Trực Ninh chủ động phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"

06:05, 24/05/2021

Ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, huyện Trực Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai nhiều giải pháp, phương án chủ động phòng chống thiên tai (PCTT) với phương châm “4 tại chỗ”, lấy phòng là chính; tích cực chuẩn bị mọi điều kiện chủ động ứng phó với mọi tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua xã Trực Chính được kiên cố hóa để ứng phó với mưa lũ (Ảnh chụp trước ngày 27-4).
Tuyến đê hữu sông Hồng đoạn qua xã Trực Chính được kiên cố hóa để ứng phó với mưa lũ (Ảnh chụp trước ngày 27-4).

Thị trấn Ninh Cường có 1,5km đê sông Ninh Cơ. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác PCTT năm 2021, ngay từ đầu tháng 5, thị trấn đã tổ chức phát quang mái đê, cơ đê và tập trung giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đê điều. Trong đó tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về hành lang an toàn bảo vệ đê như trồng cây, hoa màu trên đê. Chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết cực đoan, UBND thị trấn đã xây dựng phương án ứng phó chống hạn, chống úng, chống rét hại, nắng nóng kéo dài. Hiện thị trấn đã xây dựng được lực lượng xung kích ở 16 tổ dân phố với 184 người, lực lượng tuần tra canh gác đê 12 người. Căn cứ chỉ tiêu huyện giao, Ninh Cường đã chuẩn bị một số vật tư dự trữ gồm 10 chiếc áo phao cứu sinh, 30 chiếc phao tròn cứu sinh, 100m dây thừng, 2 chiếc đèn báo bão cùng các vật tư như: 1.000 cọc tre loại 2-3m, 2 máy xúc, 3 xe tải 3-5 tấn, 100m3 đá dăm; 100m3 cát, 1000m3 đất, 200 lít xăng A92 200 lít, 100 lít dầu hỏa, 100 lít dầu Diezen, 500 thùng mì tôm, 100 thùng nước uống, 300 hộp lương khô… sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Là xã nội đồng song thường xuyên chịu ngập úng lúa, cây hoa màu mỗi khi có mưa lớn, hiện Trực Tuấn đã tu bổ, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng; nạo vét kênh mương và từng bước nâng cấp, kiên cố hóa các kênh cấp III nhằm đáp ứng tốt cho sản xuất nông nghiệp cũng như công tác PCTT. Trong chiến dịch thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2020-2021, Trực Tuấn đã đào đắp, nạo vét được trên 7.000m3 đất (đạt 117% kế hoạch) khơi thông dòng chảy phục vụ tưới, tiêu nước. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các thôn, xóm tổ chức phát quang các trục đường trong ngõ và thông báo cho lực lượng xung kích thường xuyên có mặt ở nhà, sẵn sàng nhận lệnh tham gia ứng cứu PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kịp thời theo sự điều động của Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã; xây dựng kế hoạch sơ tán những hộ cụ già, cô đơn, các đối tượng chính sách xã hội, các hộ có nhà ở không đảm bảo an toàn. Hiện các vật tư dự trữ như bao tải, tre, máy bơm nước tự động, máy bơm điện cơ động, lương thực, thực phẩm… đã được xã chuẩn bị đầy đủ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Mặc dù không phải là huyện ven biển nhưng nằm trên lưu vực của 2 con sông lớn (sông Hồng, sông Ninh Cơ) nên huyện Trực Ninh thường xuyên chịu thiệt hại công trình thủy lợi, đê điều và tài sản của nhân dân do ảnh hưởng bởi mưa to, bão mạnh, lũ lớn, triều cường… Để chủ động ứng phó trước mọi tình huống thiên tai xảy ra, trước mùa mưa bão năm 2021, huyện đã chủ động kiểm tra, rà soát các công trình PCTT trước mùa mưa bão. Qua đó đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm công trình đê điều trong năm 2021 gồm: kè Phượng Tường đoạn từ K6+067 đến K6+347 xã Việt Hùng; đoạn đê Trực Thanh từ K16+650 đến K16+950 xã Trực Thanh; kè Đò Mới đoạn từ K19+540 đến K20+300 xã Trực Đại đều trên tuyến đê sông Ninh Cơ. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng lực lượng tại chỗ đội xung kích PCTT, tối thiểu mỗi xã, thị trấn 70 người sẵn sàng ứng cứu khi cần gồm dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện... Với các xã, thị trấn có đê bố trí thêm lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm, mỗi điếm canh đê 12 người được tập huấn kỹ thuật tuần tra, canh gác, hộ đê giờ đầu. Hiện nay, 4.153m3 đá hộc dự trữ phòng chống lụt bão đã được tập kết tại các tuyến đê; trong đó 1.890m3 tại đê hữu sông Hồng thuộc thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Chính; 2.263m3 tại đê hữu sông Ninh Cơ thuộc các xã Phương Định, Việt Hùng, Trực Thuận và thị trấn Cát Thành. Các vật tư tại chỗ PCTT khác gồm 9 bộ nhà bạt loại 16,5m2, 6 bộ nhà bạt loại 24,75m2, 2 bộ nhà bạt loại 60m2, 220 chiếc áo phao cứu sinh, 390 chiếc phao tròn cứu sinh… đã được dự trữ trong kho của huyện. Huyện đã phân bổ 160 chiếc áo phao cứu sinh, 500 chiếc phao tròn cứu sinh về các xã, thị trấn có đê; phân bổ 2 bộ nhà bạt loại 16,5m2 về  Ban CHQS huyện. Huyện Trực Ninh cũng chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chuẩn bị tối thiểu 2.000 bao tải, có kế hoạch huy động 500 cây tre đến vị trí cụ thể; các xã, thị trấn có đê dự kiến vị trí thuận lợi để khai thác tối thiểu 1.000m3 đất hộ đê khi cần thiết. Ban chỉ huy PCTT và TKCN các xã, thị trấn có phương án chuẩn bị hậu cần, ký hợp đồng nguyên tắc với tổ chức, cá nhân để cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước... khi cần huy động. Thực hiện chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2020-2021, toàn huyện đã nạo vét, đào đắp được gần 250 nghìn m3 đất; xây mới và sửa chữa 3 công trình đầu mối, 39 công trình cấp I, cấp III, 485 cống cấp III, 850 cống bi. Để chủ động chống úng trong mùa mưa bão, huyện Trực Ninh yêu cầu 2 Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Ninh và Hải Hậu lập, triển khai các phương án PCTT, phòng, chống úng vụ mùa; chủ trì phối hợp các xã, thị trấn tổ chức giải tỏa vi phạm, vật cản đảm bảo kênh mương thông thoáng; kiểm tra kỹ thuật các công trình thủy lợi, vận hành thử các trạm bơm, phát hiện hư hỏng và tiến hành sửa chữa kịp thời, phục vụ tốt cho công tác PCTT. Đồng chí Lưu Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm đảm bảo an toàn công trình PCTT, hiện nay Trực Ninh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh đầu tư xây dựng kè lát mái hộ bờ tại một số đoạn đê trên sông Ninh Cơ; xây dựng trạm bơm tiêu Rõng (xã Trực Thuận), Nam Tân (xã Trực Nội) trên đê hữu sông Ninh Cơ; tu bổ, nâng cấp đê bối các xã Phương Định, Trực Chính…

Với sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống của chính quyền địa phương với phương châm “4 tại chỗ”, chắc chắn công tác PCTT của huyện Trực Ninh sẽ phát huy hiệu quả, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi mưa bão xảy ra./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com