Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng dịp cuối năm

07:11, 22/11/2021

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của người dân càng lớn. Để “đón sóng” đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng, mua nhà, ô tô của người dân và doanh nghiệp, nhiều ngân hàng đã và đang tung ra các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất khá hấp dẫn.

Giải ngân vốn tín dụng tiêu dùng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Vụ Bản.
Giải ngân vốn tín dụng tiêu dùng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Vụ Bản.

Để kích cầu vốn vay, các ngân hàng đã giao chỉ tiêu đến từng bộ phận, nhân viên; nâng cao chất lượng dịch vụ; mở rộng mạng lưới hoạt động; đổi mới chính sách chăm sóc khách hàng; cải cách hành chính; giải ngân nhanh chóng… Đồng thời, kết nối với các siêu thị, trung tâm, cửa hàng thực hiện hỗ trợ lãi suất mua sắm, trả góp các mặt hàng thiết yếu trong gia đình. Hiện tại khách hàng có nhiều lựa chọn để vay vốn từ các ngân hàng LienVietPostbank, Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB… Thời gian qua, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên địa bàn đã dành 20 nghìn tỷ đồng triển khai chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi đối với khách hàng cá nhân khu vực đô thị. Chương trình bắt đầu áp dụng đối với các khoản giải ngân mới từ 1-7-2021 đến hết ngày 31-12-2021 hoặc đến khi hết quy mô của chương trình. Lãi suất cho vay ưu đãi từ 6,5% đến 7%/năm với mức cho vay tối đa dưới 4 tỷ đồng và thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi là 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Cùng với đó, Agribank cũng đang triển khai chương trình cho vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn lên đến 30 triệu đồng để phục vụ các khoản chi tiêu thanh toán đột xuất như: vật tư nông nghiệp; thanh toán các dịch vụ công như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… tại máy quẹt thẻ POS mà không cần tiền mặt hay phải chịu bất cứ một khoản phí thanh toán nào. Để triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình và các giải pháp góp phần hạn chế “tín dụng đen”, Agribank đã ưu tiên xét duyệt và giải ngân trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng.

Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định, từ nay tới hết 31-12-2021, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn mua ô tô sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 5,8%/năm với thủ tục phê duyệt chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Chi nhánh Nam Định cũng phối hợp với Công ty TNHH Ford Việt Nam triển khai chương trình ưu đãi độc quyền dành riêng cho khách hàng vay mua ô tô Ford Transit Luxury với lãi suất 0%/năm cố định trong 12 tháng. Cùng với đó, TPBank Chi nhánh Nam Định cũng dành nhiều ưu đãi khác như ân hạn trả nợ gốc 6 tháng đầu, tỷ lệ cho vay tới 75% giá trị ô tô và thời gian vay lên tới 7 năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) Chi nhánh Nam Định cũng triển khai gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh, mua/xây sửa bất động sản, mua xe ô tô với lãi suất từ 6,5%/năm, thời hạn ưu đãi lên đến 12 tháng. Các ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai gói cho vay “Kết nối - vươn xa”. Theo đó khách hàng được vay với lãi suất chỉ từ 5%/năm với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5%/năm đối với khoản vay kỳ hạn 6-12 tháng, đối tượng hướng đến là các khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Chi nhánh Nam Định cũng đang triển khai các gói cho vay tiêu dùng dành cho cán bộ, công nhân viên chức, đặc biệt là cán bộ hưu trí, có nhu cầu mua nhà, mua đất, sửa chữa nhà ở... với số tiền vay tối đa 500 triệu đồng, lãi suất 6,8%/năm, thời gian vay tối đa 30 tháng. Ngoài mức lãi suất ưu đãi, các ngân hàng còn linh hoạt xây dựng các gói sản phẩm riêng dành cho từng đối tượng khách hàng, thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ trả nợ linh hoạt, đẩy mạnh cho vay trực tuyến.

Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách y tế, các ngân hàng đã tích cực phát hành thẻ tín dụng ảo, vừa kích thích nhu cầu chi tiêu mua sắm, tiêu dùng, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh trong giao dịch. Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Nam Định triển khai nhiều dịch vụ ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua ngân hàng số, như: vay trực tuyến duyệt hồ sơ qua App HDBank, phương thức xác thực thông tin khách hàng trực tuyến (eKYC) trên ứng dụng HDBank..., giúp khách hàng thuận lợi hơn trong việc giao dịch mà không phải trực tiếp đến ngân hàng. Tại VPBank Chi nhánh Nam Định, khách hàng chỉ mất 5 phút đăng ký vay tiêu dùng tín chấp trên ngân hàng điện tử mà không cần bất kỳ hồ sơ giấy tờ nào, giải ngân trực tuyến chỉ sau vài phút, hạn mức vay từ 10-100 triệu đồng, với kỳ hạn vay từ 6-60 tháng, lãi suất vay dao động từ 15,9%/năm tính trên dư nợ giảm dần. Tương tự, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) Chi nhánh Nam Định cũng đưa ra gói vay siêu nhanh từ thẻ tín dụng với hạn mức tối đa lên tới 75% hạn mức thẻ tín dụng, với giá trị từ 5-100 triệu đồng. Thủ tục vay và giải ngân được thực hiện hoàn toàn trực tuyến trên App MBBank. 

Theo các nhà chuyên môn, tài chính tiêu dùng là một trong những giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế sau giai đoạn dài giãn cách, ngưng trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội thông qua đẩy mạnh tiêu dùng của người dân. Phát triển cho vay tiêu dùng thực chất, hiệu quả sẽ tạo lập được thói quen cho người dân tìm tới các ngân hàng, công ty tài chính tin cậy khi có nhu cầu vay để chi tiêu, hạn chế rơi vào bẫy “tín dụng đen” đầy rủi ro. Bên cạnh đó, cũng giúp cho người dân dần nâng cao nhận thức về tín dụng tiêu dùng, từng bước tiếp cận với xu thế thanh toán hiện đại quốc tế. Năm 2021 là năm đầy rẫy khó khăn với tín dụng và tín dụng tiêu dùng nói riêng, song tiềm năng tăng trưởng lĩnh vực này rất tốt với dư địa hết sức rộng mở. Để kích cầu tín dụng tiêu dùng thành công, trong 2 tháng cuối năm 2021, các ngân hàng vẫn cần xem xét giảm lãi suất cho vay về mức hợp lý nhất. Mặt khác, các ngân hàng cần nâng cao chất lượng xét duyệt hồ sơ, nhất là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh. Tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay, bố trí nguồn vốn phát triển các gói sản phẩm đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống; kiểm soát tốt chất lượng tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng; tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com