Xác định vai trò quan trọng của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) là một đầu mối quan trọng giúp quản lý nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước khi khách hàng vay đông, địa bàn rộng, những năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh đã luôn chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK và VV bảo đảm đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Thời gian qua, việc xây dựng các tổ TK và VV tại thôn, xóm, tổ dân phố và uỷ thác cho vay qua 4 tổ chức hội, đoàn thể gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tài chính, được đào tạo tập huấn lồng ghép về khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi, trang bị kiến thức cơ bản để phát triển kinh tế hộ; nâng cao ý thức cộng đồng trách nhiệm thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương. Bên cạnh đó, tổ TK và VV còn tích cực vận động hộ vay vốn hàng tháng gửi tiền vào Ngân hàng CSXH, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo thói quen tiết kiệm, có kế hoạch chi tiêu quỹ tài chính của gia đình, tạo lập nguồn vốn tự có để mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, qua theo dõi hoạt động của tổ TK và VV hiện vẫn còn một số tồn tại như: việc kết nạp bổ sung tổ viên, cho tổ viên ra khỏi tổ, theo dõi tổng số tổ viên không chính xác; biên bản họp tổ lưu trữ không đầy đủ, sắp xếp thiếu khoa học; thông tin tổ viên trên hệ thống không khớp đúng với hồ sơ của tổ; tổ viên trả hết nợ, không phát sinh giao dịch với ngân hàng trong thời gian dài nhưng không làm thủ tục cho ra khỏi tổ; biên bản họp tổ thiếu nội dung thống nhất mức tiền gửi của tổ viên hàng tháng; Ban quản lý tổ chưa phân công nhiệm vụ, chưa có tổ phó…
Để tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK và VV, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo Phòng Giao dịch tại các huyện, thành phố tập trung củng cố tổ TK và VV, coi đây là công tác thường xuyên để đảm bảo các tổ TK và VV hoạt động theo đúng quy ước, đúng địa bàn dân cư và nâng cao năng lực hoạt động cho mạng lưới tổ TK và VV. Hàng tháng, căn cứ kết quả đánh giá chất lượng hoạt động tổ, Ngân hàng CSXH và các Hội, đoàn thể phối hợp với chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn các tổ xếp loại trung bình yếu, do vậy tỷ lệ tổ trung bình, yếu luôn ở mức thấp (khoảng 2% tổng số tổ). Cùng với đó, thường xuyên quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của tổ TK và VV, tập trung vào công tác bình xét cho vay, kiểm soát và xét duyệt hồ sơ đề nghị vay vốn đảm bảo tính chính xác của hồ sơ và khớp đúng giữa hồ sơ khách hàng, hồ sơ món vay… Chỉ đạo cán bộ ngân hàng chấn chỉnh việc kiểm tra, kiểm soát hồ sơ và thông tin khách hàng trước khi phê duyệt trên hệ thống, trước khi giải ngân, không để xảy ra các trường hợp sai sót về thông tin khách hàng, cho vay chồng chéo. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn cho Ban quản lý tổ và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã nhận uỷ thác, lưu ý việc quản lý, theo dõi tổ viên ra vào tổ, ghi chép biên lai, biên bản họp tổ, lưu trữ hồ sơ của tổ, hướng dẫn các hội, đoàn thể cấp xã việc kiểm tra sau cho vay, kiểm tra hoạt động của tổ TK và VV theo quy định; chứng kiến, giám sát việc họp tổ TK và VV và đặc biệt trong việc bình xét cho vay. Hàng tháng, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia sinh hoạt cùng với tổ TK và VV để tuyên truyền nâng cao ý thức của hộ vay trong việc trả nợ, trả lãi, sử dụng vốn đúng mục đích và ý nghĩa của việc tham gia gửi tiền qua tổ TK và VV. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam và nghị quyết của Ban đại diện HĐQT tỉnh, trong những tháng đầu năm 2021, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đã phối hợp với hội, đoàn thể các cấp nhận ủy thác, chính quyền địa phương thực hiện rà soát, chấn chỉnh hoạt động đối với 100% tổ TK và VV. Qua rà soát, kiện toàn đã giảm được 291 tổ so với đầu năm, số tổ quy mô nhỏ dưới 20 hộ giảm 385 tổ; nhờ đó đã nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới tổ TK và VV, góp phần chuyển tải, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng hiệu quả.
Đến ngày 31-10-2021, trên địa bàn tỉnh có 3.005 tổ TK và VV đang hoạt động tại các thôn xóm, tổ dân phố với 97.681 hộ vay, dư nợ 3.410,6 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 203,6 tỷ đồng. Bình quân 1 tổ quản lý 33 tổ viên. 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi của các tổ viên; chất lượng hoạt động của tổ TK và VV ngày càng được nâng lên đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, số tổ khá, tốt thường xuyên chiếm gần 99% tổng số tổ. Đánh giá chất lượng hoạt động tổ TK và VV đến tháng 10-2021, toàn tỉnh có 2.729 tổ xếp loại tốt, chiếm 90,8%; 207 tổ xếp loại khá, chiếm 6,9%; 66 tổ xếp loại trung bình, chiếm 2,19%; 3 tổ xếp loại yếu, chiếm 0,09%. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã được nâng lên rõ rệt với 200 xã xếp loại tốt (88,5%), 23 xã xếp loại khá (10,2%), 3 xã xếp loại trung bình (1,3%), không có xã xếp loại yếu.
Việc tập trung nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của các tổ TK và VV sẽ hỗ trợ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng dư nợ và kiềm chế tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,12% tổng dư nợ, đồng thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Bài và ảnh: Đức Toàn