6.000ha sản xuất tập trung theo cánh đồng lớn thực hiện “cùng giống, cùng thời vụ, cùng áp dụng quy trình thâm canh, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ khâu làm đất, thu hoạch”, thu nhập bình quân đạt 93-98 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng lúa đặc sản Nếp cái hoa vàng, Nếp Bắc, gạo huyết rồng… với diện tích 1.700ha tại các xã Nghĩa Hùng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình, Phúc Thắng, Nghĩa Lợi thu nhập bình quân đạt 95-102 triệu đồng/ha/năm. Vùng trồng cây dược liệu (cây đinh lăng, cây ngưu tất) với quy mô 230ha tập trung tại các xã Phúc Thắng, Nghĩa Minh, thị trấn Rạng Đông… cho thu nhập từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Vùng nuôi thủy sản mặn lợ diện tích trên 1.700ha đa dạng các đối tượng nuôi như: cá bống bớp, cá song, tôm, ngao, cua biển cho thu nhập bình quân 500-600 triệu đồng/ha/năm tập trung tại Cồn Xanh, Nam Điền, Phúc Thắng. Ngoài ra còn các vùng trồng hoa, cây cảnh, nuôi thủy sản nước ngọt tập trung tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Bình và thị trấn Liễu Đề cho thu nhập bình quân từ 190-260 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, huyện cũng chuyển đổi được hơn 120ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như: dưa chuột, cà chua, bí xanh, bí đỏ... Điển hình là các mô hình trồng cà chua tại xã Nam Điền và thị trấn Quỹ Nhất; trồng ngô ngọt xuất khẩu tại xã Phúc Thắng; trồng rau màu các loại tại Nghĩa Phong, Nghĩa Thành cho hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa trước kia. Tháng 4-2020, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 và đã chuyển đổi 565ha sang trồng cây hàng năm; 33ha sang trồng cây lâu năm và 122ha trồng lúa kết hợp với nuôi thủy sản. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Nghĩa Hưng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh hướng dẫn các xã, thị trấn và các đơn vị lựa chọn, đầu tư xây dựng sản phẩm OCOP theo quy trình, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn huyện tham gia. Đến nay, đã có một số sản phẩm của huyện đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh như: gạo nếp Giáo Lạc, xã Nghĩa Tân; cá chạch kho thị trấn Quỹ Nhất; nấm bào ngư Gia Bình, xã Nghĩa Phong; nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng; mắm tôm Văn Quang, xã Nghĩa Hải…
Thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Nghĩa Hưng giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 3,03 %/năm; giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích hiện đạt 124 triệu đồng/ha/năm; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Kinh tế nông thôn của huyện phát triển khá, sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển sang quy mô hàng hóa tập trung với trình độ cao hơn, năng suất, chất lượng, giá trị hàng hoá sản phẩm nông nghiệp và hiệu quả sản xuất ngày càng tăng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của huyện Nghĩa Hưng vẫn còn khó khăn, hạn chế. Huyện nằm ven biển có nhiều lợi thế từ biển cho phát triển kinh tế song đây cũng là khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ, bão, vì vậy sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều rủi ro, khó khắc phục hiệu quả, thiệt hại kinh tế thường lớn. Giá bán các sản phẩm nông, thủy sản bấp bênh do thị trường tiêu thụ không ổn định. Việc sản xuất theo hướng chất lượng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... chưa được người nông dân thật sự quan tâm bởi giá bán nông sản sản xuất, chế biến theo chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm không cao hơn so với sản phẩm thông thường, trong khi chi phí sản xuất cao. Vẫn còn nhiều hộ nông dân chậm thay đổi tập quán canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nên quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, cản trở việc ứng dụng tiến bộ khoa học và cơ giới hóa vào sản xuất. Cơ chế, chính sách hỗ trợ, mức đầu tư từ ngân sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thấp, chưa đồng bộ.
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp một cách hiệu quả, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất giống cây trồng, con nuôi và cơ sở chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, hỗ trợ các đơn vị phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết. Tăng cường, tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua đó lựa chọn, chuyển giao nhanh các giống cây, con có năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, các biện pháp kỹ thuật thâm canh mới có hiệu quả vào sản xuất. Nhân rộng nhanh các mô hình tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp đại trà. Tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP phục vụ nhu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX mở rộng các loại hình dịch vụ, nhất là liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả ở Nghĩa Hưng bước đầu đã làm thay đổi phương thức sản xuất của nông dân theo hướng tích cực, qua đó tăng giá trị sử dụng tài nguyên đất, tạo ra nông sản hàng hóa bảo đảm an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường. Với các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân trong huyện./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh