Kỳ 1: Chủ trương, giải pháp đúng và trúng
Nam Định là một “mắt xích” quan trọng trong hệ thống biển, đảo cả nước với bờ biển dài khoảng 72km của 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển). Thời gian qua, tỉnh ta đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện các giải pháp đúng và trúng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 26 (ngày 5-3-2020) của Chính phủ.
Công ty Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu) tạo việc làm cho hơn 300 lao động địa phương. |
Tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị khẳng định: Điều đáng ghi nhận trong chương trình phát triển kinh tế biển là tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương trong Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 để ban hành các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2015-2020), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020- 2025); Chương trình hành động số 28-CT/TU ngày 5-12-2018 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 12-4-2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 22-7-2020 của UBND tỉnh triển khai Đề án hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển tỉnh đến năm 2030 đều xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia. Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh thời gian qua đều xác định rõ các nhiệm vụ phải thực hiện; trong đó “tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm và phát triển các ngành kinh tế biển” là những nhóm nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện. Việc phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ định hình rõ nét vùng kinh tế biển mà còn tạo nền tảng thuận lợi để thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế biển. Vì vậy tỉnh ưu tiên đầu tư 3 nhóm công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm gồm: xây dựng không gian phát triển kinh tế biển của tỉnh, hạ tầng giao thông; hệ thống đê điều, thủy lợi đảm bảo chống chịu thiên tai, thoát lũ, phòng chống biển xâm thực, xói lở bờ biển. Nhiệm vụ phát triển các ngành kinh tế biển được chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm: du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển.
Tàu thuyền của ngư dân xã Giao Hải (Giao Thủy) ra khơi. |
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân thống nhất tư tưởng, nhận thức, xác định nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền lợi của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Theo Sở KH và ĐT, điểm nhấn trong số các giải pháp, các nhiệm vụ trọng tâm mà các ngành chức năng đã thực hiện để thúc đẩy kinh tế biển phát triển gồm: chủ động xây dựng, triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch liên quan tạo cơ sở để triển khai thực hiện các chủ trương phát triển kinh tế biển. Cụ thể, đã nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 phù hợp với Luật Quy hoạch và Nghị quyết 36-NQ/TW; đã triển khai xây dựng và phê duyệt quy hoạch khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông; báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha trên địa bàn hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng vào Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 với kỳ vọng trở thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; quy hoạch các CCN với tổng diện tích hơn 500ha ở khu vực ven biển... Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung thực hiện các quy hoạch liên quan đến phát triển kinh tế biển. Đã tham mưu tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, sinh thái của tỉnh. Ngoài nguồn vốn ngân sách, đã tập trung thu hút, kêu gọi, huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài, nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế và các nguồn vốn hợp pháp khác để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, ưu tiên các công trình phục vụ thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế biển gồm hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng các khu, CCN ven biển…
Các huyện ven biển đã căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương đề xuất các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tạo chuyển biến căn bản trong đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, toàn diện; trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, CCN ven biển và thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp không ngừng phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng liên kết sản xuất. Tăng cường hướng dẫn, huy động toàn dân chung sức bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai tại khu vực biển, ven biển. Tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh, tuân thủ các quy định pháp luật trên vùng biển và ven biển của tỉnh.
Báo cáo đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 và Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua, nhất là giai đoạn 2016-2020 đã khẳng định có sự đóng góp rất lớn của các ngành kinh tế biển; đồng thời nhấn mạnh tỉnh đã cơ bản hình thành 3 vùng kinh tế, trong đó có vùng kinh tế biển. Kết quả này cho thấy chủ trương, giải pháp đúng và trúng của tỉnh là cơ sở để các cấp, ngành, các địa phương của tỉnh tiếp tục vững tin, quyết tâm nỗ lực đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, phát huy trí tuệ tập thể, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển.
(còn nữa)
Bài: Thanh Thúy
Ảnh: Thanh Thúy và Việt Thắng