Vai trò của Hợp tác xã trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

08:04, 19/04/2021

Sau 2 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là một trong bốn tỉnh thực hiện tốt nhất. Cả 10/10 huyện, thành phố đều có sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh có 146 sản phẩm của 80 đơn vị gồm 35 doanh nghiệp, 18 HTX và 27 hộ sản xuất, kinh doanh được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Qua đó đã khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế HTX trong việc triển khai và thực hiện chương trình.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP tại đại hội thành lập Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định.
Giới thiệu các sản phẩm OCOP tại đại hội thành lập Hiệp hội văn hóa ẩm thực Nam Định.

Xác định việc triển khai chương trình OCOP là giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất ở nông thôn, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập, hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, các HTX trong tỉnh đã chủ động hưởng ứng chương trình. HTX dịch vụ Linh Phát, xã Hải Chính (Hải Hậu) chuyên sản xuất nấm linh chi, nấm bào ngư có 3 sản phẩm gồm: Rượu nấm linh chi Linh Phát, Nấm linh chi Linh Phát, Nấm bào ngư Linh Phát đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX cho biết, tham gia chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến, thị trường được mở rộng, giá trị sản phẩm được tăng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX. Từ năm 2017, HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên) đã tích tụ ruộng đất để sản xuất rau theo mô hình VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao. Các sản phẩm rau của HTX Nam Cường đều đạt tiêu chuẩn, được cung cấp cho Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh, Công ty cổ phần Rau sạch Ngọc Anh, Công ty Green và các bếp ăn tập thể. Năm 2019, HTX Nam Cường có 3 sản phẩm gồm rau muống, đậu bắp, dưa chuột được UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm OCOP, xếp hạng 3 sao. Năm 2020, HTX tiếp tục có thêm 5 sản phẩm OCOP gồm cải bắp, cải ngồng, su hào, khoai tây, cải bó xôi được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. HTX chế biến nông sản Bốn Thuận, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) được thành lập năm 2018, đến nay, HTX đã phát triển lên 9 thành viên chuyên sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo với sản lượng khoảng 10 nghìn tấn/năm. Để có một sản phẩm gạo sạch, trong suốt quá trình chăm sóc và phòng trừ dịch hại, các thành viên HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định không dùng thuốc hóa học, thuốc kích thích, thuốc diệt cỏ… Việc xay xát, chế biến, đóng gói của HTX cũng được thực hiện theo các nguyên tắc: Không sử dụng chất bảo quản, không ủ hương liệu, không xát gạo trắng quá, kiểm soát gạo thành phẩm, bảo quản trong kho thoáng mát đúng tiêu chuẩn quy định. Thương hiệu “Gạo sạch Bốn Thuận” vinh dự là một trong những đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên được Bộ NN và PTNT công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, hạt giống, quy trình canh tác, bảo quản không hóa chất được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á theo tiêu chuẩn HACCP. Năm 2020, sản phẩm gạo sạch Bốn Thuận được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra còn phải kể đến HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) với sản phẩm gạo nếp thơm Giáo Lạc được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao; HTX nấm Nhật Bằng, xã Trực Thái (Trực Ninh) với sản phẩm nấm linh chi xếp hạng OCOP 3 sao. HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với 2 sản phẩm thịt lợn Yên Lợi và thịt heo hun khói được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao. HTX dược liệu ACT Hải Hậu với sản phẩm cao dây thìa canh đạt OCOP 3 sao…

Triển khai chương trình OCOP, tỉnh ta đã xác định rõ 3 đối tượng chủ thể để phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm: Hộ cá thể tập trung vào sản phẩm đặc sản của vùng, miền; các HTX, tổ hợp tác tập trung vào nhóm sản phẩm liên quan đến đông đảo người dân; các doanh nghiệp tập trung vào nhóm sản phẩm phát triển theo liên kết chuỗi... Với vai trò quan trọng, các HTX đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ gắn với chuỗi giá trị; phát triển sản phẩm OCOP gắn với đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao. Đến nay, đã có trên 70 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị; trên 30 sản phẩm của HTX được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao và 4 sao, chiếm trên 20% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Thực tế cho thấy, khi tham gia chương trình OCOP, các HTX được nâng cao năng lực về xây dựng phương án kinh doanh, quản trị sản xuất, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm... Từ hiệu quả của chương trình, các HTX trong tỉnh không ngừng đổi mới, cải tiến chất lượng, bao bì, mẫu mã đáp ứng yêu cầu thị trường, huy động nguồn lực hiện có của các thành viên để mở rộng phát triển sản xuất, hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, xác định xúc tiến thương mại là khâu chủ chốt trong chuỗi giá trị, một số HTX đã trở thành đơn vị kết nối cung - cầu, phát triển hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, sự kiện lớn trong và ngoài tỉnh. Qua đó đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 tỉnh ta có 300 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các thành viên HTX; hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách, hỗ trợ máy móc, thiết bị, nhà xưởng để nâng cao năng lực sản xuất, quản lý chất lượng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với hình thức đa dạng từ các hội chợ, sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Phấn đấu mỗi HTX có ít nhất 1 sản phẩm chủ lực sản xuất gắn với chuỗi giá trị được đánh giá xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com