Là địa bàn giáp ranh với thành phố Nam Định nên xã Tân Thành (Vụ Bản) có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển dịch vụ thương mại và tiêu thụ nông sản địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã có trên 30 doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản và kinh doanh dịch vụ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết việc làm tại chỗ cho khoảng 1.000 lao động địa phương và là điểm sáng của huyện trong chuyển đổi sản xuất, đổi mới cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Phát triển trồng hoa cúc đại đóa tại gia đình ông Nguyễn Xuân Thu, xã Tân Thành mang lại thu nhập khá. |
Để tạo thuận lợi phát triển sản xuất hàng hóa và thương mại dịch vụ, UBND xã đã tập trung nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông, thương mại; quy hoạch, chỉnh trang lại đồng ruộng. Đến nay, 100% đường dong ngõ đã được bê tông hóa; hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng và chợ trung tâm xã được kiên cố hóa với đầy đủ các công trình phụ trợ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kết nối giao thương, luân chuyển hàng hóa của người dân địa phương với các địa bàn lân cận. Trong đó, vùng trồng rau màu của xã đã được quy hoạch thành các vùng chuyên canh chính như: Vùng đất bãi ven sông được trồng chủ yếu các loại rau ngắn ngày như rau cải, đậu đỗ, rau diếp, xà lách… cho thu hoạch nhanh và tránh ngập úng; vùng đất gần chân đê được tận dụng trồng ngải cứu; diện tích đất vườn nhà, ven ngõ xóm, đất xen kẹt được tận dụng trồng các loại rau thơm, rau ngót, rau đay, mùng tơi; đất ruộng trũng tận dụng thả rau muống, rau rút… Khu vực phát triển thương mại dịch vụ được quy hoạch phát triển theo tuyến đường trục xã và dọc khu đất bãi ven đê sông Đào để xây dựng chợ dân sinh, tổ chức cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và khai thác kinh doanh vật liệu xây dựng, vận tải thủy. Bên cạnh đó xã hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay phát triển sản xuất và trang bị kiến thức, phổ biến kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp, tìm kiếm thị trường. Đến nay, ngoài diện tích canh tác lúa truyền thống, trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành công 24,4ha diện tích chuyên trồng rau màu các loại; xây dựng 30 trang trại, gia trại chăn nuôi tổng hợp. Nét độc đáo trong sản xuất nông nghiệp của Tân Thành là người dân mạnh dạn áp dụng biện pháp thâm canh trái vụ với trà sớm và muộn ở hầu hết các loại rau, xen canh giữa rau màu với hoa vụ tết để tăng hiệu quả kinh tế, giảm áp lực tiêu thụ dồn dập vào chính vụ. Để thực hiện được phương thức này, các hộ trồng rau trong xã đã tìm hiểu đặc tính của từng loại rau màu và tuân thủ tuyệt đối các biện pháp kỹ thuật như chọn hạt giống tốt, làm đất thật kỹ, sử dụng phân chuồng để bón lót tạo mùn cho đất. Đồng thời sử dụng các loại chế phẩm sinh học và thuốc bảo vệ thực vật theo đúng khuyến cáo của cơ quan chức năng để cây trồng phát triển tốt và an toàn cho người sử dụng… Làm theo cách này, một số loại rau như rau ngót, rau muống, rau đay, mùng tơi… trước đây chỉ cho thu hoạch theo mùa, nhưng hiện nay nông dân Tân Thành đã có thể canh tác, thu hái gần như quanh năm. Do biết tận dụng quỹ đất, lách thời vụ, cùng với trình độ thâm canh cao nên hệ số sử dụng đất trồng rau ở xã đạt cao, quay vòng 4-5 vụ/năm, các loại rau cho hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so với trồng chính vụ. Trồng rau màu từ nghề phụ đã trở thành nghề cho thu nhập chính của hơn 800 hộ dân trong xã. Ngoài sản lượng lúa, trung bình mỗi năm người dân trong xã xuất bán ra thị trường hàng trăm tấn rau màu các loại; trên 40 nghìn con gia cầm. Bên cạnh đó, do chủ động sản xuất, tự tìm kiếm thị trường và cung ứng sản phẩm nên không bị tư thương ép giá hay chi phí qua các khâu trung gian. Giá trị thu nhập từ nông nghiệp của xã có giá trị gia tăng cao. Bình quân thu nhập trên 1ha đất canh tác đạt trên 100 triệu đồng/năm, riêng diện tích trồng rau màu trung bình mỗi vụ có thu nhập 40-45 triệu đồng/ha. Đặc biệt tại thời điểm tháng 10, đầu tháng 11, rau xanh khan hiếm do thời tiết bất thuận nhưng vựa rau xã Tân Thành vẫn có nhiều sản phẩm cung ứng ra thị trường bởi khu vực này tiêu thoát nước tốt, kết hợp với áp dụng biện pháp canh tác truyền thống sử dụng rơm rạ, lưới che phủ trên mặt luống, hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết giao mùa, thiên địch và giữ ổn định môi trường đất. Đối với diện tích trồng rau màu xen canh giữa rau màu và hoa tết thu nhập của người trồng còn tăng hơn nhiều lần. Theo ước tính của ông Nguyễn Xuân Thu ở xóm 8, người đi đầu trong việc đưa cây hoa vào canh tác cho biết: Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng xen canh hoa cúc và rau màu, chúng tôi đã đúc kết thành công thức gieo mầm hoa từ tháng 7 âm lịch, khi cây phát triển tốt thì chuyển bầu. Đến khoảng cuối tháng 9, hoa phát triển cành mới bắt đầu dọn vườn, thu hoạch rau ngắn ngày, đưa hoa xuống vườn, chăm bón đến khi xuất bán. Trừ chi phí mỗi chậu hoa cho lãi từ 100-120 nghìn đồng. Như vậy, trồng rau sạch giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa, nhưng trồng hoa lại cao gấp 3 lần trồng rau và nếu “trúng vụ, được giá” thì còn cao gấp 5 lần so với trồng rau sạch mà tiêu thụ lại thuận lợi. Từ một vài hộ ban đầu như bà Bùi Thị Nga, xóm 7, các ông Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Hữu Đông cùng ở xóm 8… đến nay, cả xã đã có trên 30 hộ trồng rau xen canh hoa vụ tết, mang lại thu nhập cao và góp phần xây dựng nông thôn mới xã Tân Thành khang trang bền vững. Bên cạnh nghề trồng rau màu, các loại hình dịch vụ sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, kinh doanh cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nông cụ và phương tiện vận chuyển... của người dân đều được xã khuyến khích phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Trong đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến nông sản trên địa bàn hoạt động hiệu quả đã tạo nên không khí hối hả, tấp nập của vùng đất trước đây vốn chỉ thuần nông nghiệp. Không những thế, vào giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn xã có trên 100 người trở về từ các địa phương khác chưa có việc làm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng trên địa bàn là nơi thu dung, tạo việc làm cho lực lượng này, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh trật tự tại địa phương.
Đa dạng hóa sản phẩm và các loại hình dịch vụ nên tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã năm sau cao hơn năm trước, ước tính năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/năm; hộ gia đình khá, giàu đạt từ 30-45%. Để phát huy hết tiềm năng và lợi thế “cận thị, cận giang”, xã Tân Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thâm canh các loại rau màu, hoa cây cảnh mới có chất lượng cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt vào canh tác, tạo nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đất đai, vốn vay phát triển sản xuất và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn để thu hút đầu tư và giúp người dân tổ chức các khâu dịch vụ cung ứng hàng hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương