Hỗ trợ ngư dân sử dụng tần số vô tuyến điện trên tàu cá

08:12, 13/12/2021

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện (TSVTĐ) trên tàu cá không chỉ giúp ngư dân lao động sản xuất trên biển kết nối thông tin liên lạc với đất liền mà còn được cung cấp thông tin cứu nạn và cứu hộ, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện khi gặp thiên tai, bão lốc, giữ gìn an ninh trật tự trên biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt khi Nghị định 26/NĐ-CP ngày 8-3-2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được ban hành thì việc sử dụng TSVTĐ thông qua thiết bị giám sát hành trình tàu cá là một trong những yêu cầu bắt buộc của Liên minh châu Âu (EU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Tàu cá của ngư dân huyện Hải Hậu cập cảng cá Ninh Cơ tiếp nguyên liệu cho chuyến khai thác xa bờ.
Tàu cá của ngư dân huyện Hải Hậu cập cảng cá Ninh Cơ tiếp nguyên liệu cho chuyến khai thác xa bờ.

Tỉnh ta có 2.135 tàu cá khai thác hải sản, trong đó, có 523 tàu cá khai thác xa bờ, hoạt động chủ yếu ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, một số tàu khai thác ở vùng biển miền Trung, vùng biển Đông Nam Bộ. Các tàu cá hiện đang sử dụng 2 loại TSVTĐ sóng ngắn và sóng dài. Đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh mới có 464/523 tàu cá có mã lực trên 90CV, độ dài thân tàu trên 15m đăng ký TSVTĐ và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 88,7% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt thiết bị này. Hầu hết các tàu cá còn lại sử dụng TSVTĐ tầm ngắn, thông tin di động mặt đất và trang bị, sử dụng hệ thống bộ đàm tầm xa (thiết bị ICOM). Đáng bàn, nhiều phương tiện hoạt động trên biển lại không đăng ký sử dụng tần số cho các loại máy bộ đàm này và mỗi tàu, thuyền sử dụng một tần số khác nhau, hay một số tàu có đăng ký tần số nhưng không sử dụng. Việc không quản lý được toàn bộ tần số máy thu phát sóng của ngư dân trên biển khiến các ngành chức năng, các địa phương gặp nhiều khó khăn, gia tăng chi phí trong quản lý tàu thuyền lao động trên biển, đặc biệt những lúc thời tiết diễn biến bất thường. Nguyên nhân của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin cho ngư dân còn yếu; một số ngư dân vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc đăng ký sử dụng tần số hoặc có người cố ý làm trái quy định vì muốn độc quyền ngư trường sợ khai báo tần số sẽ lộ ngư trường khai thác. Bên cạnh đó còn có một số tàu cá ít hoạt động, tàu cũ không có khả năng vươn khơi xa, cá biệt có trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng chưa sửa chữa được.

Nhằm góp phần đảm bảo an toàn và an ninh cho các tàu cá hoạt động trên biển, hỗ trợ ngư dân đăng ký TSVTĐ và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) ban hành Thông tư số 04/2021/TT-BTTTT ngày 13-8-2021, quy định chi tiết và hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ; cho thuê, cho mượn thiết bị vô tuyến điện; sử dụng chung TSVTĐ thay cho Thông tư số 05/2015/TT-BTTTT ngày 23-3-2015. Theo đó từ ngày 1-10-2021, thủ tục cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ sẽ được đơn giản hóa và miễn phí sử dụng TSVTĐ, chỉ nộp lệ phí cấp giấy phép mới là 50 nghìn đồng/Giấy phép. Các tổ chức, cá nhân sẽ không phải nộp thành phần hồ sơ là chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… khi cơ quan cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ do các thông tin này đã được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời không phải kê khai giấy chứng nhận hợp quy của thiết bị lắp đặt trên tàu cá cũng như giảm bớt thủ tục đối với tàu cá có lắp đặt giám sát hành trình. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, miễn phí sử dụng TSVTĐ đem lại lợi ích thiết thực cho ngư dân, nhằm khuyến khích ngư dân đăng ký TSVTĐ và lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá góp phần sớm khắc phục “thẻ vàng” về khai thác hải sản của Liên minh châu Âu. Trên cơ sở đó, Sở TT và TT đã phối hợp với Trung tâm TSVTĐ khu vực V (Bộ TT và TT), Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND các huyện ven biển triển khai hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị, hướng dẫn, cấp giấy phép, gia hạn sử dụng TSVTĐ và thiết bị giám sát hành trình cho các chủ tàu cá ngay tại địa phương theo quy định mới. Đồng thời tổ chức hội nghị phổ biến các quy định của pháp luật trong việc sử dụng các thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá như Luật TSVTĐ; Thông tư quy định điều kiện kỹ thuật và khai thác; Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TSVTĐ… Trong đó, tập trung phổ biến đến bà con ngư dân những quy định của pháp luật về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên phương tiện nghề cá; hướng dẫn sử dụng các tần số liên lạc trong những trường hợp đặc biệt như tần số liên lạc với Đồn biên phòng; các tần số gọi cấp cứu hàng hải của Việt Nam và quốc tế…; những quy định và cách thức sử dụng chung tần số trong thông tin liên lạc giữa các phương tiện nghề cá với nhau giúp cho ngư dân được sử dụng tần số một cách hợp pháp, đúng quy định góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên biển. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các tàu cá không có giấy phép sử dụng TSVTĐ và yêu cầu thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo hướng dẫn; chỉ đạo các đồn, trạm kiểm soát biên phòng trong quá trình kiểm tra, giám sát hoạt động của các phương tiện nghề cá khi ra, vào cảng biển thuộc khu vực quản lý của tỉnh kết hợp kiểm tra giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện. Kiên quyết không làm thủ tục xuất bến đi hoạt động trên biển đối với các phương tiện thiếu thủ tục giấy tờ và các trang thiết bị theo quy định; phối hợp điều tra, xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com