Những năm qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã tạo thêm kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý, là giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Đồng thời, qua chương trình cũng đã nâng cao tính chủ động và trách nhiệm chia sẻ khó khăn với khách hàng của các ngân hàng thương mại; mở rộng đầu tư tín dụng an toàn, hiệu quả.
Từ nguồn vốn ngân hàng, Công ty cổ phần May Sông Hồng đã duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động. |
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã nghiêm túc triển khai các cơ chế, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tạo điều kiện tiếp vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tổ chức các hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, lãi suất... tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung xác định rõ mục tiêu kinh doanh của đơn vị, trong đó chú trọng quan tâm đến chỉ tiêu tín dụng cho vay doanh nghiệp và định mức cụ thể cho từng cán bộ tín dụng của đơn vị. Tích cực củng cố, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng hoạt động; tiếp thị, mở rộng quan hệ thanh toán và phát triển các dịch vụ ngân hàng hiện đại... nhằm huy động tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trên thị trường để tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp vay. Chủ động tìm kiếm khách hàng đáp ứng các điều kiện tham gia chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp như: doanh nghiệp mới; doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng... để cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. NHNN Chi nhánh tỉnh chủ động gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh để nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của doanh nghiệp, phúc đáp theo thẩm quyền hoặc tiếp thu và trình NHNN Việt Nam đối với những đề xuất, kiến nghị vượt thẩm quyền. Các TCTD chủ động lựa chọn các hình thức kết nối, đối thoại phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như tổ chức hội nghị khách hàng để nắm bắt khó khăn, có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ kịp thời; chủ động tìm kiếm khách hàng đủ điều kiện tham gia chương trình; tổ chức hội nghị ký kết trực tiếp tại đơn vị 1 năm/lần có sự tham gia chứng kiến của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Cùng với đó, các TCTD cũng tập trung hạ, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các khách hàng tiếp cận với các gói tín dụng ưu đãi để phục hồi, giữ vững sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động. Triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là phí thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về các gói hỗ trợ của ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.
Qua các hoạt động trong khuôn khổ của chương trình, các đơn vị tham gia đã nhận diện chi tiết hơn những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn ngân hàng. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng tốt điều kiện vay vốn của các ngân hàng.
Những tháng đầu năm 2021, đã có 90 doanh nghiệp được giải ngân cho vay mới và tăng hạn mức tín dụng theo chương trình. Tổng số tiền cam kết cho vay là 1.564 tỷ đồng, đã giải ngân được 1.327 tỷ đồng, đạt 85% so với cam kết. Dư nợ hiện tại đạt 982 tỷ 705 triệu đồng. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn giải ngân được 359 tỷ 940 triệu đồng, cho vay khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa giải ngân được 74 tỷ 776 triệu đồng, cho vay kinh doanh hàng dệt may giải ngân được 141 tỷ 493 triệu đồng, cho vay khác giải ngân được 644 tỷ 408 triệu đồng, cho vay thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp giải ngân được 106 tỷ 483 triệu đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình đều sử dụng vốn hiệu quả, không có nợ xấu phát sinh. Đặc biệt, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tham gia chương trình. Chi nhánh NHNN tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các TCTD “vào cuộc” thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Theo báo cáo của các TCTD, đến ngày 15-9-2021, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch là 4.685 tỷ đồng. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho 182 doanh nghiệp có tổng dư nợ là 2.063 tỷ đồng.
Bên cạnh những nỗ lực từ phía các TCTD, chương trình còn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp của tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính còn hạn chế, thiếu tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản chưa được xác nhận. Bên cạnh đó, tính minh bạch, chính xác của thông tin liên quan đến tình hình tài chính và kinh doanh của doanh nghiệp chưa rõ ràng hoặc chưa đủ tin cậy. Ngoài ra, trình độ quản trị kinh doanh của một số doanh nghiệp yếu; thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn; dự án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi. Vì vậy, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng quy mô tín dụng. Để chương trình kết nối thực sự phát huy hiệu quả, ngoài sự chủ động từ phía các TCTD, bản thân doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh rõ ràng và mang tính chiến lược dài hơi, có mục tiêu, giải pháp cụ thể. Thực hiện cơ cấu lại tài sản chính xác, rõ ràng; minh bạch các báo cáo tài chính để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Thời gian tới, Chi nhánh NHNN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thủ tục, quy trình cho vay, rút ngắn thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Thực hiện công khai minh bạch quy trình, thủ tục cho vay; tiếp tục cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Chính phủ. Tạo điều kiện tối đa giúp doanh nghiệp tiếp cận với các khoản vay với lãi suất hợp lý đảm bảo an toàn tài chính và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, đảm bảo lãi suất ưu đãi với ngành, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình dịch COVID-19, chủ động rà soát khách hàng bị ảnh hưởng để xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ kịp thời theo quy định./.
Bài và ảnh: Đức Toàn