Tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất

07:04, 05/04/2021

Những năm gần đây, chuột có xu hướng gia tăng gây hại trên nhiều loại cây trồng, mùa vụ. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, trong năm 2020, các địa phương trong tỉnh đã tích cực diệt chuột bằng nhiều biện pháp nhưng vẫn có 885ha lúa bị chuột gây hại, trong đó diện tích hại nặng là 26ha. Để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, ngành Nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp để phòng, chống chuột phá hoại, bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Người dân xã Yên Lương (Ý Yên) sử dụng ni-lon để quây ruộng hạn chế chuột phá hại lúa xuân.
Người dân xã Yên Lương (Ý Yên) sử dụng ni-lon để quây ruộng hạn chế chuột phá hại lúa xuân.

Hưởng ứng chiến dịch ra quân diệt chuột, bảo vệ sản xuất đợt 2 từ ngày 25-2 đến cuối tháng 3-2021 do ngành Nông nghiệp phát động, bà con nông dân các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân, sử dụng các biện pháp sinh học, thủ công và hóa học để diệt chuột. Bác Nguyễn Thị Nhung ở đội 4, xã Yên Lương (Ý Yên) cho biết: Những năm gần đây, tình trạng cây trồng bị chuột phá hại liên tục gia tăng, nhất là ruộng lúa ven làng. Để bảo vệ hơn 5 sào lúa xuân, tôi đã phải mua hơn 13kg ni-lông, cọc tre quây kín chung quanh ruộng ngăn chuột; đồng thời đặt các loại bẫy kẹp, bẫy sập, bẫy dính ở lối đi để bắt chuột. Nhờ đó đến nay, toàn bộ ruộng lúa của gia đình tôi mới an toàn, lúa sinh trưởng phát triển tốt và bắt đầu đứng cái làm đòng… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột phát hại ngày một nhiều là do cơ cấu cây trồng, mùa vụ nông nghiệp ngày càng đa dạng, việc xen canh, gối vụ liên tục có nguồn thức ăn cho chuột trên đồng ruộng, cùng với diện tích đất bỏ hoang hóa và các khu, cụm công nghiệp gia tăng... là điều kiện thuận lợi để chuột sinh sản, phát triển nhanh quần thể. Trong khi đó, các loại thiên địch của chuột là mèo, rắn lại suy giảm. Vì vậy nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời, nguy cơ chuột gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp không chỉ ở vụ xuân năm 2021 mà những năm tới sẽ còn khó lường. Để chủ động công tác phòng, chống, giảm tới mức thấp nhất tác hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, Sở NN và PTNT đã phối hợp với các huyện, thành phố tích cực triển khai chiến dịch diệt chuột với yêu cầu thực hiện đồng loạt ở tất cả địa bàn các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các thôn xóm, tới từng hộ nông dân; tổ chức diệt chuột từ cánh đồng đến các bờ mương, bờ máng, ven đê, bờ vùng, bờ thửa, gò, đống, ven đường đi lại, từ trong khu dân cư, các khu công nghiệp, đất trống, đến các đường làng, ngõ xóm. Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để bảo đảm diệt chuột hiệu quả, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các HTX, bà con nông dân áp dụng tổng hợp các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng biện pháp sinh học và thủ công. Biện pháp canh tác, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ, bụi rậm, gò đống, ruộng bỏ hoang, khu nghĩa trang… để phá nơi cư trú của chuột. Gieo cấy tập trung, gọn thời vụ để hạn chế nguồn thức ăn có mặt liên tục trên đồng ruộng. Biện pháp sinh học là thực hiện bảo vệ và phát triển đàn mèo; sử dụng bả diệt chuột sinh học Biorat. Biện pháp thủ công thì sử dụng các loại bẫy kẹp vạn năng, bẫy sập, bẫy hom, bẫy dính hoặc soi đèn, đào bắt, hun khói, đổ nước. Biện pháp hóa học, dùng các loại thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, ít độc hại với môi trường như: Thuốc có hoạt chất Bromadiolone (Antimice 0.006GB, Cat 0.25WP, Broma 0.005AB, Killrat 0.005 Wax block); hoạt chất Brodifacoum (Forwarat 0.005%, Klerat® 0.005% Wax block bait) và các hoạt chất khác… Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã thực hiện 2 đợt ra quân diệt chuột, đợt 1 từ ngày 15-1 đến 15-2, khi lấy nước vào làm đất đến khi gieo cấy lúa; đợt 2 từ ngày 25-2 đến 25-3. Toàn tỉnh đã sử dụng 2.608kg thuốc hóa học và bả sinh học; 31.775 bả mồi sẵn và 3.200kg thuốc hỗ trợ để diệt chuột. Các huyện, thành phố đều tổ chức 2-3 đợt đặt bả bẫy chuột. Với sự ra quân tích cực, đồng loạt ở các địa phương nên đến thời điểm này, các loại cây trồng, nhất là lúa xuân vẫn được bảo vệ an toàn. Một số địa phương diệt chuột tốt, bảo vệ lúa xuân hiệu quả như: Mỹ Thuận, Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc); Nam Vân, Lộc An (thành phố Nam Định); Yên Khang, Yên Thọ, Yên Lương, Yên Tiến (Ý Yên); Xuân Phương, Xuân Kiên, Xuân Ninh (Xuân Trường); Hải Trung, Hải Thanh (Hải Hậu)… 

Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có khả năng sinh sản nhanh, nhiều, nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, kho tàng và lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì vậy để nâng cao hiệu quả các đợt diệt chuột, bảo vệ mùa màng, thời gian tới ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tiếp tục căn cứ vào tình hình cụ thể tiến hành phát động các đợt diệt chuột đồng loạt. UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, thu hồi các vật dụng diệt chuột bằng điện trên đồng ruộng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chỉ đạo hệ thống truyền thanh cơ sở tăng thời lượng tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về thời gian, kỹ thuật phòng, trừ chuột để nhân dân biết, chủ động thực hiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra. Sở NN và PTNT xây dựng, triển khai kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất và đời sống của nhân dân đến các huyện, thành phố, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị liên quan. Huy động cán bộ kỹ thuật tăng cường cho cơ sở; chủ động phối hợp với các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, sự phát sinh gây hại của chuột và các đối tượng sâu, bệnh khác để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo người dân về các loại thuốc đặc hiệu, biện pháp và kỹ thuật phòng, trừ, bảo đảm hiệu quả cao. Phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh xây dựng các chương trình về các biện pháp phòng, trừ chuột và các đối tượng dịch hại khác để nhân dân biết thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra vật tư nông nghiệp bảo đảm trên địa bàn không có việc sử dụng thuốc diệt chuột ngoài danh mục được phép lưu hành gây nguy hiểm cho cộng đồng./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com