Với mục tiêu phát triển thị trường, mở rộng đầu ra cho nông sản sạch, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản qua hệ thống cửa hàng nông sản an toàn.
Cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Thanh (Hải Hậu) chuyên cung cấp sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. |
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/HNDT, ngày 6-8-2019 của BCH HND tỉnh (khóa X) về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”, tháng 10-2021, HND tỉnh đã chỉ đạo HND huyện Hải Hậu làm điểm ra mắt Cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại xã Hải Thanh nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, đặc sản của quê hương Hải Hậu nói riêng và tỉnh Nam Định nói chung; cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cửa hàng được thành lập trên cơ sở ý tưởng của các thành viên HTX nuôi trồng thủy sản xã Hải Thanh, trong đó ông Đoàn Văn Thanh và bà Vũ Thị Hoa là chủ cửa hàng. Để hỗ trợ cửa hàng thành lập và hoạt động hiệu quả, HND huyện đã tổ chức cho thành viên HTX và chủ cửa hàng tham quan học tập mô hình ở huyện Trực Ninh, thành phố Nam Định; hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định như: giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn. Trong thời gian đầu thành lập, cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn do chính thành viên HTX sản xuất như: trứng vịt OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, các loại thịt gà, vịt thương phẩm, các loại tôm, cá, ốc nuôi truyền thống, rau củ quả không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, cửa hàng giới thiệu các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao, 4 sao của huyện và sản phẩm truyền thống ở các xã, thị trấn trong và ngoài huyện như: giò gân của cơ sở sản xuất giò Phúc Thuận, xã Hải Hưng; dây thìa canh sấy khô của HTX trồng cây dược liệu, xã Hải Lộc; nước mắm Hải Dương, mắm tôm Hải Dương của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dương, xã Hải Triều; nước mắm Thoa Định, mắm tôm Thoa Định của hộ kinh doanh Phạm Thị Thoa, xã Hải Lý; miến dong Huệ Đồng, xã Hải Minh; bánh nhãn của hộ kinh doanh Lưu Liên Phương, xã Hải Bắc; trà nhân trần, trà gừng đen, trà hoạt huyết dưỡng não, trà Silymarin của Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu, xã Hải Phương; trứng gà của HTX chăn nuôi và cung cấp thực phẩm sạch xã Hải Sơn; đinh lăng sấy khô của HTX trồng cây dược liệu xã Hải Ninh; bánh nướng, bánh dẻo của hộ kinh doanh Vũ Thị Nhiễu, thị trấn Yên Định; ổi lê của HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Tân, xã Hải Tân; bột sắn dây, bột nghệ của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Bền, xã Hải Anh; bột Hoàng Thanh của HTX nông nghiệp xã Hải Trung; thịt lợn hữu cơ thảo dược của cơ sở Hiền Thục xã Trực Thái (Trực Ninh)… Cửa hàng đi vào hoạt động còn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm an toàn. Các sản phẩm đều được cam kết đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm do các HTX, tổ hợp tác có uy tín và các hội viên nông dân trên địa bàn huyện chăn nuôi, sản xuất, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài hình thức bán hàng trực tiếp tại cửa hàng, cửa hàng tiếp tục liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tổ chức bán hàng online trên các trang mạng như zalo, facebook để nâng cao khả năng tiêu thụ.
Trước đó, từ tháng 11-2019, HND huyện Trực Ninh phối hợp với cơ sở Hiền Thục, xã Trực Thái ra mắt “Cửa hàng nông sản an toàn” với slogan “Hiền Thục Farm - vì một tương lai xanh”. Cửa hàng chuyên cung cấp các nông sản hữu cơ từ trang trại chăn nuôi Hiền Thục, được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm và các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP trong và ngoài huyện tới tay người tiêu dùng. Trong đó, sản phẩm thịt lợn hữu cơ thảo dược Hiền Thục được chăn nuôi theo quy trình khép kín, áp dụng 4 “không”: không sử dụng chất cấm, chất kháng sinh, chất tăng trọng, không kim loại nặng. Nhờ hoạt động theo mô hình khép kín, an toàn sinh học, chăn nuôi bằng nguồn thức ăn thảo dược nên sản phẩm khi đưa ra thị trường được khách hàng tin dùng lựa chọn. Hiện nay sản phẩm chủ lực là thịt lợn tươi, gia đình anh Thục còn cung cấp các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sạch như xúc xích, ruốc, giò… Trong đó, đã có 3 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Thục cho biết, việc mở cửa hàng bán nông sản sạch và xây dựng lò giết mổ công suất 10-15 con lợn/ngày là những hạng mục lớn gia đình anh đã tập trung đầu tư với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm được đảm bảo sạch từ trang trại đến bàn ăn, an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn tại huyện Giao Thủy, đầu năm 2020, HND huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện khai trương, ra mắt “Cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông sản sạch” tại thị trấn Ngô Đồng. Hiện cửa hàng đã phát triển khoảng 150 sản phẩm theo tiêu chí nông sản sạch để giới thiệu, bán cho người tiêu dùng; trong đó đặc biệt ưu tiên các sản phẩm chủ lực của địa phương như: chả cá, tép moi, cá mai tẩm gia vị, nõn bề bề, nõn tôm sấy của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; cá thu một nắng, cá nục một nắng của Công ty TNHH Thủy sản Xuân Thủy; mật ong Sú vẹt của Vườn quốc gia Xuân Thủy… Cửa hàng còn cung ứng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh như gạo sạch Toản Xuân (Ý Yên); thịt lợn sạch và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn sạch của trang trại chăn nuôi Hiền Thục (Trực Ninh); bột sắn, miến dong, trà túi lọc, bánh nhãn của một số cơ sở sản xuất, chế biến huyện Hải Hậu cùng nhiều sản phẩm đặc sản ở một số vùng miền trong nước như: mì gạo sạch của tỉnh Phú Thọ; mộc nhĩ, nấm hương, đỗ xanh, vừng, bún ngũ sắc của tỉnh Cao Bằng; măng nứa khô của tỉnh Bắc Kạn; sản phẩm gạo ST24, ST25 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed)…
Trước thực tế nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục phối hợp, hướng dẫn hội viên xây dựng các cửa hàng nông sản sạch nhằm góp phần kích thích các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản tại địa phương thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị hàng hóa. Qua đây tạo cơ hội để người tiêu dùng được tiếp cận, tìm hiểu, sử dụng nông sản, thực phẩm có chất lượng cao, nguồn gốc rõ ràng của các địa phương trong và ngoài tỉnh để sử dụng, góp phần bảo đảm sức khỏe./.
Bài và ảnh: Lam Hồng