Với mục tiêu xây dựng phát triển, hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, thời gian qua thành phố Nam Định đã và đang tập trung huy động, bố trí nguồn vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. Tuy nhiên do nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội rất lớn trong khi nguồn lực còn hạn hẹp, đến nay, một số chức năng trung tâm vùng vẫn chưa chuyển biến rõ nét. Nguyên nhân chính của bất cập trên được thành phố xác định là do: Quy mô nền kinh tế nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành phố là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, thành phố chưa khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất. Từ đó, kéo theo thành phố chưa có nguồn thu ngân sách cao và ổn định, cộng với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 càng khiến nguồn thu ngân sách và công tác điều hành ngân sách gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh bố trí cho các công trình đầu tư tại địa bàn thành phố còn hạn chế, còn phụ thuộc vào ngân sách Trung ương hỗ trợ. Trong thời gian qua, công tác xúc tiến thu hút đầu tư đã được quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt nhưng cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng, phát triển thành phố, nhất là về cơ chế xã hội hóa các nguồn lực, chưa được nghiên cứu, ban hành. Nhìn chung chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong nước và quốc tế có tiềm lực mạnh đầu tư các dự án lớn, trọng điểm vào địa bàn. Chưa thực hiện được nhiều dự án đầu tư theo hình thức PPP để tranh thủ nguồn vốn của các thành phần kinh tế, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Để khắc phục bất cập kể trên, thành phố Nam Định xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn 2021-2025 là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động, bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố. Trước tiên, thành phố tập trung khai thác hiệu quả nguồn vốn đầu tư công đoạn 2021-2025 theo hướng sử dụng là nguồn vốn “mồi” trong đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển trên địa bàn. Cụ thể, trong năm 2021, tỉnh ưu tiên bố trí cấp lại 100% vốn từ thu tiền sử dụng đất tái định cư cho nhân dân làm nhà ở các khu đô thị tại thành phố với tổng vốn dự kiến là 205 tỷ đồng; dự kiến bố trí 28 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ thực hiện chương trình xây dựng thành phố Nam Định hình thành rõ nét một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Thành phố đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công theo hướng chủ động xây dựng và thực hiện có chất lượng kế hoạch danh mục các dự án; ưu tiên thực hiện trước các dự án xây dựng trọng tâm, trọng điểm, tạo đột phá cho hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ, hiện đại; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tiến độ thực hiện, giải ngân nhanh và sớm đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả; tập trung nghiên cứu, đề xuất để tỉnh thực hiện hiệu quả chủ trương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư (bao gồm nguồn vốn đầu tư công, nguồn xã hội hóa, huy động đóng góp từ cộng đồng). Trong đó, để tăng nguồn vốn đầu tư công cần đặt trọng tâm tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước qua việc tăng thu từ quỹ đất (chú trọng xây dựng cơ chế tạo quỹ đất để khai thác hiệu quả hơn theo hướng phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí, khách sạn cao cấp...); tạo nguồn thu từ mặt nước (các ao hồ do thành phố quản lý). Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị góp phần nâng cao khả năng đóng góp cho ngân sách thành phố. Chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xứng đáng vai trò là đơn vị đầu tàu của tỉnh; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với nhiều loại hình, quy mô, phù hợp với xu thế phát triển của cả tỉnh; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến. Đặc biệt, thành phố tập trung nâng cao vị thế, chủ động thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách; mở rộng các hình thức đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước bỏ vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án sản xuất, kinh doanh; khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên các lĩnh vực.
Thành phố yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường cần chủ động xây dựng kế hoạch, có biện pháp cụ thể để chỉ đạo, điều hành việc huy động nguồn lực trong giai đoạn 2021-2025; nâng cao tính năng động và tiên phong của người đứng đầu trong cải cách hành chính, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. Công khai rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư thực hiện tốt như: Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, quy hoạch phân khu phía nam sông Đào, quy hoạch chi tiết hai bên Đại lộ Thiên Trường, tuyến đường dẫn cầu Tân Phong và đường trục phía nam sông Đào... Đẩy mạnh thu hút có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh; hướng tới thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các tập đoàn lớn trong nước như: VinGroup, SunGroup... chung sức cùng thành phố đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, từng bước hình thành rõ nét một số chức năng của đô thị trung tâm vùng./.
Thanh Thúy