Những năm gần đây, cùng với việc tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích đất canh tác thì việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh chú trọng thực hiện, góp phần bảo đảm khung thời vụ, nâng cao năng suất, giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân xã Hồng Thuận (Giao Thủy) sử dụng bình phun động cơ điện để phun thuốc trừ sâu cho lúa (Ảnh chụp trước ngày 27-4). |
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích khoảng 700ha nên Công ty TNHH Cường Tân (Trực Ninh) luôn tích cực áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất. Thời gian qua, được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ, Công ty đã cử 7 cán bộ tham gia khóa đào tạo kỹ thuật điều khiển thiết bị bay phục vụ việc phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa. Sau khi hoàn thành khóa học, Công ty đã quyết định thành lập Tổ dịch vụ nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu cho toàn bộ diện tích lúa của Công ty và các HTX nông nghiệp có nhu cầu tại địa phương. Anh Nguyễn Cảnh Toàn, cán bộ kỹ thuật Công ty cho biết: Sau khi nghiên cứu, chúng tôi quyết định lựa chọn thiết bị HLD-18 là máy bay không người lái đa rotor chạy động cơ điện, có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng, hoạt động theo chế độ thiết lập đường bay, điều chỉnh chế độ phun tự động cho lúa, các loại cây trồng khác và trên nhiều địa hình khác nhau. HLD-18 có khối lượng đầy tải 23,8kg, thể tích dung dịch phun tối đa 10 lít, độ rộng phun 4-6m, thời gian phun tối đa/1 lượt bay 11 phút, tầm xa điều khiển cực đại 900m; hệ thống điều khiển tự động hoàn toàn, dễ sử dụng, chi phí thấp; gọn, nhẹ, vận chuyển thuận tiện; công nghệ phun tự động điều chỉnh, tăng độ thẩm thấu. Việc phun thuốc trừ sâu bằng thiết bị HLD-18 sẽ tiết kiệm được từ 5-10% lượng thuốc, nước, hiệu suất lao động bằng khoảng 20 lao động thủ công và đảm bảo an toàn cho người nông dân do không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân mỗi ngày thiết bị HLD-18 có thể phun cho khoảng 25-30ha.
Không chỉ riêng ở Công ty TNHH Cường Tân mà hiện nay, được các cấp chính quyền, ngành chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện, bà con nông dân trong tỉnh đều chú trọng ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Các huyện, thành phố đang tập trung thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản. Hàng năm, Chi cục Phát triển nông thôn đều tổ chức các lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động thu hút hàng trăm học viên tham gia. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cùng các địa phương đã kết nối doanh nghiệp với các HTX và nhóm hộ nông dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất, tập trung ruộng đất, trang bị máy móc để hình thành một số mô hình liên kết liên kết chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ nông sản hàng hóa và mô hình kinh tế hợp tác, điển hình là: Công ty TNHH Cường Tân đã thuê gom, tích tụ được gần 700ha ruộng đất để xây dựng mô hình cánh đồng lớn sản xuất giống lúa; Công ty TNHH Toản Xuân phối hợp với các HTX trong tỉnh xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định với quy mô gần 1.000ha; Công ty Cổ phần Rau quả Ngọc Anh sản xuất rau quả sạch, rau quả công nghệ cao, trồng hoa, cây cảnh. Trong chăn nuôi, các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH Biển Đông DHS, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Phát, Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương… đã đầu tư công nghệ chế biến sản xuất các sản phẩm thủy sản cấp đông, sấy khô cung cấp cho thị trường. Hiện, toàn tỉnh có 377 doanh nghiệp, gần 540 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Các doanh nghiệp nông nghiệp tạo việc làm cho khoảng trên 7.000 lao động với thu nhập bình quân 40-70 triệu đồng/người/năm. Đã có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm điển hình như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông DHS, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam... Cơ giới hóa tiếp tục phát triển nhanh ở tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện điều kiện làm việc cho người nông dân. Riêng trong sản xuất lúa, gạo toàn tỉnh có gần 6.000 máy làm đất; 167 máy cấy lúa bằng mạ khay đảm bảo cơ giới hoá khâu gieo cấy đạt 6% diện tích; 4.522 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ đảm bảo 80% diện tích; 1.286 máy gặt đập liên hợp đảm bảo thu hoạch đạt tỷ lệ 95% diện tích. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa, mức tổn thất sau thu hoạch đối với lúa, gạo hiện chỉ còn 7%, với ngô 10% và rau quả 10%. Trong thủy sản, tỷ lệ cơ giới trong khâu sản xuất, chế biến thức ăn đạt 68%, sục khí ao đầm nuôi công nghiệp đạt 100% và cung cấp nước đạt 80%. Trong chăn nuôi có 241 hệ thống ăn bán tự động, uống tự động, mức cơ giới hóa đạt 29%; 643 hệ thống làm mát và vệ sinh chuồng nuôi, mức cơ giới hóa đạt 20%; có 786 máy nghiền, trộn thức ăn cho gia súc; 598 máy chế biến thức ăn thô (băm, thái cỏ) tỷ lệ cơ giới hóa đạt 25%. Trong lĩnh vực chế biến, bảo quản khâu làm khô, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 90 máy sấy lúa, trong đó chủ yếu là máy sấy tĩnh vỉ ngang với 1 tháp sấy, công suất trung bình từ 15-20 tấn thóc/mẻ, đảm bảo 25% sản lượng. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Các sản phẩm sản xuất đã từng bước tạo dựng thương hiệu và được thị trường chấp nhận.
Để thúc đẩy phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở NN và PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về các cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch; nhất là việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất như theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Văn Đại