An toàn vệ sinh lao động trong các làng nghề

07:06, 07/06/2021

Hiện nay tỉnh ta có 142 làng nghề các ngành, lĩnh vực như: cơ khí, đúc; dệt may; thủ công mỹ nghệ; mộc, chế biến lương thực, thực phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm, trồng cây cảnh; tái chế phế liệu… Bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề hiện cũng đang phải đối diện với các yếu tố nguy hiểm, độc hại như bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh, lao động (ATVSLĐ) và ô nhiễm môi trường.

Nghề đan cói xã Xuân Phú (Xuân Trường).
Nghề đan cói xã Xuân Phú (Xuân Trường).

Thực trạng

Làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) hiện có hơn 200 hộ làm nghề cơ khí, đúc nhôm với các sản phẩm chủ yếu là đồ nhôm gia dụng, nhôm thỏi. Đây là nghề có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, vẫn có không ít người lao động chưa thực sự quan tâm đến việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất: không đeo găng tay khi cắt gọt kim loại, không đội mũ, mặc quần áo bảo hộ lao động…

Một số xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc. Đặc biệt môi trường sống bên trong và xung quanh làng nghề bị ô nhiễm đang trở thành vấn đề bức xúc đối với làng nghề Bình Yên do chất thải công nghiệp. Kết quả kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, nồng độ các loại hóa chất độc hại trong khí thải, tiếng ồn đều vượt tiêu chuẩn cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những người trực tiếp lao động sản xuất. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020 của UBND tỉnh, làng nghề Bình Yên có nồng độ thông số NO2 vượt quy chuẩn cho phép từ 1,09 đến 1,18 lần (năm 2015, 2018); mức ồn có giá trị trung bình cao nhất là 75,58dBA (năm 2019) vượt quy chuẩn cho phép 1,08 lần… Nguyên nhân là do phần lớn các hộ sản xuất trong làng nghề chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra ngoài môi trường trong khi đó, thành phần khí thải phát sinh từ công đoạn cô nhôm, đốt than, tẩy rửa sản phẩm bao gồm khí CO, SO2, NO2, bụi kim loại, hơi axit, hơi xút và các hợp chất độc hại khác. Các khâu sản xuất gây tiếng ồn, bụi, khí thải độc hại chưa được bố trí khu riêng và trang bị hệ thống chống ồn, giảm bụi.

Tình trạng này cũng diễn ra tại làng nghề cơ khí Đồng Côi, thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Các hộ làm nghề tổ chức sản xuất ngay tại nhà ở hoặc cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, nơi làm việc tạm bợ, thiếu ánh sáng, không đảm bảo quy định phòng cháy, chữa cháy… Nhiều lao động làm việc tại các cơ sở sản xuất của làng nghề theo mùa vụ, không được trang bị kiến thức và giáo dục ý thức bảo đảm ATVSLĐ, chưa hiểu biết các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Nhiều chủ sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động như đóng BHXH, BHYT và đảm bảo ATVSLĐ. Về phía người lao động chỉ quan tâm đến tiền công, tự đánh mất các quyền lợi chính đáng của mình. Do đó, khi xảy ra tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động chỉ hỗ trợ một phần, người lao động phải tự lo các khoản chi phí. Các phương tiện đảm bảo môi trường lao động như hệ thống đèn chiếu sáng, quạt thông gió, hút khí độc còn thiếu, không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải… Ở các làng nghề: sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh; mây tre đan Yên Tiến (Ý Yên), cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường)… vẫn tồn tại tình trạng sử dụng hóa chất độc hại như axit, xút, dung dịch mạ, dung môi hữu cơ, sơn màu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động và người dân địa phương. Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm như làng nghề làm bún phở Phong Lộc (Nam Phong), làng nghề nước mắm Sa Châu (Giao Châu)... ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi thối, khó chịu và gây ô nhiễm mùi cả một khu vực rộng vào một số thời điểm nhất định.

Những giải pháp

Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ tại các làng nghề, hàng năm, Sở LĐ-TB và XH đã triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất như: Xây dựng các cụm pa nô, áp phích; phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN); biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tổ chức các lớp huấn luyện về công tác ATVSLĐ cho chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh ở một số làng nghề có nguy cơ cao mất ATVSLĐ; triển khai các đề án, mô hình cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động. Thời gian gần đây, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB và XH), tư vấn xây dựng mô hình ATVSLĐ khu vực phi kết cấu tại các làng nghề (xã Yên Ninh, xã Yên Tiến, thị trấn Lâm huyện Ý Yên); hỗ trợ thí điểm phòng, chống tai nạn lao động khi sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ trong khu vực phi kết cấu trên địa bàn huyện Xuân Trường. Hàng năm, UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, các ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại các làng nghề có nguy cơ mất ATLĐ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có làng nghề đã huy động cả hệ thống chính trị tìm hướng giải quyết lâu dài những vấn đề về môi trường, ATVSLĐ… Để đảm bảo công tác ATVSLĐ, thị trấn Lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên hệ thống loa truyền thanh, phân công cán bộ đến từng hộ sản xuất ở làng nghề đúc đồng Tống Xá để nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN. Qua đó, nhận thức và ý thức tự giác của các chủ cơ sở sản xuất cũng như người lao động về thực hiện ATVSLĐ đã từng bước được cải thiện. UBND xã Nam Thanh (Nam Trực) thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, ATVSLĐ của các hộ sản xuất trong làng nghề, qua đó nhắc nhở các trường hợp sai phạm, vận động các hộ sản xuất khắc phục. Xã Nam Thanh tổ chức nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh dẫn các đoạn sông xung quanh làng nghề đảm bảo lưu thông nước thải, tiêu thoát nước. Nhiều xã, thị trấn cũng tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư các công trình bảo vệ môi trường làng nghề. Làng nghề Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) đã được đầu tư hệ thống thu gom nước thải công nghiệp dẫn qua 2 hồ điều hòa để lắng cặn trước khi xả ra ngoài môi trường. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã đầu tư cải tạo, khơi thông hệ thống cống rãnh, mương thoát nước trong làng nghề đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, ứ đọng nước mưa, nước thải; bởi vậy cảnh quan môi trường làng nghề dần thay đổi, chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo ATVSLĐ trong các làng nghề, các huyện, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các ngành chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực ATVSLĐ tại các làng nghề và có chế tài xử phạt nghiêm khắc các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATVSLĐ./.

Bài và ảnh: Viết Dư



Tin đăng viec lam quan 7 tại Vieclam24hTổng hợp template cv mới nhấtSản xuất giấy vệ sinh cuộn lớn

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com